Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

1.300 tỉ đồng, giá của… “một tiếng thở dài”!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

1.300 tỉ đồng, giá của… “một tiếng thở dài”!

Mai Lan

Nhiều học sinh coi việc vẽ bậy lên sách giáo khoa là một nghệ thuật.

(TBKTSG) – Cái tin đầy màu sắc vui vẻ: “Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, để chuẩn bị cho năm học mới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phát hành đầy đủ, kịp thời sách giáo khoa đến các địa phương ngay trong dịp hè 2011 với số lượng hơn 89 triệu bản (tăng so với năm học trước 2 triệu bản), bảo đảm ổn định thị trường sách giáo dục”.

Vậy mà đọc xong, chị lao công cơ quan tôi lại thở dài: “Thêm một mối lo tiền nữa rồi cô ơi!”. Tôi an ủi: “Thôi thì xem trong cơ quan, con ai có sách cũ xin cho đỡ tốn”. Chị giãy nảy lên: “Đâu được, sách cũ sao học, cô không thấy báo đăng sách chỉnh sửa nội dung hoài sao. Hơn nữa, ai cũng sách mới, con mình sách cũ, nó tủi tội nghiệp!”.

Sau câu chuyện, tôi lẩn thẩn làm một con tính: 89 triệu bản sách nhân với giá khoảng 15.000 đồng/bản, đáp án là con số trên 1.300 tỉ đồng. Lần này thì chính tôi lại giật mình thở dài: Sao nhiều quá vậy! Mỗi năm học mới, chỉ đơn giản là mua sách giáo khoa cũng đã ngốn hết của phụ huynh học sinh cả nước chừng đó tiền! Lâu nay trên các diễn đàn, những phụ huynh có một thời đi học, ai cũng nhớ rằng cái ngày xưa ấy của họ, sách giáo khoa được truyền từ “đời” thằng anh đến “đời” cô em. Chưa kể, hầu hết sách giáo khoa của học trò tiểu học được nhà trường cho mượn. Cuối năm học, trò nào lỡ làm mất hoặc làm rách phải đền tiền cho thư viện trường sẽ rất “xấu hổ” với bạn bè vì tính không cẩn thận. Chính vì được giáo dục trách nhiệm trong môi trường như vậy, học trò đã giữ gìn sách giáo khoa như một “báu vật”. Sâu xa hơn, trách nhiệm đó đã dạy cho các em một tinh thần biết tiết kiệm và biết yêu quý nâng niu quyển sách giáo khoa của mình. Bởi, hồn sách chính là hồn người.

Còn hôm nay, xem trên Đất Việt bài viết Hết thời “thừa giấy vẽ voi”, nhiều học sinh giờ coi việc vẽ bậy lên sách giáo khoa là một nghệ thuật, là “thể hiện cá tính”. Rồi có hẳn trên mạng “Hội những người thích vẽ bậy vào sách giáo khoa” hiện nay đã thu hút tới hơn 21.000 học sinh tham gia. Đã có tới 39.000 kết quả trích dẫn về bài viết này. Và những “comments” đầy tiếng thở dài của các bậc phụ huynh cũng như các nhà văn hóa! Chuyện gì đang xảy ra cho thế hệ trẻ hôm nay?

Có đấy, bởi con trẻ luôn là bản sao “đầy hứng khởi” của người lớn.

Người lớn, mà cụ thể là Bộ GD&ĐT – từ ngày thống nhất đất nước đến nay đã liên tiếp mở các đợt cải cách giáo dục, và dĩ nhiên kèm theo đó là thay sách giáo khoa cũng liên tục. Những cuốn sách giáo khoa vừa kịp đi hết một vòng thay sách, nhưng chưa kịp tổng kết rút kinh nghiệm đã nhanh chóng bị bỏ đi bởi đợt cải cách mới. Chưa kể, ngay trong giai đoạn thay sách, sách giáo khoa mới phát hành năm này, những năm kế tiếp lại tiếp tục được chỉnh sửa. Và thế là vứt bỏ!!!.

“Lối mòn đi hoài sẽ tạo thành con đường”! Phải chăng, sau khi được ngành giáo dục “hướng dẫn” thay sách giáo khoa liên tục, nay trong phụ huynh cũng đã thành hình một thói quen sắm sách giáo khoa mới cho con em vào đầu năm học mới, dù sách “thằng anh” mới học xong năm rồi vẫn còn đó. Bởi, như ca thán của nhiều phụ huynh: “Làm sao chúng tôi nắm cho hết được thông tin từ Bộ GD&ĐT, lúc nào là thay sách giáo khoa, lúc nào thì chỉnh sửa. Rồi cuốn nào có chỉnh sửa, cuốn nào không. Rối lắm! Ngay cả có biết được cuốn nào có chỉnh sửa, lại phải đi mượn sách mới để ngồi dò từng trang để chỉnh sửa bổ sung. Thôi thì, mua mới cho xong”. “Và thế là vứt bỏ”! Không chỉ là số tiền 1.300 tỉ đồng sách giáo khoa mất đi hàng năm, giá còn đắt hơn nữa là lối sống tha hóa con trẻ học được từ người lớn về sự lãng phí!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới