Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

130 nước ủng hộ thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

130 nước ủng hộ thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu

Chánh Tài

(KTSG Online) – Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD) cho biết sau hai ngày đàm phán hồi đầu tháng này, có 130/139 nước, chiếm khoảng 90% GDP toàn cầu, nhất trí kế hoạch đánh thuế xuyên biên giới đối với các tập đoàn đa quốc gia ở mức ít nhất 15% lợi nhuận của họ.

130 nước ủng hộ thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu
Thỏa thuận của OECD cho phép quyền đánh thuế thu nhập của các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ như Microsoft, Facebook, Alibaba, Tencent sẽ được phân bổ cho các nước thị trường, nơi mà các tập đoàn này bán hàng hóa và dịch vụ. Ảnh: Nikkei Asian Review/Reuters

Thỏa thuận mới giúp doanh thu thuế toàn cầu tăng thêm 150 tỉ đô la/năm

OECD ước tính mức thuế lợi nhuận doanh nghiệp tối thiểu này sẽ giúp doanh thu thuế toàn cầu tăng thêm 150 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Các đề xuất mới cũng cho phép phân bổ quyền đánh thuế vào hơn 100 tỉ đô la lợi nhuận hàng năm của tập đoàn đa quốc gia cho các nước thị trường, nơi mà các tập đoàn này bán hàng hóa và dịch vụ.

Một nguồn tin nắm rõ cuộc đàm phán cho hay Mỹ giữ quan điểm rất cứng rắn để buộc Trung Quốc phải đồng tình với thỏa thuận đánh thuế doanh nghiệp toàn cầu này. Một quan chức chính phủ Mỹ nói rằng không có bất kỳ điều khoản ngoại lệ nào cho Trung Quốc trong thỏa thuận.

“Khi mức thuế tối thiểu này được triển khai, các tập đoàn đa quốc gia sẽ không thể đặt các nước vào tình thế cạnh tranh lẫn nhau để đẩy mức thuế đi xuống. Họ sẽ không còn có thể tránh trả phần thuế hợp lý của họ hoặc che giấu lợi nhuận kiếm được tại Mỹ hay bất kỳ nước nào khác, nơi có mức thuế thấp”, Tổng thống Mỹ, Joe Biden nói trong một tuyên bố sau cuộc đàm phán do OECD chủ trì.

Kế hoạch đánh thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu không đòi hỏi các nước phải thiết lập mức thuế sàn 15% nhưng cho phép các chính phủ quê hương của các tập đoàn đa quốc gia thu thêm thuế đối với họ để đạt mức tối thiểu nếu họ đóng thuế thu nhập thấp hơn 15% ở một nước khác.

Chẳng hạn, một công ty có trụ sở đặt ở nước A nhưng ghi nhận lợi nhuận ở nước B, nơi mức thuế chỉ 11%. Khi thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu có hiệu lực, nước A có quyền thu thêm thuế ở mức 4% lợi nhuận của công ty này, giúp ngăn chặn tình trạng chuyển lợi nhuận sang các nước có mức thuế thấp hơn 15%.

9 nước không ký thỏa thuận đối mặt rủi ro bị cô lập

Tất cả thành viên của nhóm các nền kinh tế lớn G20 bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ đều nhất trí với thỏa thuận của OECD. 9 nước không tán thành thỏa thuận gồm 3 nước thành viên đánh thuế doanh nghiệp ở mức thấp của Liên minh châu Âu (EU) là Ireland, Estonia, Hungary và 6 nước khác là Peru, Barbados, Sri Lanka, Nigeria, Kenya và đảo quốc Saint Vincent & Grenadines.

Thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ được trình ra tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính của nhóm các nền kinh tế lớn G20 vào tuần sau ở Venice, Ý để phê chuẩn.

Tiếp đó, các chi tiết mang tính kỹ thuật thỏa thuận này sẽ được soạn thảo để Hội nghị cấp cao G20, diễn ra ở Rome, Ý  vào tháng 10 tới, xem xét thông qua.

Nếu vượt qua các bước phê chuẩn, thỏa thuận cải tổ thuế doanh nghiệp toàn cầu này, có thể được thực hiện vào năm 2023.

Những nước không ký thỏa thuận sẽ đối mặt rủi ro bị cô lập, không chỉ vì tất cả các nền kinh tế lớn, mà còn nhiều “thiên đường thuế” đáng chú ý như Bermuda,  quần đảo Cayman, quần đảo British Virgin đều đã tán thành với thỏa thuận này. Bộ trưởng Tài chính Ireland, Paschal Donohoe cho biết Ireland không muốn đứng ngoài nhưng muốn tìm kiếm một kết cục khác mà nước ông có thể ủng hộ.

Ireland đang đánh thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 12,5%. Vì vậy, các tập đoàn công nghệ Mỹ đặt trụ sở châu Âu của họ ở Ireland. Bộ trưởng Tài chính Hungary, Mihaly Varga nói rằng mức thuế 15% là quá cao nhưng chính phủ của ông sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán mang tính xây dựng. Thuế thu nhập doanh nghiệp ở Hungary chỉ ở mức 9%.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, Taro Aso cho biết vẫn còn thời gian để thuyết phục các nước này và sự phản đối của họ không nhất thiết sẽ làm chệch lộ trình đi đến thỏa thuận cuối cùng. Ông nói: “Chúng tôi sẽ làm việc cẩn trọng để thuyết phục 9 nước còn lại gia nhập  thỏa thuận cuối cùng cùng chúng tôi vào tháng 10 tới”.

Bộ Tài chính Ấn Độ lưu ý rằng vẫn còn một số vấn đề quan trọng cần được giải quyết về các quy định đánh thuế và kỳ vọng sẽ đạt được sự đồng thuận vào tháng 10.

Trong cuộc họp báo hôm 2-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Vương Văn Bân lảng tránh các câu hỏi làm rõ lập trường của Trung Quốc về thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Ông chỉ nói chung chung: “Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ lập trường đa phương với tất cả các nước và bơm động lực mới vào đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Chúng tôi hy vọng chúng ta có thể dàn xếp tốt hơn lợi ích của các nước đang phát triển và xử lý đúng đắn các mối lo ngại của tất cả các bên liên quan”.

Quyền đánh thuế các tập đoàn khổng lồ sẽ được phân bổ cho các nước thị trường.

Theo thỏa thuận của OECD, mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu 15% to sẽ áp dụng cho bất kỳ công ty nào có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro/năm, ngoại trừ các công ty trong ngành vận tải biển.

Ngoài ra, thỏa thuận đặt ra quy định mới về nơi được cấp quyền đánh thuế, áp dụng cho các tập đoàn có doanh thu thu toàn cầu hơn 20 tỉ euro mỗi năm, với biên nhuận trước thuế hơn 10%. Các doanh nghiệp ngân hàng, bảo hiểm và khai thác tài nguyên sẽ được miễn trừ khỏi quy định này. Theo đó, quyền đánh thuế 20-30% phần lợi nhuận vượt quá mức biên lợi nhuận trước 10% của các tập đoàn này sẽ được phân bổ cho các nước thị trường. Sau 7 năm thực hiện, quy định này sẽ được xem xét lại và có thể hạ tiêu chí doanh thu toàn cầu về mức 10 tỉ euro mỗi năm.

Nghiên cứu của Nikkei cho thấy 81 tập đoàn đa quốc gia đáp ứng các tiêu chí doanh thu và biên lợi nhuận được đặt ra trong quy định phân bổ quyền đánh thuế. Trong số đó 46 tập đoàn (gần 60%) đến từ Trung Quốc (11) và Mỹ (35). Các ông lớn công nghệ như Tencent, Alibaba (Trung Quốc), Facebook, Alphabet, công ty mẹ của Google, Amazon, Microsoft (Mỹ)…đều nằm trong danh sách này. Kết quả kinh doanh của năm ngoái cho thấy 81 tập đoàn có tổng cộng 410 tỉ euro lợi nhuận dư dôi trên mức  biên lợi nhuận 10%. Quyền đánh thuế 20-30% phần lợi nhuận này, khoảng 100 tỉ đô la, sẽ phân bổ cho các nước thị trường.

EU cần phải ban hành luật để thông qua thỏa thuận đánh thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, dự kiến trong năm 2022 khi Pháp nắm chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu, và điều này đỏi hỏi sự nhất trí tuyệt đối của tất cả 27 nước thành viên EU. Điều này có nghĩa là nếu 1 trong 3 nước Ireland, Estonia, Hungary không bỏ phiếu, thỏa thuận có thể bị chặn đứng.

Châu Âu không phải nguồn bất ổn duy nhất cho thỏa thuận. Quốc hội Mỹ cũng cần phải tán thành các thay đổi pháp lý cần thiết để Mỹ tuân thủ thỏa thuận và phe đảng Cộng hòa dường như đang phản đối. Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa, Kevin Brady ra tuyên bố gọi việc chính phủ Mỹ ủng hộ thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ở mức 15% là “một sự đầu hàng kinh tế nguy hiểm”, khiến việc làm chảy ra nước ngoài, gây tổn hại cho nền kinh tế trong nước.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang đề xuất tăng thuế thu nhập doanh nghiệp của Mỹ  từ mức 21% lên 28% cũng như tăng mức thuế tối thiểu đối với thu nhập từ nước ngoài của doanh nghiệp Mỹ từ mức 10,5% lên 21%. Vì vậy, ông Brady cho rằng nhiều doanh nghiệp Mỹ sẽ chuyển trụ sở và hoạt động ra nước ngoài để hưởng mức thuế thấp hơn.

Theo Reuters, Bloomberg, WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới