Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

10 sự kiện kinh tế 2008

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

10 sự kiện kinh tế 2008

Lạm phát cao đã ảnh hưởng rất lớn đến người dân – Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Năm 2008 – một năm đầy ắp các sự kiện kinh tế-xã hội tạo ra nhiều biến động dồn dập ảnh hưởng đến đời sống nhân dân cả nước. Sau đây là 10 sự kiện đáng chú nhất do các chuyên gia, cộng tác viên của TBKTSG và biên tập viên, phóng viên TBKTSG bình chọn.

1. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng bốn tháng cuối năm giảm nhưng lạm phát cả năm dự kiến vẫn lên đến 23%, trong đó đỉnh điểm là vào tháng 8, khi lạm phát lên đến 28,3%.

Nguyên nhân chính gây ra lạm phát cao, ngoài tác động bên ngoài như giá dầu, giá lương thực thế giới tăng cao, còn do chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng của Việt Nam, trong đó có việc đầu tư ra ngoài lĩnh vực hoạt động chính của các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp hồi tháng 7-2008, số vốn đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng, bất động sản của các tập đoàn là 7.370 tỉ đồng, nhưng con số này không nói hết được thực trạng đầu tư trái ngành ở các đơn vị này.

Điểm đáng chú ý là lạm phát năm nay lại song hành với tình trạng đình trệ sản xuất và nguy cơ suy giảm kinh tế.

Hồi tháng 4, Chính phủ phải đưa ra tám nhóm giải pháp để kiềm chế lạm phát, trong đó lần đầu tiên lãi suất cơ bản đã được sử dụng như công cụ quan trọng để điều hành thị trường tiền tệ, thì đến tháng 11 Chính phủ lại phải ban hành năm nhóm giải pháp khác nhằm ngăn chặn sự suy giảm kinh tế, trong đó chú trọng đến kích cầu đầu tư và tiêu dùng cũng như thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.

Trong năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã ba lần tăng lãi suất cơ bản và năm lần giảm lãi suất này. Lãi suất cơ bản đầu năm 2008 là 8,25%/năm, sau đó lên đỉnh là 14%/năm vào ngày 11-6 và giữ ở đó đến 21-10, hiện lãi suất cơ bản chỉ còn 8,5%/năm.

2. Lần đầu tiên trong một năm Chính phủ đã phải hai lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP, từ 8-8,5% theo kế hoạch xuống 7% và lại hạ tiếp còn 6-6,5% do sự biến động quá lớn của nền kinh tế thế giới tác động đến kinh tế trong nước. Xuất khẩu giảm liên tiếp bốn tháng gần đây (tuy vẫn có thể hoàn thành kế hoạch cả năm là 59 tỉ đô la) cho thấy tình hình xuất khẩu sắp tới sẽ rất khó khăn. Nhập siêu năm nay dự kiến dưới 18 tỉ đô la Mỹ (11 tháng là 16,8 tỉ), cao hơn khoảng 5,6 tỉ đô la so với năm 2007, và cũng lập kỷ lục mới trong vòng hơn 10 năm qua.

Lỗ cống xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải của Công ty Vedan.

3. Tình trạng ô nhiễm môi trường năm 2008 giống như một ổ bệnh đã lâu ngày nay bột phát, trong đó điển hình là vụ Công ty Vedan xả thẳng chất thải độc hại ra sông Thị Vải thông qua hệ thống xả thải khá tinh vi trong suốt 14 năm. Ngoài Vedan, danh sách doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường bị phát hiện ngày càng dài ra trong khi cơ quan quản lý môi trường cũng như các địa phương chưa làm tròn chức năng quản lý, thiếu trách nhiệm, gây bức xúc lớn cho người dân.

4. Tình hình biến động giá cả các loại nguyên liệu sản xuất trên thị trường thế giới đã tác động đến nền kinh tế Việt Nam, khiến không ít ngành sản xuất trong nước bị điêu đứng. Giá dầu là một bằng chứng rõ nhất. Từ mức 96 đô la Mỹ/thùng vào đầu năm, đến giữa tháng 7 giá dầu tăng đến đỉnh là hơn 147 đô la Mỹ/thùng, sau đó lại rớt còn 34 đô la/thùng vào ngày 20-12, giảm 77% so với mức giá đỉnh. Các mặt hàng khác như giá phôi thép, thép, phân bón… cũng tăng giảm mạnh, chẳng hạn giá phôi thép lúc cao nhất là gần 1.200 đô la Mỹ/tấn (tháng 6), giá thấp nhất trong năm nay là 255 đô la Mỹ/tấn (tháng 11), giảm 78,7%.

Năm qua đã có hàng loạt công văn kêu cứu của nhiều ngành gửi đến Chính phủ và không ít lần họ đã nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý. Chỉ người tiêu dùng trong nước chưa thực sự hưởng lợi từ các đợt giảm giá nói trên dù lúc tăng giá họ đã lãnh đủ hậu quả.

Cơ quan quản lý ở TPHCM đang kiểm tra một lô sữa nhiễm melamine nhập từ Trung Quốc.

5. Vệ sinh an toàn thực phẩm nổi lên thành vấn đề lớn trong năm qua, tuy nhiêm tâm điểm là vụ sữa nhiễm melamine làm người dân hoang mang. Điều đáng nói là nhiều doanh nghiệp trong nước bị lao đao và thiệt hại không ít do những lúng túng và sự thiếu chính xác trong việc xử lý tình huống của bộ quản lý chuyên ngành. Lúc đầu, Bộ Y tế quyết định niêm phong và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm sữa bị phát hiện có melamine nhưng trong khi còn chưa thực hiện được thì đến tháng 12 bộ lại chấp nhận ngưỡng melamine trong thực phẩm. Một quan chức ngành y tế đã cho rằng đây là một “tai nạn” của cả doanh nghiệp lẫn Nhà nước trong năm 2008.

6. Một điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm nay là vốn FDI cam kết tăng kỷ lục đạt hơn 60 tỉ đô là Mỹ trong 11 tháng đầu năm (kể cả phần tăng vốn), tăng gấp bảy lần so với cùng kỳ. Vốn giải ngân vào khoảng 10 tỉ (đến tháng 11), bằng với cả năm 2007. Tuy nhiên, với dự báo tình hình khó khăn của nền kinh tế thế giới còn kéo dài, thì khả năng giải ngân vốn năm sau có thể sẽ giảm mạnh khi mà chủ đầu tư các dự án đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ, trong đó phần lớn là các dự án thép, được cấp phép trong năm nay cũng đang gặp khó khăn ở nước họ.

7. Thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh. Sốt nóng trong quí 1, đột ngột giảm nhanh trong quí 2, và trầm lắng cho đến nay là hình ảnh chung của thị trường bất động sản 2008. Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay bất động sản trong toàn hệ thống là 115.000 tỉ đồng (tính đến tháng 10), chiếm 9,5% tổng dư nợ của nền kinh tế. Nhưng đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro do khả năng thanh toán nợ đến hạn không cao trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

Với thị trường chứng khoán, sự sụt giảm thể hiện rõ nhất qua VN-Index và Hastc-Index. Tính đến ngày 19-12, hai chỉ số này đều giảm khoảng 66,6% so với ngày 2-1.

8. Cơ hội để người nông dân và nền kinh tế thu lợi khi giá lương thực tăng cao, đến 1.200 đô la Mỹ/tấn gạo, đã bị bỏ qua vì lệnh tạm ngưng xuất khẩu gạo vào đầu tháng 4 để đảm bảo an ninh lương thực. Sau đó ba tháng, dù được xuất khẩu lại, nhưng giá gạo chỉ còn hơn 600 đô la Mỹ/tấn và đến tháng 12 giảm còn khoảng 350 đô la/tấn.

Thiệt hại này là do năng lực dự báo kém của các cơ quan tham mưu cho Chính phủ và công tác điều hành xuất khẩu không tốt của cơ quan chức năng.

Nhà một người dân ở TPHCM bị nhấn chìm trong nước sau một trận mưa hồi tháng 8.

9. Thiên tai ngày càng dồn dập, gây thiệt hại ngày càng lớn. Đặc biệt trong năm 2008 là đợt rét đậm kéo dài hồi đầu năm ở phía Bắc làm trâu, bò chết hàng loạt, và đợt mưa lũ ngày 31-10 tại thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận gây ngập lụt trên diện rộng, kéo dài cả tuần, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tính đến tháng 11-2008 có đến 17 tỉnh chịu ảnh hưởng của mưa lũ, tổng cộng 84 người chết và 5 người mất tích, thiệt hại về nhà cửa, công trình thủy lợi và sản xuất nông nghiệp lên đến 6.316 tỉ đồng chưa tính đến việc gián đoạn sinh hoạt bình thường.

10. Vụ quan chức Công ty Tư vấn Thái Bình Dương (PCI) của Nhật thừa nhận trước tòa án Tokyo đã đưa hối lộ (820.000 đô la Mỹ) cho ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông – Tây TPHCM, đã làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trong dư luận Nhật và quốc tế. Chính phủ Nhật quyết định tạm ngừng cung cấp ODA cho Việt Nam đồng thời đóng băng lượng tài trợ khoảng 700 triệu đô la đã cấp trong năm nay cho đến khi vụ đưa và nhận hối lộ được phía Việt Nam làm sáng tỏ.

Hiện vụ việc đã được phía Việt Nam khởi tố để điều tra. Vụ việc cho thấy cơ chế quản lý vốn ODA cần phải được cải thiện hơn nữa.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới