Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thực hiện trách nhiệm xã hội theo tư duy mới

Thanh Diệu - Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã làm các doanh nghiệp khốn đốn nhưng không làm tắt đi ngọn lửa “trách nhiệm xã hội – CSR” của các doanh nghiệp. Giờ đây, trong không khí “bình thường mới” giữa lòng đại dịch, ngọn lửa CSR ấm áp đang dẫn dắt các doanh nghiệp mong muốn sự phát triển bền vững tìm đến cách tư duy mới nhằm mang lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng khi thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội.

Tiếp tục hoạt động sản xuất và kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, nền kinh tế đầy khó khăn và trắc trở, nhiều doanh nghiệp vẫn không bỏ quên những hoạt động hướng tới trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) mà ngược lại đã nỗ lực xoay chuyển nó cho phù hợp với thực tế và hành động giúp cộng đồng.

Việc làm của họ chuyển đi một thông điệp rằng sự tương thân tương ái trong khó khăn, trong đại dịch đã nâng đỡ tinh thần của bao người trong xã hội và mỗi doanh nghiệp khi thực hiện trách nhiệm xã hội của mình đã “góp củi vào cho đám lửa đêm đông thêm ấm áp” và doanh nghiệp nào cũng có thể làm điều này nếu biết cố gắng. Đó cũng là một động lực thúc đẩy các doanh nghiệp khác chuyển đổi mạnh mẽ trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của mình nhằm thích nghi với giai đoạn bình thường mới sau Covid-19.

Quang cảnh buổi lễ tôn vinh Saigon Times CSR 2021 do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức vào ngày 17-12 vừa qua. Ảnh: Lê Vũ

Đây cũng là nhận định của các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp bên lề cuộc tọa đàm “Muốn đi xa thì đi cùng nhau” trong khuôn khổ buổi lễ tôn vinh Saigon Times CSR 2021 do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức vào ngày 17-12 vừa qua.

Không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC), cũng là một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về hoạt động CSR và phát triển bền vững của doanh nghiệp, nói: “Trong bối cảnh xã hội có nhiều sự thay đổi như hiện tại, CSR đang trở thành một phần không thể tách rời trong chiến lược kinh doanh, giúp doanh nghiệp xây dựng được hình ảnh tốt trong mắt của đối tác, khách hàng và xây dựng được lòng tin đối với nhân viên”. Theo đánh giá của ông Phạm Phú Ngọc Trai, CSR không chỉ giúp tạo nền móng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp mà còn tạo ra giá trị vô hình, như giúp tạo vốn hóa cao cho các doanh nghiệp.

Chuyên gia nhượng quyền thương mại, bà Nguyễn Phi Vân, cho rằng việc thực hiện chính sách CSR thực sự là một phần quan trọng và cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp. CSR thể hiện vai trò toàn diện của doanh nghiệp với cộng đồng, xã hội, người lao động, đồng thời góp phần không nhỏ trong chiến lược phát triển thương hiệu của chính doanh nghiệp.

CSR: Từ đột xuất đến… kế hoạch dài hạn

Ông Vũ Hồng Quang, Phó chủ tịch HĐQT của CT Group, gọi “bình thường mới” nghĩa là doanh nghiệp vừa phải đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất liên tục và ổn định, vừa bảo vệ an toàn sức khỏe và đời sống của nhân viên, đồng thời không quên trách nhiệm với cộng đồng.

Như lời ông Quang nói, vào thời điểm bùng dịch, CT Group đã thực hiện hàng loạt kế hoạch hướng đến cộng động xã hội, như giúp đỡ những người mất việc, khó khăn, trẻ em mồ côi do đại dịch. Chuỗi các hoạt động này đã khiến công ty nghĩ đến việc lập hẳn quỹ dài hạn cho hoạt động CSR để hoạt động này không còn mang tính đột xuất như trước đây và CT Group đã làm như vậy. Các hoạt động hỗ trợ cộng đồng từ đó cũng được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp hơn để sự hỗ trợ đúng mục tiêu, giúp người dân khắc phục được khó khăn trước mắt, duy trì công việc, để họ tự đứng dậy trong hoàn cảnh khó khăn.

Trong hai năm qua, ngân sách dành cho CSR của CT Group đã tăng gấp đôi so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, trung bình mỗi năm khoảng 15-20 tỉ đồng. Trước đây, ban điều hành xác định sử dụng ngân sách của tập đoàn để làm hoạt động CSR, nhưng giờ đây các phòng ban đã kêu gọi và nhận được sự ủng hộ tích cực từ nhân viên để cùng công ty tổ chức các hoạt động hỗ trợ cộng đồng. Ông Vũ Hồng Quang kể lại, và nhận định những kết quả ban đầu khá khả quan khi các hoạt động CSR đã tập hợp được cả tài chính, tấm lòng, và sự chung tay góp sức của tập thể trong doanh nghiệp.

Ông Lê Anh, Phó tổng giám đốc Công ty Nhựa Duy Tân, cho biết ngay những ngày đầu thành lập, lãnh đạo công ty đã ý thức sâu sắc về trách nhiệm với xã hội và xác định đó là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững. Trách nhiệm với xã hội không chỉ được thể hiện ở việc tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, không gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng, không gây ra những tác hại xấu đối với môi trường sinh thái, mà còn là sự quan tâm đến người lao động, môi trường làm việc và những chế độ phù hợp dành cho cán bộ nhân viên đang làm việc tại công ty.

Nhiều thách thức

Việc tiếp cận CSR dưới góc độ kiến tạo giá trị vào chiến lược kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp định hình và có cái nhìn nhẹ nhàng hơn khi thực hiện những trách nhiệm xã hội. Đồng thời, CSR hiện nay được xem như là tiêu chuẩn để xác định vai trò của doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền con người và đáp ứng các mối quan tâm của khách hàng nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực từ hoạt động kinh doanh. Đây cũng là những thách thức không tránh khỏi trên đường phát triển.

Là đơn vị đồng hành với rất nhiều doanh nghiệp trong hoạt động CSR, bà Lâm Ngọc Thảo, Giám đốc điều hành LIN Center, cho rằng dù CSR trong doanh nghiệp nay đã phổ biến hơn nhưng doanh nghiệp vẫn còn lúng túng trong cách thức thực hiện. Bà Thảo cho rằng để thực hiện tốt các hoạt động CSR, doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc cung cấp nguồn lực, mà cần đi sâu vào giải pháp thực tế, giải quyết các vấn đề phát sinh.

Giám đốc truyền thông và đối ngoại của PNJ, ông Huỳnh Văn Tẩn, nói rằng đại dịch Covid-19 cũng buộc doanh nghiệp phải có suy nghĩ khác, góc nhìn khác về hoạt động CSR của chính bản thân mình. Trước hết, việc triển khai các dự án CSR phải nhanh gọn và có tính khả thi, để sự hỗ trợ đến những người khó khăn kịp thời và đúng lúc.

PNJ là đơn vị có “thâm niên” về hoạt động CSR nhiều năm qua, nhưng cũng đã thay đổi cách thực hiện CSR sau đại dịch theo hướng linh hoạt và sáng tạo tiệm cận gần hơn với lợi ích thiết thực của cộng đồng. Chuỗi siêu thị 0 đồng cung ứng hàng hóa thiết yếu mùa dịch thứ 4 tại TPHCM là một ví dụ, nơi mà PNJ đã nhận được sự đồng tình của các doanh nghiệp, tổ chức khác chung tay thực hiện.

Chưa kể, trong khi dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, việc triển khai hoạt động CSR đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp lẫn cá nhân thực thi phải có sự bình tĩnh hơn, can đảm hơn và biết cách hy sinh nhiều hơn nữa. Doanh nghiệp phải luôn có sự chuẩn bị cho các tình huống phát sinh liên quan đến ca nhiễm, hoặc kế hoạch bị ách tắc vì các lý do dịch bệnh… để có giải pháp kịp thời và xử lý linh hoạt nhằm đạt đến mục tiêu đề ra.

Có ý kiến cho rằng CSR hay phát triển bền vững là câu chuyện của các tập đoàn lớn với tiềm lực hùng hậu, còn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, áp lực về tài chính và định hướng phát triển vẫn đang là một rào cản lớn.

Ở góc nhìn của một chuyên gia tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm thực tế của người đứng đầu một doanh nghiệp, ông Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng quyết định thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội có thể được xem là phản ứng đầu tiên của doanh nghiệp trong quản trị rủi ro và cũng là cơ hội để nhìn lại bước đi của mình trong tương lai. Nếu doanh nghiệp còn hạn chế về mặt tài chính, trước tiên cần phải hoạt động hiệu quả để tồn tại, việc trở thành một “tế bào tốt” trong nền kinh tế cũng là một đóng góp hữu ích cho xã hội.

“Tôi không đánh giá cao doanh nghiệp làm từ thiện tốt nhưng không tuân thủ pháp luật, hoặc làm từ tiện nhiều nhưng hàng năm vẫn lỗ. Đó không phải là những tế bào bền vững. Tùy vào năng lực mà doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội theo từng bậc khác nhau”, ông nói.

1 BÌNH LUẬN

  1. Mở rộng CSR thành BCR (business common responsibility). Không giới hạn ở các doanh nghiệp lớn, nhỏ. Đã tham gia hoạt động kinh doanh (làm ăn kiếm lời) là phải có trách nhiệm với công việc, với chính mình và cộng đồng. BCR cũng có nghĩa là trách nhiệm cạnh tranh trong kinh doanh (business competitive responsibility), cạnh tranh lành mạnh, có văn hóa, có đạo đức. Bởi lẽ, thế giới này suy đồi phần lớn là do kinh doanh và cạnh tranh vô lối.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới