Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

2014: 1,57 tỉ đô để nhập xe hơi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

2014: 1,57 tỉ đô để nhập xe hơi

Hùng Lê

2014: 1,57 tỉ đô để nhập xe hơi
Xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu ngày càng chiếm tỉ trọng lớn ở thị trường ô tô trong nước – Ảnh minh họa: Hùng Lê

(TBKTSG Onine) – Trong tháng cuối cùng của năm nay, Việt Nam đã chi thêm 227 triệu đô la Mỹ để nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (CBU), nâng tổng số tiền nhập khẩu xe ô tô năm 2014 của Việt Nam lên đến 1,57 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 117% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 12 này, theo Tổng cục Thống kê (GSO), Việt Nam nhập khẩu đến 10.000 xe ô tô nguyên chiếc, là tháng thứ 2 liên tiếp trong năm có lượng xe nhập khẩu lên đến con số một vạn. Đây được xem là mức cao nhất trong vòng 5 năm nay.

Tính chung trong năm 2014, cả nước nhập khẩu khoảng 72.000 xe hơi nguyên chiếc với tổng giá trị tương đương 1,57 tỉ đô la Mỹ, tăng 103,8% về lượng ô tô nhập khẩu và tăng 117,3% về giá trị so với năm ngoái.

Cả năm 2013, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc chỉ dừng lại ở mức 709 triệu đô la Mỹ.

Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) chưa có báo cáo cập nhật con số nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của tháng 12. Nhưng báo cáo của đơn vị này trong 11 tháng đầu năm nay cao hơn báo cáo của GSO. Cụ thể theo GSO trong 11 tháng đầu năm nay, cả nước nhập khẩu khoảng 60.000 xe ô tô nguyên chiếc với tổng giá trị tương đương 1,292 tỉ đô la Mỹ. Nhưng Tổng cục Hải quan công bố 11 tháng năm 2014, cả nước nhập về gần 61,6 nghìn ô tô nguyên chiếc các loại với trị giá là 1,34 tỉ đô la Mỹ.

Tạm lấy kết quả ước tính về số xe nguyên chiếc nhập khẩu năm 2014 của GSO công bố là 72.000 xe thì con số này đã chiếm gần phân nửa lượng xe bán ra trong năm được dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).  

Điều này cho thấy xu hướng nhập khẩu và tăng cường xe nhập khẩu của các hãng ô tô ngày càng rõ hơn. Hiện nay, hầu hết các liên doanh ô tô có vốn đầu tư nước ngoài đều có ít nhất một mẫu xe nhập khẩu.

Ngay cả hãng xe có thị phần xe du lịch lớn nhất cả nước như Toyota Việt Nam cũng có đến 3 mẫu xe nhập khẩu gồm Yaris, Hilux, FT86. Dù dòng xe Yaris được xem là có sức cạnh tranh lớn ở thị trường Việt Nam nhưng đến nay Toyota Việt Nam vẫn chưa lắp ráp dòng xe này ở trong nước.

Một trong những doanh nghiệp đang tăng cường nhập khẩu xe nguyên chiếc là Vinastar (Mitsubishi). Triển lãm Vietnam Motorshow 2014 vừa diễn ra vào tháng 11 rồi, hãng đã ưu tiên trưng bày hàng loạt sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc như Attrage, Outlander Sport và Pajero.

Từng là một trong những liên doanh có sản lượng lắp ráp ô tô lớn tại thị trường Việt Nam nhưng Vinastar không ngần ngại công khai kế hoạch chuyển sang nhập khẩu các dòng xe mới do thuế nhập khẩu ô tô sẽ giảm dần từ nay đến năm 2018.

Ông Kazuhiro Yamana, Tổng giám đốc Vinastar cho rằng sở dĩ Mitsubishi chọn nhập khẩu xe nguyên chiếc thay vì nhập khẩu linh kiện để lắp ráp tại nhà máy ở Việt Nam vì hãng cũng chưa biết được từ nay đến năm 2018, Chính phủ có thay đổi gì về chính sách đối với ngành công nghiệp ô tô.

Như vậy, đến nay liên doanh này chỉ còn sản xuất và lắp ráp hai trong tổng số sáu dòng xe đang phân phối tại Việt Nam, số còn lại được nhập khẩu hoàn toàn từ Thái Lan và Nhật Bản. Hãng này không ngần ngại công khai sẽ duy trì ưu tiên nhập khẩu cho tới khi Việt Nam có chính sách rõ ràng.

Theo lãnh đạo một hãng xe Nhật khác, tỷ lệ nội địa hóa ô tô Việt Nam hiện chỉ nhỉnh hơn 10% với các chi tiết đơn giản, giá trị không cao. Đến năm 2018 khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc trong khu vực ASEAN hạ xuống bằng 0%, doanh nghiệp của ông nếu muốn sản xuất ô tô tại Việt Nam vẫn phải nhập khẩu linh kiện từ các quốc gia khác ở ASEAN với giá cao nên khó cạnh tranh với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc.

Trong bối cảnh sức ép hội nhập ngày càng đè nặng, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam một mặt phải kiến nghị và hiến kế với các cơ quan Chính phủ có cơ chế, chính sách đủ mạnh, tạo sức bật cho ngành công nghiệp ô tô trong nước; mặt khác, họ phải “phòng thân” bằng việc từng bước “đặt chỗ” trước cho thị trường xe nhập khẩu.

Hiện nay, các dòng xe phổ thông nhập khẩu mang các thương hiệu Toyota, Ford, hay Honda… đang chiếm thị phần áp đảo. Hầu hết các hãng xe này đều đang có ít nhất một nhà máy sản xuất đặt tại Thái Lan hoặc Indonesia, hoặc cả hai. Tất cả các nhà máy này đều có quy mô lớn hơn gấp nhiều lần so với các nhà máy mà tập đoàn đó đặt ở Việt Nam.

Trong khi những khoản đầu tư của những tập đoàn này ở Việt Nam gần đây chỉ nhỏ giọt để đáp ứng việc kinh doanh hiện tại thì Thái Lan và Indonesia lại đón nhận số vốn cả trăm triệu đô la Mỹ/dự án. Điển hình là Toyota, Ford, Nissan… gần đây đã quyết định xây dựng thêm các nhà máy tại Thái Lan và Indonesia với số vốn đầu tư tại mỗi nhà máy từ 200-400 triệu đô la Mỹ.

Mời đọc thêm:

>>> Tiền nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tăng gấp đôi năm ngoái

>>> Thuế nhập khẩu giảm, vì sao giá ô tô chưa giảm?

>>> Năm 2018, công nghiệp ô tô về đâu?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới