Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

16 ngân hàng đã giảm lãi 8.865 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo thông tin Ngân hàng Nhà nước công bố, các ngân hàng thương mại đã hỗ trợ được hơn 43% số tiền lãi được giảm theo cam kết đưa ra hồi đầu tháng 7.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cho hay tính đến ngày 31-8-2021, tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của 16 ngân hàng lũy kế từ ngày 15-7-2021 đến 31-8-2021 là 8.865 tỉ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.

Trước đó, vào đầu tháng 7, thông qua Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, có 16 ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15-7-2021 đến hết năm 2021, với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỉ đồng.

Nhiều ngân hàng công bố gói hỗ trợ lần hai sau đợt đồng thuận hồi tháng 7. Hình minh họa: DNCC.

Riêng bốn ngân hàng thương mại nhà nước bổ sung thêm gói hỗ trợ 4.000 tỉ đồng để giảm lãi suất cho vay, giảm các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Danh sách các ngân hàng tham gia giảm lãi suất bao gồm Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV, MB, Bưu Điện Liên Việt, TPBank, VIB, ACB, Seabank, SHB, HDBank, MSB, VPBank, Techcombank, Sacombank.

Chương trình đồng thuận giảm lãi suất được đưa ra trong bối cảnh ngân hàng báo lãi lớn gây phản cảm đối với các doanh nghiệp, người dân. Nhiều người phản ánh các ngân hàng lãi cao nhưng không chịu giảm lãi suất, giãn nợ để hỗ trợ, hoặc các chương trình chỉ công bố cho có, không thực chất.

Lãnh đạo NHNN trước đó cũng khẳng định từ nay đến cuối năm sẽ tăng cường giám sát việc giảm lãi suất theo sự đồng thuận đã được công bố dưới nhiều hình thức. Các ngân hàng sẽ phải báo cáo mỗi tháng xem có thực sự thực hiện và thực hiện giảm được bao nhiêu.

Cũng theo báo cáo, tính lũy kế chung từ 23-1-2020 đến 31-8-2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng (TCTD) miễn, giảm cho khách hàng là khoảng 26.000 tỉ đồng.

Về phương án cơ cấu nợ theo Thông tư hỗ trợ xử lý nợ xấu vì Covid-19, báo cáo cũng cho hay tính cuối tháng 8, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỉ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ ngày 23-1-2020 là khoảng 520.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ngày 7-9 vừa qua, NHNN đã ban hành Thông tư 14 có hiệu lực từ ngày ký. Một trong những điểm bổ sung là mở rộng phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ phát sinh từ trước ngày 1-8-2021, kéo dài thời gian áp dụng đối với khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ 23-1-2020 đến ngày 30-6-2022.

Đại diện NHNN biết một trong những trọng tâm công việc trong thời gian tới là theo dõi, đôn đốc các TCTD triển khai Thông tư 14 để hỗ trợ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng sẽ yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay, phi, tập trung nguồn vốn kịp thời cho các lĩnh vực thiết yếu với thời hạn và lãi suất hợp lý.

Tổng dư nợ hỗ trợ miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng ước tính đạt 1,58 triệu tỉ đồng, còn cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch có doanh số lũy kế từ 23-1-2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỉ đồng với 628.662 khách hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới