Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

5 tập đoàn nhà nước Trung Quốc hủy niêm yết cổ phiếu ở Phố Wall

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hôm 12-8, 5 tập đoàn nhà nước Trung Quốc thông báo kế hoạch tự nguyện hủy niêm yết cổ phiếu ở Phố Wall trước khi Mỹ buộc họ phải rời khỏi thị trường chứng khoán sôi động nhất thế giới vào năm 2024 vì một tranh cãi liên quan đến kiểm toán. Động thái này đánh dấu sự leo thang trong cuộc phân tách tài chính giữa hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.

5 tập đoàn nhà nước Trung Quốc, bao gồm Tập đoàn dầu khí Trung Quốc (PetroChina), nhà sản xuất dầu khí lớn nhất châu Á, cho biết sẽ tự nguyện hủy niêm yết cổ phiếu ở Sàn giao dịch chứng khoán New York. Ảnh: NHK

Thông báo của các tập đoàn nhà nước Trung Quốc bao gồm Tập đoàn dầu khí Trung Quốc (PetroChina), nhà sản xuất dầu khí lớn nhất châu Á và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Trung Quốc (China Life Insurance Company), một trong những công ty bảo hiểm nhà nước lớn nhất của đất nước, được đưa ra khi Bắc Kinh và Washington chật vật tìm kiếm một thỏa thuận ngăn chặn việc hủy niêm yết của khoảng 200 công  ty Trung Quốc đang niêm yết cổ phiếu tại Mỹ, có tổng trị giá hơn 1.000 tỉ đô la Mỹ

Các tập đoàn nhà nước khác của Trung Quốc công bố kế hoạch hủy niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York bao gồm Tập đoàn Nhôm Trung Quốc, nhà sản xuất nhôm lớn nhất của đất nước, Tập đoàn hóa chất và dầu khí Trung Quốc, (Sinopec) và Sinopec Shanghai Petrochemical, công ty con của Sinopec.

5 tập đoàn này trên hiện có tổng vốn hóa thị trường hơn 318 tỉ đô la.

Dickie Wong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Công ty Kingston Securities ở Hồng Kông, cho biết: “Đây là một động thái chiến thuật, mang tính chính trị”.

Wong nói rằng các công ty nhà nước khác của Trung Quốc cũng có khả năng hủy niêm yết ở Phố Wall khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng leo thang.

“Nhưng đối với các công ty tư nhân như Alibaba, chúng ta còn phải chờ xem”, ông nói thêm.

Mỹ đã yêu cầu các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết ở Phố Wall cho phép Ủy ban kiểm toán và giám sát công ty đại chúng (PCAOB), có trụ sở ở Washington, tiếp cận và thanh tra các báo cáo kiểm toán của họ 3 năm một lần, nếu không sẽ đối mặt với lệnh cấm giao dịch chứng khoán niêm yết tại Mỹ của họ.

Trong một tuyên bố được đưa ra cùng ngày, Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết  các công ty Trung Quốc đã “tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc thị trường vốn và các yêu cầu của các cơ quan quản lý của Mỹ kể từ khi niêm yết cổ phiếu ở nước này và quyết định hủy niêm yết được đưa ra dựa vào các cân nhắc kinh doanh của họ”.

Bắc Kinh thường không cho phép các công ty Trung Quốc cung cấp dữ liệu cho các cơ quan quản lý nước ngoài vì lý do an ninh quốc gia nhưng đã nhượng bộ một số quy định về bảo mật dữ liệu trong nỗ lực ngăn chặn việc các công ty Trung Quốc bị hủy niêm yết cổ phiếu hàng loạt tại Mỹ. Hồi tháng 4, Trung Quốc đã nới lỏng một quy tắc kéo dài một thập niên, trong đó, hạn chế hoạt động chia sẻ dữ liệu của các công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài.

Hồi tháng 7, Financial Times đưa tin các nhà quản lý Trung Quốc đang kiểm tra hệ thống phân loại các công ty Trung Quốc dựa trên độ nhạy cảm của dữ liệu của họ, điều này sẽ dẫn đến một số quyết định hủy niêm cổ phiếu tự nguyện ở Phố Wall.

Eugene Weng, luật sư của hãng luật Wintell & Co, đại diện cho một số công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài, cho biết các thông báo hủy niêm yết ở Phố Wall của 5 doanh nghiệp nhà nước nói trên được đưa cùng lúc, có nghĩa là họ có thể đã nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan quản lý cấp cao hơn ở Bắc Kinh.

Weng nói: “Điều hợp lý là các công ty nhà nước Trung Quốc muốn giảm mức độ rủi ro tài chính ở nước ngoài, đặc biệt là khi họ đang phải đối mặt với việc thực thi chặt chẽ hơn Đạo luật về trách nhiệm giải trình công ty nước ngoài của Mỹ và các hạn chế trong nước đối với việc chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới”.

Redmond Wong, nhà chiến lược tại Công ty Saxo Markets, nói: “Các doanh nghiệp nhà nước nói trên nằm trong các lĩnh vực chiến lược và được coi là có quyền truy cập vào thông tin và dữ liệu quan trọng mà chính phủ Trung Quốc có thể không muốn chia sẻ với các cơ quan quản lý nước ngoài”.

PCAOB sẽ đưa ra tuyên bố vào cuối năm sau về việc liệu các công tyTrung Quốc niêm yết ở Mỹ có tuân thủ yêu cầu công khai thông tin kiểm toán hay không. Để được coi là tuân thủ, họ phải cho phép PCAOB kiểm tra hồ sơ kiểm toán của họ.

Giới chức trách Mỹ cho biết các chính phủ khác đã đồng ý với yêu cầu này và chỉ còn duy nhất Trung Quốc và Hồng Kông chưa nhất trí.

Trung Quốc nói rằng các cuộc đàm phán với Mỹ đang tiến triển nhưng phía Washington cho biết vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Một cựu quan chức cấp cao của Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ cho biết những tuyên bố gần đây của giới chức trách Mỹ về vấn đề kiểm toán các công ty Trung Quốc có cổ phiếu niêm yết ở New York đã trở nên “cứng rắn”.

“Đó là kiểu giọng điệu gợi ý rằng họ biết rằng sẽ không có thỏa thuận nào đạt được với Trung Quốc và Hồng Kông về vấn đề kiểm toán,” vị cựu quan chức này nói.

Theo Financial Times, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới