2008 – năm thành công của phần mềm tự do
![]() |
(TBVTSG) – Theo kết quả cuộc nghiên cứu do Forrester thực hiện cho Diễn đàn thế giới về phần mềm tự do, có khoảng 15-24% doanh nghiệp Bắc Mỹ và châu Âu đang sử dụng các phần mềm tự do. Pháp là quốc gia đi trước trong lĩnh vực này, chủ yếu nhờ sáng kiến của khu vực công.
“Trong thời khủng hoảng kinh tế, động cơ đầu tiên của việc chấp nhận nguồn mở là giảm chi phí”. Đó là câu trả lời của 56% số người sử dụng được hỏi, theo Forrester. Nhưng các yếu tố khác cũng có tác động, chẳng hạn “sự độc lập đối với các nhà sản xuất phần mềm có bản quyền” (43%), “tính linh hoạt” hoặc “cải tiến”.
Theo các nhà tổ chức diễn đàn, các phần mềm tự do có thể chiếm 30% chi phí đầu tư phần mềm và dịch vụ tin học từ nay đến năm 2012, tức tương đương 2% GDP của một quốc gia, như nước Pháp.
Sau đây là chín sự kiện đánh dấu năm 2008.
1. Sun mua lại MySQL
Đầu năm 2008, Sun đã chi 1 tỷ đô la Mỹ để mua lại MySQL, cơ sở dữ liệu nổi tiếng được hàng chục ngàn trang web, trong đó có YouTube, Facebook, Wikipedia và Google, sử dụng. “Nguồn mở là cơ sở đổi mới kinh tế của chúng tôi”, Tổng giám đốc Jonathan Schwartz của Sun tuyên bố khi trả lời L’Expansion. “Chúng tôi đã tạo ra hàng triệu đô-la với các phần mềm tự do như hệ điều hành Solaris, phần tiếp theo của OpenOffice, server ứng dụng Java hoặc khách hàng Java”.
2. Cảnh sát Pháp không dùng Windows
Sau khi chọn OpenOffice và Firefox, lực lượng cảnh sát Pháp đã quyết định chuyển 70.000 máy vi tính sang sử dụng hệ điều hành Linux, qua đó không dùng đến Windows vì những vấn đề độc lập, an toàn và chi phí. Khi đưa ra thông báo nói trên, cơ quan này cũng tái khẳng định “niềm tin vào mô hình phần mềm tự do”. Linux được xem như là một giải pháp chín muồi với giao diện tiến bộ hơn các hệ điều hành khác có trên thị trường cho mục đích sử dụng chuyên môn.
![]() |
3. Báo cáo Attali yêu cầu sử dụng phần mềm mở
Đầu năm nay, báo cáo Attali đã khuấy động trở lại cuộc tranh luận giữa những người bảo vệ phần mềm có bản quyền và phần mềm tự do. Báo cáo này cũng dự kiến tạo sự cạnh tranh giữa các phần mềm có bản quyền và phần mềm tự do trong việc đấu thầu ở khu vực công, đồng thời đặt mục tiêu có 20% các ứng dụng “mới triển khai hoặc cài đặt phục vụ cho khu vực công bằng nguồn mở” từ nay đến năm 2012. Tóm lại, nguồn mở đã thâm nhập vào các quyết định chính trị.
4. WordPress được đầu tư 29 triệu đô-la
![]() |
Automatic, công ty xuất bản công cụ phục vụ blog đứng hàng thứ hai thế giới, WordPress, đã tìm được nguồn vốn đầu tư 29,5 triệu đô-la trong tháng 1-2008. Đây là bằng chứng cho thấy phần mềm tự do rất tương thích với… lợi nhuận. “Đó là mô hình có hiệu quả nhất để phát triển các phần mềm. Nguồn mở giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí triển khai nhờ vào cộng đồng những người đam mê ủng hộ hình thành xung quanh một phần mềm”, Tổng giám đốc Toni Schneider của Automatic đã khẳng định như thế.
5. Lên án hình thức bán kèm
Trong nhiều năm trời, các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đấu tranh chống lại hình thức bán kèm máy vi tính và chương trình Windows. Tháng 6-2008, Tòa thượng thẩm Paris đã ra phán quyết buộc hệ thống cửa hàng điện máy Darty phải niêm yết giá bán hệ điều hành đã cài sẵn trong máy vi tính lúc bán. Kể từ đó, chính phủ Pháp đã hứa sẽ tạo thuận lợi cho hình thức bán máy vi tính không có hệ điều hành cài sẵn, và giá các phần mềm phải được ghi rõ trên nhãn.
6. Các netbook giúp tạo chỗ đứng cho Linux
Các máy vi tính cần một hệ điều hành nhẹ hơn và rẻ hơn. Chính nhờ các netbook tạo đột phá trên thị trường mà Linux được sử dụng ngày càng nhiều. Dù Windows XP vẫn hiện diện phần lớn trong các máy tính, nhưng hệ điều hành hàng đầu của Eec PC chính là nguồn mở. “Linux có cơ hội để tạo chỗ đứng tốt trên thị trường này,” Tổng giám đốc François Bancilhon của hãng Mandriva giải thích hồi tháng Chín.
7. Các phần mềm tự do đầu tư điện thoại di động
Nguồn mở không còn giới hạn ở máy vi tính để bàn. Sau vài thử nghiệm âm thầm, năm nay nguồn mở xuất hiện một cách ấn tượng trên điện thoại di động, dẫn đầu là hệ điều hành Android của Google. Trong khi đó, Nokia quyết định biến hệ điều hành Symbian mà hãng đã mua toàn bộ thành phần mềm tự do.
![]() |
8. Firefox 3 vượt qua 20%
Năm 2008 cũng là năm của Firefox với phiên bản 3 trình làng vào cuối tháng Sáu đã được tải hơn 9 triệu lần trong vòng 24 giờ. Một kỷ lục! Theo các số liệu thống kê của NetApplication công bố mới đây, trình duyệt này đã vượt qua 20% thị phần trên thế giới. Trong cùng thời gian đó, Internet Explorer tụt xuống dưới 70% (lần đầu tiên kể từ mười năm qua) và Netscape bị sụp đổ.
9. Microsoft cam kết mở
Liệu đây chỉ là hiệu ứng truyền thông hay lòng thành thực sự ? Năm 2008, Microsoft đã liên tục có những phát biểu nhẹ nhàng hơn đối với phần mềm tự do. Hãng này cũng đã bảo đảm các sản phẩm phục vụ đại chúng sẽ cho phép các kết nối mở và tạo thuận lợi cho việc mang dữ liệu. Ngoài ra, Microsoft đã thể hiện bằng chứng mở format văn phòng của mình, dù việc bỏ phiếu chuẩn hóa đã dẫn đến phản ứng quyết liệt, và hứa tôn trọng các chuẩn trong Internet Explorer 8.
MINH TRƯỜNG (L’Expansion)