Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

10% lệ phí thị thực sẽ dùng để làm quỹ phát triển du lịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

10% lệ phí thị thực sẽ dùng để làm quỹ phát triển du lịch

Đào Loan

(TBKTSG Online) – Sắp tới ngành du lịch sẽ có Quỹ hỗ trợ Phát triển Du lịch với với vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp trong 3 năm đầu, sau đó, ngân sách nhà nước sẽ bổ sung kinh phí bằng 10% tổng số thu ngân sách hàng năm từ nguồn thu phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất, nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài cùng một số nguồn khác.

10% lệ phí thị thực sẽ dùng để làm quỹ phát triển du lịch
Du khách nước ngoài chụp ảnh trước Bưu điện TPHCM. Ảnh: Đào Loan

Theo Nghị định số 168/2017/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều lệ của Luật Du lịch, Quỹ hỗ trợ Phát triển Du lịch được hình thành từ các nguồn như vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp trong 3 năm đầu; 10% từ nguồn thu phí cấp thị thực và các giấy tờ liên quan đến xuất, nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài vừa kể trên; 5% tổng số thu ngân sách hàng năm từ nguồn thu phí tham quan du lịch, điểm du lịch.

Thêm vào đó, quỹ còn có nguồn thu từ tài trợ, đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tiền lãi từ tiền gửi của quỹ tại ngân hàng…

Nghị định trên không đề cập đến số vốn điều lệ cụ thể và quy định, việc cấp vốn điều lệ sẽ thực hiện sau khi Thủ tướng quyết định thành lập, phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ.

Tuy nhiên, trong văn bản lấy ý kiến về điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ Phát triển Du lịch do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện trước đây có đề cập đến nội dung, vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp là 300 tỉ đồng. Ngân sách nhà nước cấp đủ vốn cho quỹ trong 3 năm và cấp ngay trong năm đầu thành lập là 100 tỉ đồng.

Theo Luật Du lịch, mục đích của quỹ là xúc tiến du lịch, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển sản phẩm du lịch, phát triển nguồn nhân lực và truyền thông du lịch trong cộng đồng.

Hiện Tổng cục Du lịch chưa có công bố chính thức về số lượng du khách quốc tế phải xin thị thực vào Việt Nam nhưng trong một trao đổi với TBKTSG Online hồi cuối năm ngoái, thông tin từ cơ quan này cho biết năm 2016, có khoảng 50%/tổng số khách quốc tế đến phải xin thị thực. Số còn lại được miễn. 

Vào năm ngoái, cả nước đón hơn 12,8 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, tỷ lệ giữa số người phải xin với số người được miễn thị thực có thể thay đổi một chút do lượng khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc, hai thị trường được miễn thị thực và chiếm số lượng lớn trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với trước.

Theo thông tư số 219/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, có rất nhiều mức thu phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài. Trong đó, cấp thị thực có giá trị một lần là 25 đô la/chiếc, loại có giá trị ba tháng có phí 50 đô la, loại 3-6 tháng là 95 đô la, phí thị thực cho khách quá cảnh đường hàng không và đường biển vào tham quan, du lịch là 5 đô la/lần.

Doanh nghiệp được phép đề nghị giải tỏa tạm thời tiền ký quỹ

Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định rõ ràng mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là 100 triệu đồng, dịch vụ lữ hành với khách quốc tế đến Việt Nam là 250 triệu đồng (inbound), với khách du lịch ra nước ngoài là 500 triệu đồng (outbound). Với những công ty kinh doanh cả inbound và outbound thì mức phí cũng là 500 triệu đồng.

Nghị định này cũng có điều khoản mới, cho phép doanh nghiệp gửi đề nghị giải tỏa tạm thời tiền ký quỹ để giải quyết sự cố trong những trường hợp như khách du lịch chết, tai nạn, rủi ro, xâm hại tính mạng cần phải đưa về nơi cư trú hoặc điều trị khẩn cấp mà doanh nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí kịp thời. Trong vòng 48 giờ kể từ lúc nhận đề nghị, cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành xem xét và gửi đề nghị ngân hàng cho doanh nghiệp trích tài khoản tiền ký quỹ để sử dụng hoặc từ chối.

Sau đó, trong vòng 30 ngày sau khi rút tiền ra, doanh nghiệp phải bổ sung tiền vào theo đúng quy định.

Hiện nay, cả nước có khoảng 1.800 công ty du lịch có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Trong đó, có 80% là công ty kinh doanh cả ba mảng gồm nội địa, outbound và inbound.

 

 

 

Đọc thêm:

Bỏ hay không bỏ thị thực du lịch?

Muốn bỏ thị thực hay muốn thu phí visa?

Doanh nghiệp góp 40 tỉ đồng cho quảng bá du lịch

Khách Hàn và Trung chiếm lĩnh thị trường du lịch Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới