Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

2009 và hy vọng vượt thoát

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

2009 và hy vọng vượt thoát

(TBKTSG) – Lạm phát chưa qua, đình trệ đã tới – đó có thể nói là bức tranh tổng quát của kinh tế Việt Nam năm 2008. Xuất khẩu, đóng góp tới hơn 50% GDP của Việt Nam, đã giảm liên tiếp trong bốn tháng cuối năm.

Lấy thí dụ mặt hàng thủy sản, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu đã sụt giảm mạnh trong tháng 11, chỉ đạt 373,1 triệu đô la, giảm gần 22% so với tháng 10, và đây cũng là kim ngạch thấp nhất trong vòng sáu tháng qua.

Trong khi đó, xuất khẩu dệt may, đồ gỗ, cao su đều đã giảm cả về số lượng lẫn giá trị. Tăng trưởng công nghiệp 11 tháng đầu năm giảm chỉ còn 15,5%, thấp hơn mức kế hoạch đã điều chỉnh là 16,3% của năm 2008. Khách du lịch nước ngoài giảm, không đạt mục tiêu đề ra. Giải ngân FDI và kiều hối dự báo cũng sẽ giảm trong tình hình suy thoái đang tác động đến các quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển – nguồn FDI và kiều hối của Việt Nam.

Thị trường bất động sản và chứng khoán chưa hết những ngày u ám. Tình trạng thất nghiệp năm 2009, theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa, dự báo sẽ tăng do sản xuất đình trệ, nhiều doanh nghiệp đóng cửa trong khi xuất khẩu lao động đã bắt đầu giảm do tình hình kinh tế khó khăn của các thị trường xuất khẩu. Tin mới nhất cho hay, riêng tại TPHCM, 300 công nhân vừa mất việc làm do hai doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài phải thu hẹp sản xuất vì thiếu đơn hàng.

2009 sắp đến hứa hẹn là một năm còn khó khăn hơn 2008 về nhiều mặt, do độ trễ trong tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu đến nền kinh tế hội nhập còn chưa đầy đủ của Việt Nam. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2008, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, dự báo sẽ chỉ đạt 6,25% và qua năm 2009 sẽ chỉ còn 5%.

Trước tình hình này, Chính phủ đã đề ra những biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ suy thoái của nền kinh tế, trong đó có gói kích cầu ban đầu được dự định là 17.000 tỉ đồng, về sau có tin nói có thể lên hơn 100.000 tỉ đồng. Đây có thể nói là một cố gắng lớn trong điều kiện nền kinh tế còn nhỏ về quy mô và dự trữ ngoại tệ không lớn.

Doanh nghiệp, hơn ai hết, luôn nỗ lực để tồn tại và phát triển, và họ tất nhiên ủng hộ cố gắng của Chính phủ nhằm đưa nền kinh tế vượt thoát khó khăn. Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp trông đợi là gói kích cầu đó sẽ được phân bổ như thế nào, rót vào đâu để mang lại hiệu quả cho toàn bộ nền kinh tế chứ không phải là đổ vào những chỗ không mang lại hiệu quả để rồi đồng tiền bỏ ra như gió vào nhà trống.

Doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dân doanh, lo điều này là phải, bởi năm 2007-2008 đã mang lại những bài học đắt giá về chính sách tiền tệ, tài khóa, tín dụng và đầu tư công lỏng lẻo khiến lạm phát bùng phát và toàn bộ nền kinh tế phải gánh chịu hậu quả.

Bài học lạm phát năm 2007-2008 cũng làm chúng ta nhận thức rõ hơn nền tảng chưa vững bền của nền kinh tế và những nguy cơ của việc phân bổ không hợp lý, không hiệu quả nguồn lực quốc gia. Chính vì lẽ đó, hy vọng vượt thoát năm 2009 không thể tách rời yêu cầu phân bổ hợp lý nguồn lực, sử dụng gói kích cầu sao cho hiệu quả nhất và không sao nhãng việc cơ cấu lại nền kinh tế sao cho mỗi bước tăng trưởng phải là một bước đi bền vững.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới