Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

10 sự kiện kinh tế 2009

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

10 sự kiện kinh tế 2009

Do các chuyên gia, cộng tác viên, biên tập viên, và phóng viên của TBKTSG bình chọn

1. Năm 2009 khép lại với một kết quả được ghi nhận là nền kinh tế đã vượt qua đáy suy giảm và đang hồi phục.

GDP tăng dần qua từng quí (xem biểu đồ) và đạt mức tăng trưởng 5,2% cho cả năm. Trong kết quả này, có sự đóng góp rất lớn của khu vực nông nghiệp và nông thôn, vốn là trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế trong suy thoái.

Ngoài ra còn phải kể đến tác dụng giải cứu nhanh của các gói kích thích kinh tế, trong đó quan trọng nhất là gói hỗ trợ lãi suất 4% trị giá 17.000 tỉ đồng. Một yếu tố khác cũng cần được nhắc đến trong việc tạo đà cho nền kinh tế hồi phục là nguồn tiền trong dân và sức mua nội địa. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua của thị trường trong nước vẫn tăng 18,5%, nếu loại trừ yếu tố tăng giá còn tăng 10,8% (số liệu 11 tháng).

2. Năm 2009 có thể xem là năm của vàng. Giá vàng thế giới liên tục phá rồi lập kỷ lục mới và vượt ngưỡng 1.200 đô la Mỹ/ounce vào đầu tháng 12-2009. Việt Nam nhanh chóng xuất vàng trong những tháng đầu năm (bốn tháng đầu năm thu về khoảng 2,5 tỉ đô la Mỹ) nhưng không ngờ giá vàng thế giới còn tăng cao vào cuối năm (năm 2009, chỉ số giá vàng tăng 64,32% theo Tổng cục Thống kê).

Cùng với sự biến động này là việc ra đời của hàng loạt sàn vàng trong nước, từ 7 sàn vào cuối năm 2008 đến nay đã là 17 sàn, với hàng trăm đại lý nhận lệnh và để lại không ít hệ lụy cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư. Điều trớ trêu là mặc dù các sàn vàng hoạt động rất rầm rộ, nhưng cho đến nay vẫn chưa có văn bản pháp lý, cũng như cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm quản lý hoạt động này.

3. Hai cơn bão Ketsana (số 9) và Mirinae (số 11) trong năm qua đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Tính đến ngày 10-11-2009, thiên tai đã làm 453 người chết và mất tích, tổng thiệt hại lên đến 23.000 tỉ đồng (số liệu báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội), cao hơn tổng mức thiệt hại do thiên tai của cả năm 2008 (13.300 tỉ đồng).

Hậu quả nặng nề này có phần tiếp tay của con người, mà biểu hiện rõ nhất là quy hoạch các dự án thủy điện còn nhiều bất cập, từ việc phá rừng làm thủy điện, thiếu phối hợp trong điều tiết xả lũ… Chỉ tính riêng khu vực miền Trung và Tây Nguyên hiện có hơn 355 nhà máy thủy điện lớn nhỏ. Hiệu quả kinh tế đóng góp cho địa phương đến đâu chưa được công bố nhưng thiệt hại đã rõ qua những con số nêu trên.

4. Việt Nam lại lập kỷ lục mới về xuất khẩu gạo với 6 triệu tấn nhưng các chuyên gia cho rằng mục tiêu cuối cùng của xuất khẩu gạo là giúp nâng cao đời sống nông dân đến nay vẫn chưa đạt. Dù khối lượng xuất khẩu cao nhưng tiền thu về lại ít hơn năm ngoái (thu về 2,74 tỉ đô la, giảm 5,3% so với năm ngoái), mà một trong những nguyên nhân chính là do cách điều hành xuất khẩu chưa tốt của Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Bộ Công Thương.

Không chỉ kim ngạch xuất khẩu gạo giảm mà cả dầu thô, dệt may, da giày, thủy sản… cũng giảm khiến kim ngạch xuất khẩu chung của năm 2009 lần đầu tiên có mức tăng trưởng âm (đạt 56,7 tỉ đô la Mỹ, giảm 9,5%). Trong khi đó, mức nhập khẩu lại cao (68,7 tỉ đô la Mỹ), đẩy mức thâm hụt thương mại năm 2009 lên đến 12 tỉ đô la.

5. Hai dự án đầu tư lớn là khai thác bauxite ở Tây Nguyên và dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận, vốn gây nhiều tranh luận, cuối cùng vẫn được xúc tiến. Các chuyên gia, nhà khoa học và nhiều giới khác đã có nhiều ý kiến phản biện thẳng thắn về hiệu quả kinh tế, các tác động đến môi trường, xã hội của hai dự án này, nhưng Chính phủ vẫn quyết định tiếp tục triển khai thí điểm dự án khai thác bauxite ở Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Dak Nông). Trong khi đó, Quốc hội cũng đã thông qua chủ trương xây hai nhà máy điện hạt nhân với tổng mức đầu tư khoảng 200.000 tỉ đồng (thời giá quí 4-2008, lúc lập dự án).

6. Hai vụ án liên quan đến lĩnh vực kinh tế thu hút sự quan tâm lớn của dư luận trong năm qua là vụ xử ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông-Tây và Môi trường nước TPHCM và vụ xử bà Trần Ngọc Sương, nguyên Giám đốc Nông trường sông Hậu.

Ông Sĩ, người bị cho là có liên quan trong vụ Công ty PCI của Nhật đưa hối lộ hàng triệu đô la Mỹ để nhận được dự án ở Việt Nam, cuối cùng lại bị kết án ba năm tù do Ban Quản lý dự án cho phía PCI thuê nhà lấy tiền chia nhau.

Còn bà Sương, là Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, bị kết án 8 năm tù với tội danh lập quỹ trái phép.

7. Thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản biến động mạnh trong năm 2009 khiến giới chuyên gia phải đưa ra cảnh báo coi chừng hiện tượng bong bóng tài sản.Trước hết là chứng khoán. Sau khi tụt dốc thê thảm suốt năm 2008 và kéo dài sang năm 2009, đến 24-2-2009, VN-Index xuống mức thấp nhất 235,5 điểm và sau đó lại tăng mạnh lên hơn 633 điểm vào tháng 10 rồi xuống khoảng 500 điểm vào cuối tháng 12.

Tương tự giá bất động sản cũng sốt nóng rồi hạ nhiệt nhanh ở một số địa phương. Hai thị trường này chững lại trong mấy tháng qua có phần quan trọng do dòng tiền đổ vào thị trường đã cạn, khi mà nguồn vốn kích cầu đã giải ngân gần hết, tăng trưởng tín dụng lên cao (cả năm gần 38%) và các ngân hàng siết chặt cho vay.

Còn thị trường tài chính để lại dấu ấn với việc căng thẳng nguồn cung ngoại tệ do vốn giải ngân FDI, xuất khẩu, kiều hối đều giảm. Kết quả là tiền đồng Việt Nam bị mất giá đến 10,7% so với đô la Mỹ trong năm 2009 (số liệu của Tổng cục Thống kê).

8. Hàng loạt vụ vi phạm nghiêm trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm xảy ra trong năm qua, từ các mặt hàng chế biến trong nước cũng như nhập khẩu, khiến niềm tin người tiêu dùng giảm sút. Điều này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về những lỗ hổng trong quản lý nhà nước cũng như sự xuống cấp về đạo đức của nhà sản xuất.

Điều đáng quan tâm là lĩnh vực này có tới 5 bộ quản lý, với hơn 1.200 văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành (theo báo cáo giám của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 6-2009). Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không phải là một vấn đề mới, nó đã được mổ xẻ trong rất nhiều các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, nhưng giải pháp thì vẫn còn dừng ở mức độ kiến nghị.

9. Cơ sở hạ tầng yếu kém tiếp tục là rào cản lớn cho sự phát triển kinh tế, làm suy giảm sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam. Các nhà đầu tư cho rằng những hạn chế về cơ sở hạ tầng vật chất ở Việt Nam đang bắt đầu đe dọa đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất và cả xuất khẩu trong tương lai. Điện năng là lĩnh vực bị than phiền nhiều nhất, kế đến là hệ thống giao thông, cảng biển…

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu vốn cho cơ sở hạ tầng từ nay đến năm 2020 ước tính chiếm khoảng từ 10-11% GDP trong khi nguồn vốn của Chính phủ chỉ có thể đáp ứng chưa đến phân nửa nhu cầu.

Đầu tháng 12 vừa qua, các nhà tài trợ cho Việt Nam đã cam kết tài trợ hơn 8 tỉ đô la Mỹ vốn ODA cho năm 2010, mức kỷ lục từ trước tới nay, mà một trong những lĩnh vực được ưu tiên đầu tư sẽ là cơ sở hạ tầng.

10. Tài nguyên khoáng sản ở nước đến nay vẫn được khai thác một cách tự phát, bừa bãi, do đây là nguồn lợi béo bở, mà không dựa trên một chiến lược khoa học, hiệu quả và bền vững. Vì vậy, các cuộc tranh giành quyền khai thác cũng hết sức khốc liệt, từ than đá, cát sỏi, sắt, titan… Tình trạng này vừa gây tác hại cho môi trường vừa ăn vào của để dành cho con cháu mai sau.

Ví dụ, năm nay, Việt Nam vẫn xuất đến 25 triệu tấn than, thu về 1,3 tỉ đô la, dù biết rằng chỉ vài năm tới phải nhập than với giá cao để phát điện và việc đàm phán mua than cũng không hề dễ dàng. Hy vọng với Luật Thuế tài nguyên mới được Quốc hội thông qua vào tháng 11-2009 và sẽ có hiệu lực từ 1-7-2010, những bất cập nói trên sẽ được khắc phục.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới