Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

5 yếu tố đưa Amazon trở thành công ty giá trị nhất thế giới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

5 yếu tố đưa Amazon trở thành công ty giá trị nhất thế giới

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Tập đoàn Amazon vừa vượt mặt Microsoft lần đầu tiên trở thành công ty đại chúng giá trị nhất thế giới, đánh dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển dài 24 năm từ chỗ chỉ là một công ty bán sách trực tuyến vươn lên trở thành một tập đoàn công nghệ khổng lồ trong các lĩnh vực thương mại điện tử, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.

Amazon “lột xác” để chinh phục thị trường nông thôn Ấn Độ

Ấn Độ “trói tay” Amazon, Walmart

5 yếu tố đưa Amazon trở thành công ty giá trị nhất thế giới
Tập đoàn Amazon đã vượt mặt Microsoft lần đầu tiên trở thành công ty đại chúng giá trị nhất thế giới. Ảnh: AP

Kết thúc phiên giao dịch ngày 7-1, giá cổ phiếu Amazon trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) tăng 3,4% lên mức 1.629,51 đô la, giúp Amazon đạt mức vốn hóa thị trường 796,78 tỉ đô la, chính thức vượt qua Microsoft trở thành công ty đại chúng có giá trị nhất thế giới. Cách đây một tháng, Microsoft đã vượt qua Apple để trở thành công ty đại chúng giá trị nhất thế giới, tuy nhiên sau phiên giao dịch ngày 7-1, vốn hóa thị trường của Microsoft mới đạt mức 783,4 tỉ đô la.

Nhà phân tích Brian Wieser ở Công ty Pivotal Research Group khuyến nghị khách hàng mua cổ phiếu Amazon với mức giá mục tiêu 1.920 đô la, cao hơn 18% so với mức giá hiện tại.

Theo hãng tin CNBC, có 5 yếu tố khiến giới đầu tư lạc quan về triển vọng kinh doanh của Amazon, giúp giá cổ phếu của tập đoàn này không giảm quá mạnh so với các ông lớn công nghệ khác trong đợt suy giảm của thị trường chứng khoán Mỹ vào những tháng cuối năm 2018 và phục hồi mạnh trong những ngày đầu năm 2019, qua đó, đưa Amazon trở thành công ty giá trị nhất thế giới.

Bá chủ mảng điện đoán đám mây

Trong khi mảng kinh doanh dịch vụ điện toán đám mây của Microsoft đang tăng trưởng mạnh mẽ, nền tảng điện toán đám mây Amazon Web Services (AWS) vẫn thống trị trong lĩnh vực này, mang về cho tập đoàn này mức doanh thu hơn 23 tỉ đô la/năm. AWS đang kiểm soát 40% thị trường điện đoán đám mây, theo Công ty nghiên cứu thị trường Synergy Research Group.

AWS cung cấp hơn 140 dịch vụ đám mây cho hàng triệu khách hàng và mảng kinh doanh này tiếp tục phát triển rộng rãi trên toàn cầu. Các trung tâm dữ liệu đám mây của Amzon đã được mở rộng đến Hồng Kông, Bahrain, Ý và Nam Phi. AWS đang ký kết hợp đồng dài hạn với các khách hàng doanh nghiệp lớn và cũng đang cạnh tranh để giành gói thầu trị giá 10 tỉ đô la của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Thống trị mảng thương mại điện tử

Amazon đã phát triển lấn sân sang nhiều lĩnh vực trong nhiều năm qua nhưng mảng kinh doanh cốt lõi vẫn là thương mại điện tử.

Amazon chiếm gần 50% doanh thu mảng thương mại điện tử ở Mỹ. Gần 90% doanh thu của tập đoàn này đến từ các hoạt động bán lẻ. Nền tảng bán hàng dành cho bên thứ ba của Amazon đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết chiếm 31,3% doanh thu bán trực tuyến của Mỹ vào năm ngoái, tăng 35,6% so với năm trước đó.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường eMarketer, dư địa tăng trưởng ở mảng thương điện tử của Amazon vẫn còn lớn. Amazon mới chỉ chiếm 5% tổng doanh thu bán lẻ ở Mỹ (bao gồm trực tiếp lẫn trực tuyến). Tập đoàn này đang đầu tư mạnh mẽ cho các thị trường thương mại điện tử ở những nước lớn khác như Ấn Độ và thậm chí đang quyết liệt giành thị phần bán lẻ trực tiếp qua thương vụ thâu tóm chuỗi cửa hàng thực phẩm tươi Whole Foods với giá 13,7 tỉ đô la hồi năm 2017.

Tiềm năng của mảng quảng cáo, chăm sóc sức khỏe

Ngoài hai trụ cột kinh doanh điện toán đám mây và thương mại điện tử, Amazon còn nhiều cơ hội tăng trưởng doanh thu rõ rệt nhờ các lĩnh vực kinh doanh khác bao gồm mảng quảng cáo.

Theo eMarketer, doanh thu quảng cáo (chủ yếu là quảng cáo trực tuyến) của Amazon sẽ tăng gấp đôi trong năm nay lên mức 5,83 tỉ đô la. Trong khi đó, Ngân hàng Đầu tư Cowen & Co. dự báo trong vòng 5 năm tới, con số này sẽ nhảy vọt lên mức 28,4 tỉ đô la/năm, lớn hơn mức tăng doanh thu quảng cáo của các kênh truyền hình trên toàn cầu trong cùng thời gian. Nhiều nhà quảng cáo đang phân bổ ngân sách chi tiêu nhiều hơn cho Amazon.

Mảng chăm sóc sức khỏe cũng được dự báo sẽ là một động lực thúc đẩy doanh thu của hãng trong những năm tới. Amazon đang chú trọng đầu tư vào mảng này sau khi thâu tóm nhà thuốc trực tuyến PillPack với giá 1 tỉ đô la vào năm ngoái. Amazon cũng đã bắt tay với Tập đoàn đầu tư Berkshire Hathaway và Ngân hàng JPMorgan Chase để thành lập công ty chăm sóc y tế độc lập cho 1,1 triệu nhân viên của họ. Ngoài ra tập đoàn này còn bán phần mềm đọc và phân tích hồ sơ bệnh án để đưa ra các gợi ý điều trị, giúp tiết kiệm chi phí.

Bộ máy lãnh đạo gắn kết

Một trong những khác biệt quan trọng giữa Amazon và các ông lớn công nghệ khác là tập đoàn này có dàn lãnh đạo gắn kết chặt chẽ. Giám đốc điều hành Amazon, Jeff Bezos, đã quy tụ được một nhóm lãnh đạo trung thành, trong đó, có những người đã gắn bó với Amazon nhiều thập kỷ.

Ê kíp lãnh đạo cao cấp của Bezos chưa đến 20 người và duy trì sự ổn định cao như là một phần của văn hóa doanh nghiệp mà Bezos từng ca ngợi trong một cuộc họp nội bộ. Ông nói: “Tôi rất hạnh phúc vì chúng ta không có sự biến động nhân sự lớn ở bộ máy lãnh đạo cao cấp. Tôi không có ý định thay đổi bộ máy này, tôi rất yêu quý các bạn”.

Ít để xảy ra khủng hoảng và bê bối

Trong thời gian gần đây, Amazon vướng vào nhiều vấn đề gây tranh cãi bao gồm những công kích của Tổng thống Donald Trump cho rằng Amazon trả quá ít thuế và lợi dụng dịch vụ bưu chính của Mỹ hay cách mà Amazon mở “cuộc thi” tìm kiếm nơi xây dựng trụ sở thứ hai với tổng chi phí đầu tư 5 tỉ đô la, khiến nhiều chính quyền thành phố chạy đua cam kết miễn giảm thuế để nhận được số tiền này.

Cuối năm 2018, Amazon quyết định chọn quận Queens ở New York và TP. Arlington, bang Virginia để xây dựng hai văn phòng khu vực và chọn TP. Nashville, bang Tennessee để đặt một trung tâm điều hành. Chính quyền các địa phương đã cam kết miễn thuế tổng cộng 2,2 tỉ đô la. Nhiều người chỉ trích cho rằng các thành phố này không nên dành các ưu đãi thuế cho Amazon, một công ty giàu có đang bóp nghẹt ngành bán lẻ truyền thống.

Song không có vấn đề nào nói trên gây ra rủi ro trực tiếp cho tình hình kinh doanh của Amazon. Trái với các vụ bê bối rò rỉ và lạm dụng dữ liệu người dùng ở Facebook khiến giá cổ phiếu của công ty mạng xã hội này bị tổn thương, cổ phiếu Amazon ít hứng chịu rủi ro như vậy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới