Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

2 năm, chưa giảm được 1% biên chế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

2 năm, chưa giảm được 1% biên chế

Thuỳ Dung

2 năm, chưa giảm được 1% biên chế
Ông Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo – Ảnh: Chinhphu.vn

(TBKTSG Online) – Dù đã có nhiều kết quả đạt được trong công tác tinh giản biên chế, cải cách bộ máy hành chính nhưng theo báo cáo giám sát mới công bố, biên chế công chức giảm nhẹ, chỉ gần 1%, nhưng số viên chức lại tiếp tục phình to.

Quốc hội dành trọn ngày làm việc hôm nay (30-10) để thảo luận chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Sau hơn 1 năm thực thiện giám sát về chính sách pháp luật cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, Đoàn giám sát của Quốc hội đã có một báo cáo dài hơn 6.000 trang nêu rõ thực trạng về cải cách bộ máy hành chính, nguyên nhân và những đề xuất thực hiện trong thời gian tới.

Bản báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày, cho thấy trong giai đoạn 2011-2016, dù đã đạt được nhiều thành tích nhưng bộ máy nhà nước vẫn còn hết sức cồng kềnh, vẫn còn 11 địa phương sử dụng vượt quá số biên chế được giao. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, cơ cấu chưa hợp lý, còn mất cân đối giữa người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu.

Kết quả cho thấy tổng số đối tượng đã tinh giản biên chế trong 2 năm 2015 và 2016 khối các cơ quan hành chính chỉ là hơn 2.200 người trên tổng số gần 273.000 người, tức chưa đạt được 1%.

Theo ông Nguyễn Khắc Định, còn xuất hiện tình trạng Trung ương có tổ chức, cơ quan nào thì địa phương có tổ chức, cơ quan đó. Cơ cấu tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh còn cồng kềnh, trung bình một cơ quan có 8,1 phòng. Tỷ lệ người giữ chức danh lãnh đạo ở một số cơ quan, địa phương cũng ở mức cao, không hợp lý.

Chỉ 3,7% đơn vị sự nghiệp tự chủ được tài chính

Đối với đơn vị sự nghiệp, theo ông Định, số đơn vị sự nghiệp công lập tăng lên và chưa có xu hướng giảm. Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa và đổi mới, sắp xếp lại khu vực các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, hiệu quả thấp. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được đẩy mạnh.

Năm 2015, cả nước có hơn 30.000 đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ tài chính, trong đó chỉ có hơn 1.000 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động (chiếm 3,7%); gần 11.000 đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động (chiếm 35,8%). Phần còn lại, hơn 18.000 đơn vị vẫn phải do ngân sách nhà nước chi trả toàn bộ chi phí hoạt động, chiếm tới 60,5%.

Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là ở các địa phương tăng nhanh, năm 2011 là gần 2 triệu người, đến năm 2016 là gần 2,1 triệu người, tăng 121.736 người, tức tăng tới 5,8%.

Như vậy, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị yêu cầu đến năm 2021 giảm được 10% so với biên chế giao năm 2015, tức mỗi năm phải giảm khoảng 2% biên chế. Nhưng trong 2 năm 2015-2016 số biên chế công chức mới chỉ giảm được chưa tới 1%; trong khi số lượng viên chức năm 2016 so với năm 2011 đã tăng 5,8%.

Lãnh đạo không có…nhân viên

Thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên là hệ thống văn bản còn nhiều kẽ hở, bị lợi dụng, một số luật, văn bản mới ban hành lại xin thêm biên chế. Trong tổ chức thực hiện từ bộ ngành tới các tỉnh, thành phố, thực hiện thiếu nghiêm túc; thậm chí còn tuỳ tiện trong bổ nhiệm, đề bạt các cục, vụ, viện, hình thành các chức danh không đúng theo quy định như hàm vụ trưởng, vụ phó.

“Việc này dẫn tới tình trạng Trung ương làm được thì địa phương làm được; tỉnh làm được thì xã phường huyện làm được…Từ đó cấp phó tăng nhanh, không chỉ cơ quan nhà nước mà trong cả Đảng và đoàn thể”, ông Phương nói và cho biết thêm: “Thực tế có những phòng ban quá nhiều lãnh đạo, thậm chí lãnh đạo không có nhân viên nhưng trong thời gian dài không có ai bị nhắc nhở hoặc phê bình”.

Hiện nay vẫn chưa có quy định nào ràng buộc có bao nhiêu biên chế thì có cấp phó, bao nhiêu biên chế có hai cấp phó, điều kiện như thế nào thì được thành lập các vụ, viện, hoặc trong các trường học thì số lượng bao nhiêu học sinh, bao nhiêu lớp thì được thành lập một trường. Có những nơi ít học sinh nhưng vẫn lập ra trường và như thế là sinh ra hiệu trưởng, hiệu phó, thư viện, kế toán…

Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) đề nghị, để giải quyết tình trạng trên, cần phải xử lý cả người bổ nhiệm và người được bổ nhiệm mới công bằng và đảm bảo nâng cao hiệu lực đội ngũ cán bộ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nhận định, báo cáo cần phân loại đánh giá được đội ngũ cán bộ công chức một cách cụ thể để làm cơ sở cho việc tinh giản biên chế. Nếu không khéo có thể sẽ đưa những người làm được việc ra khỏi bộ máy, không thu hút được người giỏi vào trong bộ máy. Đồng thời đại biểu Nguyễn Thanh Hồng kiến nghị nên quy định ngân sách nhất định cho biên chế của mỗi bộ phận.

Nói về một điểm sáng le lói trong bức tranh xám về tinh giản biên chế, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) lấy Quảng Ninh là ví dụ điển hình về việc tinh giản bộ máy, nhất thể hoá Đảng và chính quyền tương đồng về chức năng nhiệm vụ. Những năm qua, Quảng Ninh đã đạt được thành quả bước đầu. Mô hình mà Quảng Ninh đang xây dựng đã quản lý được những vấn đề được cho là khó khăn, nhạy cảm. Nhưng điều quan trọng là quyết tâm lan rộng như thế nào để mô hình này đến mọi ngóc ngách của hệ thống.

“Trong công cuộc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, dù phải lấy đá ghè chân mình nhưng vẫn phải làm vì không thể để người dân mãi đóng thuế cõng cả một bộ máy hành chính cồng kềnh nhưng kém hiệu quả hiện nay”, ông Nhân nói.

Cần áp dụng công nghệ thông tin

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho hay, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, với nhiều tầng nấc, phương thức hoạt động chưa mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, việc quan trọng là phải đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo thống kê của Liên hiệp quốc, chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam đứng thứ 89/193. Tuy nhiên, trong các chỉ số thành phần thì chỉ số về nguồn nhân lực của nước ta đứng dưới mức trung bình của thế giới và châu Á. Hiện nay, Việt Nam có 50 triệu người sử dụng internet và dùng điện thoại di động tới tận thôn, bản làng. Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc sử dụng Chính phủ điện tử rộng khắp cả nước.

Việc xây dựng Chính phủ điện tử cũng giúp các doanh nghiệp, người dân kết nối với cơ quan công quyền, nâng cao năng suất lao động của cán bộ cơ quan quản lý nhà nước khi khối lượng xin cấp phép và yêu cầu người dân và doanh nghiệp tăng cao, đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế tham nhũng của hệ thống công quyền hiện nay.

Mời đọc thêm:

Giao việc chứ không giao biên chế

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới