Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

100 kỳ quan của nhân loại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

100 kỳ quan của nhân loại

Sơn Tùng

(TBKTSG) – Chắc chúng ta chẳng lạ gì với bảy kỳ quan cổ đại của thế giới – gồm Kim tự tháp Giza, vườn treo Babylon, đền Artemis, tượng thần Zeus ở Olympia, lăng mộ Mausolus, tượng thần mặt trời Rhodes và hải đăng Alexandria.

Ngày nay, ngoại trừ kim tự tháp Giza, các kỳ quan còn lại đã biến mất vĩnh viễn cùng với thời gian. Song, người ta đã nhiều lần đưa ra danh sách các kỳ quan mới nhằm thay thế những cái đã mất đi. Thậm chí, có người còn tổ chức một cuộc bầu chọn toàn cầu thông qua Internet dù kết quả chưa ngã ngũ.

Nhưng các tiêu chuẩn cho một kỳ quan tầm cỡ thế giới là gì vẫn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Với công chúng, kỳ quan là những gì làm cho con người phải há hốc mồm vì ngạc nhiên và thán phục; đồng thời, khả năng đó phải bền vững với thời gian, làm kinh ngạc loài người từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Chính từ khái niệm về kỳ quan như trên, hai tác giả Michael Hoffman và Alexander Krings đã viết chung một quyển sách nhan đề 100 Wonders of the World (100 kỳ quan thế giới, Parragon Books, ấn bản tiếng Anh 2007). Tác phẩm này tập hợp những tư liệu cô đọng và hình ảnh tiêu biểu nhất của 100 kỳ quan khắp địa cầu, “từ các tuyệt tác nhân tạo cho đến những vẻ đẹp thiên nhiên làm con người phải bàng hoàng”, như lời hai tác giả giới thiệu ở đầu sách.

Nếu như bảy kỳ quan cổ đại đều do con người làm ra, danh sách do Hoffman và Krings đề nghị bao gồm cả kỳ quan nhân tạo và kỳ quan thiên nhiên. Theo họ, “thiên nhiên là một nhà kiến trúc siêu đẳng không bao giờ ngừng nghỉ sự sáng tạo và khả năng gây ngạc nhiên”. Trong khi đó, con người cũng đã để lại dấu ấn của mình trên khắp hành tinh này với nhiều công trình và kiến trúc kỳ diệu vượt lên trên sự mong đợi của chính đồng loại của mình.Khoảng thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, bảy kỳ quan cổ đại được lựa chọn qua tầm nhìn của người Hy Lạp chỉ quanh quẩn trong khu vực Địa Trung Hải. Ngược lại, 100 kỳ quan của Hoffman và Krings trải rộng khắp “năm châu, bốn bể” – thậm chí vươn ra cả không gian.

Trong danh sách “Top 100” này, châu Á dẫn đầu với 30 kỳ quan được chọn. Điều này cũng dễ hiểu vì đây là lục địa lớn nhất và chứa đầy những điều trái ngược nhau. Trong số các kỳ quan châu Á là những tên tuổi đã từ lâu chỉ cần nêu ra cũng đủ gây ra sự thán phục như núi Phú Sĩ ở Nhật, Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc, đỉnh Everest ở Nepal hay đền Taj Mahal ở Ấn Độ.

Nhiều nước Đông Nam Á cũng góp mặt trong số này. Đền Angkor Wat của Campuchia là một địa điểm không thể thiếu. Cổ thành Ayutthaya của Thái Lan là một đối trọng tầm cỡ. Tuy quần thể đền và chùa Bagan ở Myanmar được ít người biết hơn, nhưng không phải không xứng đáng. Philippines có thể tự hào với khu ruộng bậc thang Banaue độc đáo vì lịch sử hơn 2.000 năm. Indonesia góp mặt với khu đền Borobudur nằm giữa rừng già. Tháp đôi Petronas ở Malaysia có thể gây tranh cãi nhiều hơn, nhưng đừng quên rằng hai tòa tháp này đã từng là quán quân thế giới về chiều cao từ năm 1998 đến năm 2004. Và cuối cùng, Việt Nam, chắc các bạn cũng đã đoán ra: vịnh Hạ Long kỳ vĩ, được xem là “phong cảnh có cấu tạo đá vôi độc đáo nhất thế giới”.

Hoffman và Krings chọn 13 kỳ quan tiêu biểu ở “lục địa đen”.

Danh sách các kỳ quan tiếp nối với 22 ở châu Âu, 12 ở Trung và Nam Mỹ, 15 ở Bắc Mỹ, năm ở châu Đại Dương.Trong các kỳ quan ở Trung và Nam Mỹ, lưu vực sông Amazon có lẽ là địa danh được biết nhiều nhất. Nhưng nhiều cái tên khác cũng mang lại những điều thú vị không kém. Ví dụ như quần đảo Galapagos chẳng hạn, nơi mà năm 1835, Charles Darwin đã tìm được những dữ liệu sinh học quý báu làm cơ sở cho học thuyết tiến hóa của các loài. Một cái tên nữa: thác Iguazu nằm ở biên giới Argentina và Brazil. Chính tại đây, khi chiêm ngưỡng vẻ hùng vĩ của nó, đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt của Tổng thống Mỹ thứ 32 đã phải thốt lên: “Tội nghiệp Niagara!” (thác Niagara nằm giữa Mỹ và Canada là một trong những thác nước lớn nhất thế giới). Cũng đừng bỏ qua băng hà Perito Moreno ở Argentina. Sông băng trên cạn trong công viên quốc gia Los Glaciares này dài 60 ki lô mét, rộng 5 ki lô mét, là băng hà duy nhất trên thế giới vẫn đang tiếp tục phát triển, trong khi tất cả băng hà còn lại đang tan chảy!

Danh sách “Top 100” khép lại với một khu vực chỉ có ba kỳ quan được hai tác giả đặt tên là The Poles and Beyond (địa cực và xa hơn nữa). Hai trong số đó chẳng cần phải bàn luận gì nhiều: châu Nam Cực (Antartica) và Bắc Cực Quang (Northern Lights). Kỳ quan còn lại trong bộ ba này chắc sẽ làm nhiều người trong chúng ta ngạc nhiên một cách thích thú: Trạm không gian Quốc tế (International Space Station). Nếu như các kỳ quan khác thường gắn với một hay vài quốc gia cụ thể, cả ba cái tên trong mục này có thể được xem là tài sản chung của cả nhân loại, và như thế tự thân chúng đã trở thành những kỳ quan.

Bảy kỳ quan là con số quá nhỏ cho hành tinh xanh của chúng ta. Một trăm vẫn còn chưa đủ nhưng ít ra cũng giúp chúng ta rộng đường lựa chọn và chiêm ngưỡng – chiêm ngưỡng để bảo vệ chúng, bất kỳ chúng ở đâu, thuộc quốc gia nào!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới