Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

50% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

50% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng

Minh Đức

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Ảnh: Giang Huy

(TBKTSG Online) – Theo bản báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2011 do Phòng Thượng mại và Công nghiệp (VCCI) công bố ngày 14-3, có tới 52% doanh nghiệp được hỏi cho biết sẽ giữ nguyên quy mô kinh doanh trong năm 2012, 15% có thể giảm quy mô kinh doanh và 31% quyết định mở rộng quy mô.

Nhiều yếu tố bất lợi

Lý do chủ yếu khiến nhiều doanh nghiệp trả lời có thể cắt giảm quy mô hoạt động là vì triển vọng kinh tế Việt Nam và thế giới không thuận lợi, tiếp đến là nguyên nhân chi phí sản xuất kinh doanh quá cao.

Theo báo cáo, năm 2012 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với kinh tế thế giới và ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và các chính phủ ở các nước châu Âu, Mỹ đều thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng, tăng thuế, giảm chi tiêu công… sẽ dẫn đến hệ quả là nhu cầu tiêu dùng suy giảm và nhập khẩu giảm.  Điều này sẽ tác động lớn tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam năm 2012.

Do khủng hoảng nợ công ở châu Âu, các ngân hàng châu Âu đang có những tính toán giảm tín dụng cho châu Á (tín dụng của các ngân hàng này cho châu Á hiện vào khoảng 1.500 tỉ đô la Mỹ). Nếu điều này xảy ra thì các nền kinh tế châu Á, trong đó có Việt Nam phải chịu những hệ lụy nhất định.

Bản báo cáo nêu rõ 4 nguyên nhân cụ thể khiến chi phí sản xuất kinh doanh cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp, gồm sự khó khăn hơn trong việc tiếp cận vốn vay, sự tăng cao hơn trong giá thành sản xuất, sự khan hiếm hơn của nguồn cung ứng lao động có tay nghề cao và sự chậm trễ hơn trong cấp đất, giải phóng mặt bằng mở rộng sản xuất kinh doanh.

"Hiện tượng doanh thu và giá bán có xu hướng tốt lên nhưng lợi nhuận lại xấu đi cho thấy các doanh nghiệp không những bị tác động của giá cả nguyên vật liệu, mà còn bị phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất cao”, bản báo cáo khẳng định

Theo khảo sát của VCCI, 76% số doanh nghiệp hiện đang phải vay ở mức lãi suất 18-19% trở lên. Chỉ có 9% cho rằng mức lãi vay này là hợp lý trong thời điểm hiện tại. Nếu buộc phải chấp nhận mức lãi này thì chỉ có 49% doanh nghiệp thấy có thể chịu được. Nghĩa là 51% còn lại sẽ gặp khó khăn nếu phải chịu mức lãi vay này trong lâu dài. Kết quả khảo sát cho thấy lãi suất vay 18-19% là quá cao. Với mức lãi này, doanh nghiệp sẽ không thấy hợp lý nếu mạnh dạn đầu tư chiều sâu cho phát triển lâu dài. Do vậy, mức lãi này dễ thúc đẩy họ chọn hướng đầu tư cho các thương vụ ngắn hạn hoặc đầu cơ vào dự án có mức độ rủi ro cao nhưng có lãi suất cao.

Báo cáo cũng cho biết, các doanh nghiệp đã ghi nhận nỗ lực của chính phủ trong điều hành vĩ mô. Tuy nhiên những nỗ lực này chưa đem lại tác động cần thiết. Chẳng hạn như chính sách điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu, chính sách lãi suất vẫn còn là “điểm nóng”, được họ quan tâm và cho là tác động rất không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, khi trình bày bản báo cáo, đặc biệt lưu ý: việc sử dụng vốn trong các doanh nghiệp siêu nhỏ kém hiệu quả hơn rất nhiều so với doanh nghiệp lớn và vừa. “Khi doanh nghiệp nhỏ kêu khó tiếp cận vốn vay ngân hàng thì với số vốn ít ỏi họ cũng kiểm soát chưa thực sự tốt”, bà Hằng nhấn mạnh.

Theo bà, đây là lý do vì sao các ngân hàng thương mại thường không mặn mà khi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn. Điều này đặt ra cho Chính phủ bài toán không chỉ đơn thuần hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn mà còn phải từ khía cạnh hỗ trợ sử dụng vốn hiệu quả.

Liên kết kém

Với chủ đề: “Liên kết kinh doanh”, báo cáo đã lựa chọn 5 ngành tiêu biểu được cho là “thể hiện được các mối liên kết trong kinh doanh”, gồm sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất xe, động cơ, dịch vụ kho vận và du lịch. Tuy nhiên, 5 lĩnh vực tiêu biểu này vẫn thể hiện sự liên kết lỏng lẻo giữa các khối doanh nghiệp.

Báo cáo nêu một dẫn chứng tiêu biểu: hiện rất nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có giá thấp hơn so với mặt bằng chung giá thế giới, kể cả những mặt hàng đứng trong tốp đầu xuất khẩu như hồ tiêu, nhân điều. Nguyên nhân do các doanh nghiệp trong nước chưa quen liên kết dù trong cùng một hiệp hội. Doanh nghiệp hội viên chỉ tuân theo khuyến cáo của hiệp hội nếu thấy lợi trước mắt, ngược lại họ sẽ “phá rào”. Dù đã thống nhất giá cả để cùng thương thảo với khách hàng, nhưng vừa ra khỏi phòng họp là mạnh ai nấy làm. Hội viên dễ dàng phớt lờ hiệp hội nếu việc thương thảo với đối tác có lợi riêng cho mình mà ít chú ý đến lợi ích lâu dài hay gây bất lợi cho hội viên khác.

Hay một ví dụ khác dễ thấy là trong lĩnh vực du lịch, sự phối hợp liên ngành, địa phương vẫn chưa đồng bộ. Mâu thuẫn về lợi ích trong khai thác tài nguyên dẫn tới nguy cơ bị tàn phá, môi trường du lịch tự nhiên và nhân văn bị xâm hại. Tính cát cứ hành chính trong quy hoạch đầu tư phát triển làm hạn chế không gian du lịch các điểm đến, dẫn tới thiếu đồng bộ và hiệu quả không cao.

Báo cáo khuyến nghị các doanh nghiệp cần thiết lập và xây dựng các mối liên kết kinh doanh để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới