Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

62% người cao tuổi chưa có lương hưu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

62% người cao tuổi chưa có lương hưu

Thùy Dung

62% người cao tuổi chưa có lương hưu
Rất ít người cao tuổi được nhận lương hưu và chế độ bảo trợ xã hội – Ảnh minh họa: TL

(TBKTSG Online) – Tốc độ già hóa của Việt Nam thuộc nhóm những nước nhanh nhất thế giới, và điều này đặt ra thách thức vô cùng lớn đối với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh có tới 62% người cao tuổi ở Việt Nam vẫn chưa có lương hưu hoặc chưa được nhận trợ cấp xã hội.

Tại Hội thảo “Tương lai hưu trí: Từ thách thức tới cơ hội” diễn ra gần đây tại Hà Nội, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, cho hay tốc độ già hóa dân số của Việt Nam thuộc mức nhanh nhất thế giới, tức mất khoảng 15 năm là đạt dân số già. Điều này đặt ra gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội về chăm sóc người già.

Theo bà Ritsu Nacken, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, năm 2014, tỉ lệ người cao tuổi trong dân số Việt nam đạt con số 10,5%. Con số này sẽ tăng lên 23% vào năm 2040.

Tuy nhiên, hiện có gần 20% số người cao tuổi sống dưới mức nghèo, hơn 1/3 trong số họ vẫn đang phải làm việc, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và phi chính thức với thu nhập không ổn định và thấp.

Bên cạnh đó, cũng theo bà Nacken, cuộc suy thoái kinh tế gần đây đã ảnh hưởng tới tất cả nhóm tuổi trong xã hội nhưng người già lại bị ảnh hưởng nặng nề hơn khi họ không có cơ hội phục hồi như những nhóm tuổi khác. Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2010-2012, thu nhập đã tăng lên ở hầu hết các nhóm tuổi ở Việt Nam trừ những người già từ 65-80 tuổi.

Mặc dù tỉ lệ già hóa dân số diễn ra với tốc độ “chóng mặt” nhưng dường như hệ thống hưu trí cũng như “lưới” an sinh xã hội vẫn chưa thể theo kịp tốc độ này. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay chỉ có hơn 37% người cao tuổi nhận lương hưu và trợ cấp xã hội, tức còn khoảng hơn 62% người cao tuổi chưa có lương hưu hoặc trợ cấp tuổi già. “Do tốc độ già hoá dân số của Việt Nam lớn nên tỉ lệ người cao tuổi hưởng lương hưu đang có xu hướng giảm,” bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết.

Trong khi đó, theo Tổng cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình, trung bình mỗi người cao tuổi phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc sống của họ. 95% người cao tuổi có bệnh, trung bình mỗi người mắc hai đến ba bệnh.

Một nghiên cứu do Viện Lão hóa toàn cầu và Prudential thực hiện năm 2014 cho thấy một bức tranh khá u ám về tình trạng của người cao tuổi cũng như kỳ vọng của những người lao động về tuổi nghỉ hưu của họ.

Trình bày về kết quả nghiên cứu được thực hiện tại một số nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam vào năm 2014, ông Richard Jackson, Chủ tịch Viện Lão hóa toàn cầu, cho hay hầu hết người dân trong khu vực trong đó có Việt Nam đang lo lắng về an sinh hưu trí của họ.

Tại 10 nước được khảo sát, nhiều người lao động e ngại rằng sẽ chịu cảnh nghèo, không đủ tiền sinh sống khi về hưu (có 50% số người được hỏi ở Trung Quốc và tới 95% số người được được hỏi ở Việt Nam bày tỏ nỗi lo lắng này). Chính vì vậy mà họ đang nỗ lực cải thiện kế hoạch hưu trí cá nhân trong khi các chính phủ và ngành dịch vụ tài chính ở đây cũng từng bước ứng phó với kế hoạch nâng dần chất lượng an sinh hưu trí và thu hẹp khoảng cách so với các quốc gia phát triển.

Tại Việt Nam, kết quả khảo sát cho thấy người lao động Việt Nam rất quan tâm đến việc làm gì để đối phó với an sinh hưu trí tương lai, đồng thời, nghiên cứu cũng cho thấy, chỉ có 10% số người Việt Nam được hỏi tin rằng con cái trưởng thành hoặc những thành viên khác trong gia đình sẽ là chỗ dựa thu nhập khi họ nghỉ hưu. Với tỷ lệ trên đây, những người hiện đang đi làm sau này khi về hưu sẽ không thể dựa vào gia đình nhiều như những người hiện đã nghỉ hưu.

Để đảm bảo đời sống cho người cao tuổi, bà Ritsu Nacken gợi ý nhà nước cần tạo ra một hệ thống hưu trí toàn diện, có sự kết hợp giữa hưu trí nhà nước, tư nhân và xã hội để đảm bảo thu nhập tối thiểu cho tất cả mọi người.

Đọc thêm:

Chưa giàu đã già, lại nợ đầm đìa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới