Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

10 câu chuyện kinh doanh nổi bật năm 2015

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

10 câu chuyện kinh doanh nổi bật năm 2015

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Năm 2015 sắp khép lại, đánh dấu một năm đầy biến động trong các hoạt động kinh doanh với tâm điểm là nền kinh tế Trung Quốc (TQ) suy yếu và giá dầu lao dốc, kéo theo giá cả của một loạt hàng hóa, gây ra những tổn thương từ các giếng dầu ở Texas (Mỹ) cho đến các mỏ than ở Indonesia.

Dưới đây là 10 câu chuyện kinh doanh nổi bật nhất 2015 do các biên tập viên mảng kinh doanh ở hãng tin AP bình chọn.

10 câu chuyện kinh doanh nổi bật năm 2015
Chứng khoán Trung Quốc sụt giảm mạnh vào mùa hè 2015. Ảnh: Getty Images

1. Kinh tế TQ chững lại

Phải mất 5 năm để mọi người thực sự trở nên lo lắng về đà giảm tốc của nền kinh tế TQ (tăng trưởng GDP giảm dần từ mức 10,6% vào năm 2010 xuống còn mức 7% dự kiến trong năm 2015). Nỗi lo lắng cuối cùng đã gây tổn thương các thị trường toàn cầu trong tháng 8. Từ ngày 10-8 đến 25-8, chỉ số Dow Jones đã lao dốc 11% vì lo ngại rằng mọi người đã đánh giá quá thấp các vấn đề của nền kinh tế TQ và tác động của chúng đối với toàn thế giới.

Đà giảm tốc là một phần trong kế hoạch chính thức của TQ nhằm chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và đầu tư lãng phí sang mô hình tăng trưởng chậm nhưng bền vững hơn dựa vào tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo TQ đã làm xấu đi uy tín quản lý kinh tế của họ thông qua hành động can thiệp vụng về nhằm chống đỡ giá các cổ phiếu lao dốc trên thị trường chứng khoán TQ. Sau đó, họ lại gây sốc và làm rối tung thị trường qua việc giảm giá đồng nhân dân tệ.

Các nhà kinh tế bắt đầu đưa ra kết luận rằng câu chuyện kinh tế TQ đã bị tô hồng quá mức và tăng trưởng của nước này có thể lui về mức 5 hoặc 6%, thậm chí có thể suy yếu thêm nữa.

Giá dầu lao dốc giúp giá xăng ở Mỹ giảm mạnh chỉ còn dưới 2 đô la Mỹ/gallon. Ảnh: AP

2. Giá cả hàng hóa sụp đổ.

Nền kinh tế TQ chững lại và thừa mứa nguồn cung đã nhấn chìm giá cả hàng hóa và năng lượng. Chỉ số hàng hóa Standard & Poor's GSCI tại New York của 24 loại hàng hóa đã giảm mạnh 34% trong năm nay xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999 và giảm 80% so với mức đỉnh. “Thủ phạm” số 1 là sự trì trệ của nền kinh tế TQ. Giá cả hàng hóa từng bùng nổ khi các nhà máy TQ tiêu thụ khoảng 50% sản lượng đồng, nhôm, nickel và thép của thế giới. Giá dầu cũng đổ sụp từ mức 98 đô la Mỹ/thùng cách đây 2 năm xuống còn mức dưới 35 đô la Mỹ/thùng ở thời điểm thấp nhất.

Nguyên nhân chính khiến giá dầu rớt thảm là do sản lượng khai thác dầu không bị hạn chế trên toàn thế giới, dẫn đến dư thừa nguồn cung quá lớn. Để đối phó tình hình này, các công ty năng lượng đã cắt giảm đầu tư ở các khu vực chứa dầu của Mỹ. Tuy nhiên, người tiêu dùng được hưởng một món quà bất ngờ: vào thời điểm cuối năm, người sử dụng xe ô tô ở Mỹ chỉ phải trả chưa đến 2 đô la Mỹ/ 1 gallon xăng (3,78 lít) giảm từ mức 2,47 đô la Mỹ/1 gallon xăng cách đây một năm.

3. Chấm dứt thời kỳ “tiền rẻ”.

Khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt lãi suất ngắn hạn đồng đô la Mỹ về gần mức 0% vào tháng 12-2008, nền kinh tế Mỹ đã mất hàng trăm ngàn việc làm mỗi tháng. Hệ thống tài chính Mỹ gần như sụp đổ. Động thái cắt giảm lãi suất là một phản ứng khẩn cấp và không ai ngờ nó kéo dài đến 7 năm.

Ngày 16-12, Fed tuyên bố nền kinh tế Mỹ đã đủ mạnh để chịu đựng mức tăng lãi suất nhẹ và quyết định nâng mức lãi suất ngắn hạn từ mức 0-0,25% lên mức 0,25%-0,5%, qua đó đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ “tiền miễn phí”.

Tuy nhiên khi nền kinh tế châu Âu, Nhật vẫn đang chật vật và nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, Ngân hàng trung ương châu Âu, Ngân hàng trung ương Nhật và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã đi theo hướng ngược lại: tiếp tục mở rộng các chính sách nới lỏng tiền tệ.

Martin Winterkorn, CEO của hãng xe Volkswagen buộc phải từ chức sau vụ bê bối gian lận khí thải. Ảnh: Getty Images

4. Volkswagen gian lận khí thải

Trong nửa đầu năm 2015, hãng xe Volkswagen (Đức) đã vượt qua hãng Tokyo để trở thành hãng xe bán nhiều ô tô nhất thế giới. Song hương vị chiến thắng không kéo dài lâu. Ngày 18-9, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) tiết lộ Volkswagen đã gian lận trong các bài kiểm tra khí thải đối với hàng trăm ngàn xe ô tô chạy bằng động cơ diesel được hãng này quảng bá là thân thiện với môi trường.

Đây là vụ cố tình gian lận gây chấn động; CEO của Volkswagen Martin Winterkorn buộc phải từ chức và Volkswagen thông báo thu hồi 11 triệu xe trên toàn cầu và dành ra 7 tỉ đô la Mỹ để trang trải các chi phí để giải quyết vụ gian lận khí thải. Uy tín của Volkswagen đã vỡ vụn vì vụ gian lận này.

Sự phát triển mạnh mẽ của Uber đã châm ngòi cho cuộc tranh luận về nền kinh tế tạm thời. Ảnh: Reuters

5. Tăng trưởng của “nền kinh tế tạm thời”

Tăng trưởng mạnh mẽ của dịch vụ gọi xe qua ứng dụng trên điện thoại di động Uber đã châm ngòi cho cuộc tranh luận về nền kinh tế tạm thời (gig economy) mà trong đó mọi người thích làm các công việc tự do, mang tính tạm thời hơn là làm việc như các nhân viên tại các công sở truyền thống.

Các tài xế của Uber chạy loanh quanh thành phố bằng xe riêng của họ. Các nhà thiết kế ứng dụng cho điện thoại di động làm việc tại nhà và đã cung ứng nhiều ứng dụng cho Apple Store. Các thợ mộc bán dịch vụ của họ qua trang web dịch vụ khách hàng thumbtack.com…

Những người ủng hộ cho rằng nền kinh tế tạm thời thúc đẩy sáng tạo và cho phép người lao động có được sự tự do. Những người chỉ trích lo ngại rằng mô hình kinh tế này sẽ khiến các công ty xem người lao động là “nhà thầu độc lập” để tránh trả tiền lao động ngoài giờ, tiền bảo hiểm thất nghiệp.

Hai hãng bia lớn nhất thế giới Anheuser-Busch InBev và SABMiller sáp nhập. Ảnh: Internet

6. Các vụ sáp nhập “trăm tỉ đô la”

Giới doanh nghiệp Mỹ đón nhận một cuộc cải tổ lớn trong 2015: các công ty đã thông báo các vụ sáp nhập và thâu tóm (M&A) với tổng trị giá gần 4.800 tỉ đô la Mỹ, phá vỡ kỷ lục về giá trị M&A trong năm 2007. Số lượng các vụ sáp nhập khổng lồ trị giá từ 10 tỉ đô la Mỹ trở lên cũng tăng lên mức kỷ lục.

Đáng chú ý nhất là hai tập đoàn hóa chất hàng đầu Mỹ Dow Chemical và DuPont nhất trí thương vụ sáp nhập có trị giá 60 tỉ đô la Mỹ. Hai tập  đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer và Allergan cũng thông báo thương vụ sáp nhập trị giá 149 tỉ đô la Mỹ.

Danh sách các vụ sáp nhập đình đám còn bao gồm vụ hãng bia lớn nhất thế giới Anheuser-Busch InBev (Bỉ)  thâu tóm hãng bia địch thủ lớn thứ hai thế giới SABMiller (Anh) với giá 106 tỉ đô la Mỹ.

7. Túi khí của Takata dính lỗi

Hãng sản xuất túi khí xe hơi Takata (Nhât) thừa nhận trong nhiều năm trời, tập đoàn này đã che giấu bằng chứng cho thấy túi khí của hãng này có thể phát nổ, một lỗi được cho là liên quan đến 8 trường hợp tử vong và hơn 100 trường hợp bị thương trên thế giới.

Hãng Takata đã nhất trí thu hồi 33,8 triệu túi khí ở Mỹ. Đây là vụ thu hồi lớn nhất trong lịch sử ngành ô tô của thế giới.

Takata đã đồng ý nộp phạt cho các cơ quan quản lý Mỹ 70 triệu đô la Mỹ đồng thời nhất trí loại bỏ dần túi khí sử dụng chất ammonium nitrate bị đổ lỗi là nguyên nhân gây ra các vụ nổ.

Các hãng xe Ford, Honda, Toyota, Nissan đều quyết định không đặt các túi khí này vào trong xe hơi và xe tải đang sản xuất nữa.

Hãng Takata là nhà sản xuất túi khí xe hơi lớn nhất với thị phần khoảng 20% trên toàn thế giới.

8.Tính trung lập của mạng Internet

Các công ty viễn thông và cáp mạng Mỹ đang tranh đấu với các cơ quan quản lý về việc quyền kiểm soát mạng Internet. Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) đã ban hành quy định về tính trung lập của Internet nhằm cấm các nhà cung cấp dịch vụ Internet dành sự đối xử ưu tiên cho các trang trả phí để được hưởng tốc độ đường truyền nhanh hơn. Các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng và các công ty cung cấp dịch vụ nội dung như Netfix ủng hộ các quy định mới nhưng các nhà cung cấp dịch vụ Internet như Comcast va Verizon cho rằng các quy định này là rào cản cho sự sáng tạo và gây trở ngại cho việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng băng thông rộng.

Năm 2014, một tòa án phúc thẩm liên bang ở Mỹ đã bác bỏ các quy định trước đây của FCC nhằm bảo đảm tính trung lập Internet. Tuy nhiên, trong tháng 12 vừa qua, một thẩm phán thuộc hội đồng xét xử của tòa án phúc thẩm trên cho biết các quy định sửa đổi của FCC về tính trung lập của Internet có thể được tòa chấp thuận.

Brian Torcellini, quản lý chương trình xe tự lái của Google, đứng bên cánh một chiếc xe tự lái của Google. Ảnh: AP

9. Bình minh của xe tự lái

Các nhà sản xuất ô tô và các công ty công nghệ như Google, Alibaba và Baidu đang chạy đua phát triển xe tự lái. Hãng xe Nissan đã cho các phóng viên thử nghiệm xe tự lái và công ty sản xuất xe điện Tesla Motors cũng đã giới thiệu công nghệ cho phép xe chuyển làn và phanh tự động.

Khi nhiều chức năng của xe ô tô được tự động hóa, các chuyên gia cho rằng một số xe tự lái sẽ xuất hiện vào năm 2025.

Trong năm qua, hai hãng xe Mercedes và Infiniti đã giới thiệu một số mẫu xe có thể tự động thực hiện một chức năng, chẳng hạn tự lái và tự duy trì hướng chạy trong các làn đường ở tốc độ cao. Dòng xe Cadillac dự kiến sẽ có chức năng tự lái vào năm sau. Năm 2017, hãng xe Audi sẽ đưa ra thị trường các xe tự lái với tốc độ chậm, hoạt động hiệu quả trong những lúc bị kẹt xe.

Một khách hàng thử Apple Watch tại cửa hàng Apple ở Tokyo, Nhật. Ảnh: AP

10. Apple Watch kích hoạt công nghệ thiết bị đeo tay.

Đồng hồ thông minh Apple Watch của tập đoàn công nghệ Apple được tung ra thị trường vào tháng 4-2015, thiết lập lại thị trường các phụ kiện có thể đeo tay và đeo trên người và kích hoạt một làn sóng đầu tư sản xuất thiết bị điện tử đeo tay. Giá mỗi chiếc Apple Watch dao động từ mức 350 đô la Mỹ đến 10.000 đô la Mỹ tùy theo mức độ xa xỉ.

Apple Watch nhận được nhiều đánh giá trái chiều. Một số người chỉ trích nghi ngờ liệu nó có đủ hữu ích đến mức phải bỏ ra một số tiền  lớn như vậy để mua hay không. Apple vẫn chưa cho biết số lượng Apple Watch đã bán được tuy nhiên các chuyên gia phân tích ở Phố Wall cho rằng Apple đã bán được 4 triệu chiếc trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9, tăng so với con số 3,6 chiếc được bán từ tháng 4 đến tháng 6.

(theo AP)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới