Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

250 doanh nhân Việt Nam được nhập cảnh Nhật Bản mỗi ngày

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

250 doanh nhân Việt Nam được nhập cảnh Nhật Bản mỗi ngày

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) – Đài NHK Nhật Bản chiều nay, 19-6, cho hay Chính phủ Nhật Bản đã quyết định cho phép số lượt du khách là doanh nhân Việt Nam được nhập cảnh vào Nhật Bản mỗi ngày có thể lên đến 250. Quyết định này cũng sẽ áp dụng cho Thái Lan khi năng lực xét nghiệm sàng lọc các trường hợp bị nhiễm Covid-19 tại Nhật Bản đã sẵn sàng. Việc mở cửa biên giới có hiệu lực sớm nhất là từ tháng 7 tới.

Như vậy, Nhật Bản cùng lãnh thổ Đài Loan và Singapore là những nơi đầu tiên công bố mở cửa biên giới cho du khách Việt Nam.

250 doanh nhân Việt Nam được nhập cảnh Nhật Bản mỗi ngày
Nhân viên hãng hàng không All Nippon Airways đeo mặt nạ bảo hộ và khẩu trang ở sân bay Haneda. Ảnh: Reuters

Trước đó, tờ Nikkei Asian Review đưa tin, các quyết định tương tự sẽ được tiếp tục với Úc và New Zealand, sau đó là Mỹ, Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc và Đài Loan vào mùa thu này.

Báo này cũng cho biết, việc gỡ bỏ dần các hạn chế đi lại bắt đầu với các nước có số ca nhiễm Covid-19 tương đối ít quan trọng hơn là tập trung vào các điểm đến có đông khách hoặc các vấn đề quan hệ ngoại giao.

Quyết định này đánh dấu bước tiến mới của Tokyo trong việc nhanh chóng khởi động lại du lịch quốc tế nhưng vẫn bảo đảm an toàn khi các nước bắt đầu mở cửa trở lại.

Trung Quốc đã cho phép doanh nhân Hàn Quốc nhập cảnh một số thành phố từ đầu tháng 5. Ủy ban châu Âu (EC) tuần rồi cũng khuyến nghị rằng, các nước trong Liên minh châu Âu (EU) hoặc khối Schengen sẽ gỡ bỏ các hạn chế đối với du khách đến từ một số nước thứ ba ngoài khối.

Sàng lọc cẩn trọng

Việc sàng lọc khách đóng vai trò quan trọng trong việc khống chế dịch tràn vào hay phát tán bên ngoài Nhật Bản. Du khách rời nước này cần phải có giấy xét nghiệm PCR (xét nghiệm kháng nguyên xác định người dương tính Covid-19) và phải cung cấp lịch trình cho nhà chức trách.

Khi quay lại Nhật Bản, họ cũng phải chịu xét nghiệm lần nữa tại sân bay. Chính phủ cũng khuyến khích mọi người sử dụng app theo dõi các mối tiếp xúc hàng ngày.

Khả năng xét nghiệm hạn chế là lý do chính khiến Nhật Bản không triển khai việc nối lại du lịch với các đối tác kinh tế quan trọng.

Khoảng 950 ca xét nghiệm được thực hiện mỗi ngày ở các sân bay Nhật Bản, chiếm khoảng 40% năng lực xét nghiệm trong ngày của Nhật Bản. Nước này dự định chỉ làm 250 ca xét nghiệm để đề phòng những trường hợp không lường trước được như ở các ổ dịch mới tại các đô thị Nhật Bản.

“Để có thể mở cửa biên giới với Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan, chúng ta cần có năng lực 10.000 xét nghiệm mỗi ngày”, nguồn tin quan trọng của chính phủ nước này nói với Nikkei Asian Review.

Thủ tướng Shinzo Abe, sáng 19-6, cũng ra lệnh hình thành các trung tâm xét nghiệm dành cho du khách, cùng với việc đưa vào sử dụng các xét nghiệm PCR qua nước bọt – thay vì quét dịch mũi và họng như trước đây.

“Tình trạng cô lập (cách ly với thế giới bên ngoài) gây ảnh hưởng nặng nề trong bối cảnh toàn cầu hóa”, ông Abe nói với báo chí.

Tế nhị ngoại giao

Quan hệ ngoại giao có ý nghĩa quan trọng trong việc mở cửa biên giới. Trung Quốc đã đề nghị việc hình thành hành lang du lịch an toàn ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc vào mùa xuân này. Nhưng Nhật Bản từ chối bởi những căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.

“Mở cửa du lịch với Trung Quốc trước Mỹ có thể ảnh hưởng đến quan hệ song phương Nhật – Mỹ”, một quan chức Nhật Bản nói.

Nước này đã không chọn nới lỏng hạn chế đi lại với Mỹ do số ca nhiễm ở Mỹ cao. Trong khi đó, mối quan hệ nồng ấm với Seoul và cho phép du khách từ lãnh thổ Đài Loan nhập cảnh có thể làm Bắc Kinh nổi giận, một nguồn tin cho biết.

Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra giải pháp: ưu tiên cho những người có visa học tập hay sinh sống ở được phép nhập cảnh trở lại Nhật Bản sau khi họ bị mắc kẹt ở quê nhà vì dịch bệnh.

Theo Nikkei Asian Review

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới