Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

10 sự kiện doanh nghiệp năm 2007 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

10 sự kiện doanh nghiệp năm 2007 

Bốn doanh nghiệp bán lẻ trong nước cùng hợp sức để tăng năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp bán lẻ quốc tế tại thị trường Việt Nam – Ảnh: tư liệu

(TBKTSG Online) – Năm 2007 được đánh giá là năm mở ra nhiều cơ hội đồng thời cũng đầy thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam qua một năm “cọ xát” trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế. 

Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật về doanh nghiệp Việt Nam do nhóm báo TBKTSG bình chọn.

Foxconn có kế hoạch đầu tư 5 tỉ đô la vào Việt Nam

Đầu tháng 9-2007, tập đoàn Foxconn của Đài Loan đã ký thỏa thuận khung về hợp tác đầu tư tại Việt Nam với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo thỏa thuận này, Foxconn cam kết sẽ đầu tư vào Việt Nam một loạt các dự án trong nhiều lĩnh vực như: công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, bất động sản… với tổng vốn đầu tư 5 tỉ đô la Mỹ.

Trước mắt, Foxconn đã khánh thành hai nhà máy công nghệ cao tại tỉnh Bắc Ninh với số vốn đầu tư trên 160 triệu đô la. Foxconn là tập đoàn đứng thứ 150 trong số 500 tập đoàn, công ty lớn của thế giới. Sự có mặt của Foxconn, tương tự sự có mặt của Intel trước đây, sẽ kéo theo nhiều công ty vệ tinh khác của tập đoàn này vào Việt Nam.

Nhà máy giấy lớn nhất được cấp phép nhưng bị dư luận phản ứng do nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Đầu tháng 8, tại tỉnh Hậu Giang, Công ty Giấy Lee & Man VN (100% vốn Hồng Kông) đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất giấy và bột giấy có vốn đầu tư 1,2 tỉ đô la Mỹ, lớn nhất Việt Nam, mỗi năm sản xuất 420.000 tấn giấy và 150.000 tấn bột giấy phục vụ thị trường nội địa. Tuy nhiên, dự án này được khởi công trong sự lo ngại về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cũng như thiếu quy hoạch nguồn nguyên liệu. Nhiều cơ quan chức năng liên quan đã lên tiếng đề nghị Chính phủ xem xét lại dự án này.

Ngưng thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân

Sau ba năm chuẩn bị và hai năm âm thầm xây dựng đề án, cuối cùng vào ngày 21-6, trước phản ứng không đồng tình của công luận từ nhiều phía, UBND TPHCM đã chính thức thông báo ngưng đề án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân. Nhiều ý kiến bày tỏ sự không đồng tình với đề án cả về mục tiêu, tính khả thi lẫn tác động của việc cổ phần hóa xét về mặt công bằng xã hội. Hệ lụy từ việc này là nhiều người bị điêu đứng vì trót mua quyền mua cổ phần ưu đãi của bệnh viện.

Bốn doanh nghiệp liên kết lập tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam

Trước áp lực cạnh tranh và để chuẩn bị đối phó với việc mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ trong nước từ đầu năm 2009 theo cam kết WTO, bốn doanh nghiệp phân phối hàng đầu Việt Nam gồm Satra, Hapro, Saigon Co.op và tập đoàn Phú Thái hồi đầu năm nay đã liên kết thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA) với số vốn lên đến 6.000 tỉ đồng. Trong khi đó, bản thân từng doanh nghiệp cũng đầu tư mở rộng và nâng cấp hệ thống phân phối của mình như trường hợp của Vinatex, Saigon Co.op, Nguyễn Kim… hoặc bắt tay với tập đoàn phân phối nước ngoài như trường hợp của Foodsaco liên kết với tập đoàn Golden Resource Development International của Hồng Kông.

Doanh nghiệp và nông dân bị thiệt hại lớn do thông tin không chính xác

Vào tháng 7-2007, Công ty Toàn Mỹ lâm vào cảnh khó khăn, bị thiệt hại khoảng 1 tỉ đồng/ngày, do không bán được các loại bồn nước inox. Nguyên nhân, vì trên một số tờ báo có thông tin sản phẩm của họ có chất gây ung thư. Chuyện bắt đầu từ khi Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng thông báo hàm lượng mangan trong bồn nước inox của Toàn Mỹ cao hơn 7%, gấp bốn lần so với tiêu chuẩn do chính doanh nghiệp này công bố. Hàm lượng mangan cao là có thật song khả năng gây ung thư thì chưa chắc. Điều đáng nói ở đây là việc tung tin bồn inox gây ung thư trong khi cơ quan chuyên môn chưa có kết luận được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thông tin trên một số tờ báo (được dịch từ báo nước ngoài) về việc ăn bưởi có nguy cơ bị ung thư vú cũng khiến người trồng bưởi lao đao một thời gian vì bưởi không bán được.

Đề án lập công ty cổ phần mua bán điện của EVN đã bị phủ quyết do không thuận lợi về mô hình hoạt động – Ảnh: tư liệu

Công ty cổ phần Mua bán điện – chưa khai sinh đã “khai tử”

Đề án thành lập công ty cổ phần mua bán điện của tập đoàn Điện lực (EVN) đã bị Bộ Công nghiệp, bộ chủ quản của EVN, và sau đó là Chính phủ xóa sổ do có nhiều phản ứng không thuận lợi về mô hình hoạt động, cơ chế hạch toán, bù lỗ… từ các bộ, ngành và tổ chức tài chính quốc tế (WB). Nguy hiểm hơn là với đề án này, việc mua bán điện đã được chuyển từ hình thức độc quyền nhà nước sang độc quyền doanh nghiệp. Mô hình công ty mà EVN đề xuất có thể tạo ra sự xung đột lớn về quyền lợi bởi vì đây là một công ty cổ phần hoạt động vì lợi nhuận, trong đó các cổ đông chính lại là những nhà sản xuất điện.

Cổ phần hóa Bảo Việt và Vietcombank

Năm 2007 đánh dấu hai cuộc phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của hai doanh nghiệp nhà nước lớn nhất từ trước tới nay, là tập đoàn Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Bảo Việt đưa ra IPO 59,44 triệu cổ phần (tương đương 8,74% vốn điều lệ), còn Vietcombank đưa ra đấu giá 97,5 triệu cổ phần (6,5% vốn điều lệ).

Giá trúng thầu bình quân của Bảo Việt là 73.900 đồng/cổ phần, thặng dư vốn là 7.826 tỉ đồng. So với kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn, đây là kết quả không như mong muốn bởi theo Quyết định số 1729 ngày 29-12-2006 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2007-2010 có đến 71 tập đoàn và tổng công ty lớn phải cổ phần hóa.

Thành lập hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam

Ngày 20-12, hãng hàng không  cổ phần, 100% vốn tư nhân đầu tiên của Việt Nam (VietjetAir) đã nhận được giấy phép hoạt động. Cổ đông sáng lập của VietjetAir là tập đoàn T&C, tập đoàn Sovico, và Ngân hàng Phát triển nhà TPHCM (HD bank). Vốn điều lệ của hãng là 600 tỉ đồng, Tổng giám đốc VietjetAir là ông Nguyễn Đức Tâm, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật của Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Một số vị trí chủ chốt của hãng bay là người nước ngoài. Theo kế hoạch, cuối năm 2008, VietjetAir sẽ bay tuyến nội địa là TPHCM – Hà Nội – Đà Nẵng và tuyến quốc tế là Hà Nội/TPHCM – Singapore, Thái Lan, Đài Loan. Đây là hãng hàng không thứ tư của Việt Nam sau Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco (các hãng này đều có vốn nhà nước chiếm chủ yếu).

Vinashin là một trong 8 tập đoàn kinh tế lớn được thành lập trong năm 2007. Trong ảnh là quang cảnh một công trường đóng tàu của Vinashin. Ảnh: tư liệu

Phong trào thành lập tập đoàn – ngân hàng

Trong năm 2007, tám tập đoàn kinh tế đã được thành lập, bao gồm: Dầu khí, Điện lực, Bưu chính Viễn thông, Than – Khoáng sản, Công nghiệp tàu thủy, Dệt may, Công nghiệp cao su và Tài chính bảo hiểm. Điều đáng chú ý là cho đến nay vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào quy định cụ thể tập đoàn kinh tế hoạt động ra sao, quy mô thế nào, trong khi hoạt động các tập đoàn trải rộng trên nhiều lĩnh vực, cả thuận tay lẫn trái tay.

Một xu hướng khác cũng đáng ghi nhận trong lĩnh vực kinh doanh của năm qua là việc các tập đoàn đua nhau thành lập ngân hàng, trong đó hai trong số bốn ngân hàng cổ phần mới được Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc là FPT, Bảo Việt, Liên Việt và Tài chính dầu khí đều có sự tham gia của một số tập đoàn. Hệ quả của phong trào tập đoàn thành lập ngân hàng, theo các chuyên gia, là làm suy yếu chức năng trung gian tài chính của các ngân hàng thương mại truyền thống, phân bổ sai lệch các nguồn tài nguyên tín dụng và làm xói mòn tính cạnh tranh giữa các chủ thể khác nhau của nền kinh tế.

VIS nhập thép đúng luật nhưng lại vất vả vì Hiệp hội Thép

Vào đầu tháng 3-2007, Công ty Thép Việt Ý (VIS) nhập 5.000 tấn thép cây mang thương hiệu VIS từ Trung Quốc (đặt gia công) về Việt Nam bán và đã bị Hiệp hội Thép Việt Nam phản ứng quyết liệt, thậm chí gửi kiến nghị lên tới Thủ tướng. Hiệp hội Thép cho rằng hành động của VIS gây ảnh hưởng xấu cho sản xuất trong nước. Tuy nhiên, cuối cùng Bộ Thương mại và Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) đều cho rằng cách làm của VIS là đúng luật. Qua vụ việc này cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước còn lúng túng khi xử lý những tình huống mới phát sinh trong kinh doanh, đồng thời xu hướng liên kết độc quyền nhóm để làm giá không thể tồn tại nếu muốn bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh.  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới