Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

2016: xuất khẩu gạo nếp vượt 1 triệu tấn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

2016: xuất khẩu gạo nếp vượt 1 triệu tấn

Trung Chánh

2016: xuất khẩu gạo nếp vượt 1 triệu tấn
Xuất khẩu gạo nếp năm 2016 đã vượt 1 triệu tấn, tăng trên 96% so với năm ngoái. Trong ảnh là một ruộng nếp chuẩn bị thu hoạch của nông dân. Ảnh: Trung Chánh.

(TBKTSG Online) – Kết thúc năm 2016, xuất khẩu gạo nếp của các doanh nghiệp hội viên thuộc Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đã vượt mốc 1 triệu tấn, tăng trên 96% so với năm ngoái, trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính đối với mặt hàng này.

Theo báo cáo chính thức về “Tổng kết hoạt động năm 2016 và phương hướng năm 2017” của VFA được bà Nguyễn Vũ Quỳnh Thục, Phó tổng thư ký VFA gửi đến TBKTSG Online hôm 24-1, cho thấy trong năm 2016, xuất khẩu chỉ riêng gạo nếp của doanh nghiệp hội viên đơn vị này đạt 1,02 triệu tấn, chiếm 20,87% tỷ trọng xuất khẩu của toàn ngành (4,89 triệu tấn), tăng 96,59% so với năm 2015. Đây cũng là một trong số hai chủng loại gạo có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu duy nhất trong năm 2016 (gạo Japonica năm 2016 xuất khẩu đạt trên 158.000 tấn, chiếm 3,24% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành, tăng 136,95% so với năm 2015).

Trong khi đó, theo một nguồn tin riêng của TBKTSG Online, trong năm 2016, xuất khẩu gạo nếp sang thị trường Trung Quốc đạt trên 940.000 tấn, chiếm khoảng 94% tỷ trọng xuất khẩu của mặt hàng này (gạo nếp) và chiếm khoảng 50% lượng xuất khẩu gạo các loại (bao gồm cả gạo nếp) sang thị trường Trung Quốc trong năm 2016.

Xét về giá bán, trong năm 2016, giá gạo nếp xuất khẩu bình quân đạt 501 đô la Mỹ/tấn, tăng 36 đô la Mỹ/tấn so với năm 2015 và đây cũng là mặt hàng có giá xuất khẩu tăng mạnh nhất so với các chủng loại gạo khác trong năm 2016.

Còn phân theo thứ tự khối lượng các chủng loại gạo xuất khẩu, báo cáo của VFA, cho biết xuất khẩu gạo thơm (các loại) giữ vị trí thứ nhất với tổng khối lượng bán ra trong năm 2016 trên 1,393 triệu tấn, chiếm 28,5% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành, giảm 6,3% so với năm 2015; gạo trắng cao cấp đạt 1,058 triệu tấn, chiếm 21,65% tỷ trọng toàn ngành, giảm trên 42%; gạo trắng cấp trung bình đạt trên 655.000 tấn, chiếm 13,41% tỷ trọng toàn ngành, giảm 13,41% và gạo trắng cấp thấp đạt trên 355.000 tấn, chiếm 7,27% tỷ trọng toàn ngành, giảm 56,55% so với năm 2015…

Trong khi đó, nếu phân theo thị trường, thì châu Á vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong nhập khẩu gạo của Việt Nam năm 2016 với tổng khối lượng là 3,194 triệu tấn, chiếm 65,32% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành, giảm 34,7% so với năm 2015; châu Âu đạt trên 82.000 tấn, chiếm 1,69% tỷ trọng toàn ngành, giảm 25,62%; châu Mỹ đạt trên 472.600 tấn, chiếm 9,66% tỷ trọng toàn ngành, tăng 7,16%; châu Phi đạt trên 822.000 tấn, chiếm 16,82% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành, giảm trên 9% so với năm 2015…

Với việc xuất khẩu gạo nếp tăng mạnh như trong năm 2016 đã giúp kéo giá nếp nguyên liệu thị trường nội địa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục duy trì ở mức cao và nếp tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp hiện được thương lái mua tại ruộng với mức giá dao động khoảng 6.000-6.200 đồng/kg.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới