Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

35% điện thoại Samsung toàn cầu sản xuất tại Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

35% điện thoại Samsung toàn cầu sản xuất tại Việt Nam

Lê Hoàng

35% điện thoại Samsung toàn cầu sản xuất tại Việt Nam
Điện thoại Samsung Galaxy S5 được sản xuất tại Việt Nam: Ảnh minh họa: Hùng Lê

(TBKTSG Online) – Hiện nay, khoảng 35% sản lượng điện thoại di động của Samsung cung ứng trên thị trường toàn cầu được lắp ráp và sản xuất tại các nhà máy của Samsung ở Việt Nam và con số này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 50% trong thời gian tới.

>>> Samsung xuất khẩu điện thoại đạt gần 24 tỉ đô la Mỹ

Thông tin này được ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng giám đốc Công ty Samsung Vina cho biết trong buổi tiếp đoàn nhà báo tham quan nhà máy điện tử Samsung Bắc Ninh trong khuôn khổ Hội thảo "Smartphone với truyền thông hiện đại" vào chiều ngày 14-5.

Bên cạnh nhà máy điện thoại lớn nhất của Samsung ở tỉnh Bắc Ninh đang hoạt động ổn định với hơn 40.000 lao động, Samsung cũng vừa đưa thêm tổ hợp nhà máy mới vào hoạt động hồi tháng 3 tại tỉnh Thái Nguyên. Trong thời gian đầu, tổ hợp sản xuất Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) có khoảng 13.000 lao động song ông Đạo cho biết Samsung sẽ tiếp tục nhập dây chuyền và tuyển lao động để tăng sản lượng tại đây nhằm nâng tổng lượng điện thoại Samsung sản xuất tại Việt Nam cung ứng trên thị trường toàn cầu đạt 50% trong thời gian tới.

Theo kế hoạch, tổ hợp SEVT – có vốn đầu tư 2 tỉ đô la Mỹ – cũng có thể thu hút được khoảng 40.000-45.000 lao động và có công suất tương đương với nhà máy Samsung ở Bắc Ninh.

Hiện tại nhà máy điện thoại Samsung ở tỉnh Bắc Ninh có doanh thu xuất khẩu khoảng 23,9 tỉ đô la Mỹ, chiếm hơn 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm ngoái Samsung Bắc Ninh mang về giá trị gia tăng khoảng 7,6 tỉ đô la Mỹ.

Theo lãnh đạo nhà máy Samsung Bắc Ninh, nhà máy Samsung ở Việt Nam không đơn thuần chỉ lắp ráp thành phẩm như nhiều người nghĩ mà chiếc điện thoại thông minh mới nhất của nhà máy làm ra có tỷ lệ nội địa khoảng 30%. Nhiều linh kiện quan trọng trong điện thoại như LCD modul, camera, bảng mạch, vỏ… đều được sản xuất ở Việt Nam.

Samsung từng kỳ vọng sẽ có khoảng 200 nhà cung cấp cho hai dự án lớn tại Bắc Ninh và Thái Nguyên và hiện riêng nhà máy Samsung ở Bắc Ninh đã có 60 nhà cung cấp, trong đó có 45 nhà cung cấp đến từ Hàn Quốc, 5 của Việt Nam, số còn lại là của các nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Hiện nay Samsung cũng chưa tổng kết số lượng điện thoại xuất khẩu tháng 4. Tuy nhiên báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy xuất khẩu mặt hàng điện thoại di động các loại và linh kiện trong tháng qua ước đạt giá trị khoảng 2,2 tỉ đô la Mỹ, tính chung 4 tháng đầu năm nay ước đạt 7,672 tỉ đô la Mỹ, tăng đến 29,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhà máy Samsung ở Bắc Ninh là doanh nghiệp đóng góp chủ yếu cho thành tích kim ngạch xuất khẩu này.

Smartphone thách thức báo in

Xu hướng sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) của người tiêu dùng trong nước ngày càng gia tăng, và giá bán của smartphone ngày càng giảm giúp mọi người đọc tin tức ở các báo điện tử miễn phí mọi lúc mọi nơi. Điều này đang làm cho ngành báo in thêm khó khăn.

Tại Hội thảo "Smartphone với truyền thông hiện đại" do Thời báo Việt Hàn (TTXVN) phối hợp với báo điện tử Vietnamplus tổ chức tại Hà Nội, nhiều diễn giả cho rằng việc người tiêu dùng sử dụng nhiều smartphone đã có tác động mạnh mẽ tới ngành truyền thông trong nước, khiến ngành này cần phải thay đổi để tồn tại.

Xu hướng đọc báo trên điện thoại ngày càng phổ biến, tiện lợi, nhanh chóng và không phải tốn tiền.

Ông Bae Myung Bok, Ban bình luận thời sự nhật báo Chungang (Hàn Quốc) cho rằng ngành truyền thông và báo chí, truyền hình, Internet đang chịu những ảnh hưởng mang tính cách mạng đến từ các phương tiện di động; trong đó sự phát triển của smartphone đã đẩy phương tiện truyền thống như báo giấy vào khủng hoảng nghiêm trọng.

ông Bok quan ngại: “Nếu việc sản xuất, phân phối nội dung tin tức, cơ cấu lợi nhuận… không được thay đổi quyết liệt trong thời đại “người di động” thì khả năng tồn tại rất khó khăn”. Theo bà Kwon Tae Sun, Tổng biên tập báo điện tử Huffington Post Korea (HPK), tại Hàn Quốc, trung bình số người xem tin tức bằng smartphone chiếm 40%, số người xem bằng máy tính là 60%, tuy nhiên xu hướng chuyển dịch sang mobile ngày càng tăng. Trong đó, riêng với HPK, tỷ lệ đọc qua mobile là 70%.

Còn tại Việt Nam, theo ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo điện tử Vietnam Plus, vài năm gần đây các báo điện tử đã bắt tay xây dựng phiên bản dành cho di động. Với một thị trường mà internet, và các thiết bị điện thoại di động tăng trưởng mạnh như ở Việt Nam, việc phát triển truyền thông mobile sẽ là một xu thế tất yếu.

Theo ông Nguyễn Thế Tân, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam – VCCorp, cũng là đơn vị sở hữu công ty quảng cáo trực tuyến AdMicro, phân khúc quảng cáo trên mobile tại Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. Điều đó được đo đạc bằng số liệu cụ thể, khi lượng truy cập (traffic) trên mobile hiện đang tăng trưởng khá nhanh. Các website lớn mà công ty đang kinh doanh có số lượt truy cập (visit) trên mobile đạt 30-35% so với web, còn lượt xem (page view) đạt gần 50%.

Ông Tân dự báo đến cuối năm 2014 tỷ lệ giữa mobile và web có thể là 1-1, và sau đó mobile sẽ vượt lên. Lý do chính là điện thoại smartphone hiện rất đa dạng, các dòng máy rẻ ngày càng nhiều; 3G, wifi phủ sóng khắp nơi. Người ta sẽ đọc báo và thao tác các công việc, giải trí trên di động nhiều hơn. Trên thực tế, nhiều người đã chuyển thói quen từ đọc trên web sang đọc trên mobile.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới