Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

7-11: Giao dịch chứng chỉ quỹ mở VF1

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

7-11: Giao dịch chứng chỉ quỹ mở VF1

Thiên Bình

7-11: Giao dịch chứng chỉ quỹ mở VF1
Việc ra đời quỹ đầu tư dạng mở được hy vọng sẽ thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG Online) – Sau khi hủy niêm yết vào ngày 24-9 để chuyển hình thức quỹ từ đóng sang mở, chứng chỉ quỹ đầu tư của Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VF1) do Công ty quản lý quỹ Việt Nam (VFM) quản lý sẽ giao dịch lần đầu tiên vào ngày 7-11 tới. VF1 là quỹ đầu tư mở đầu tiên của VFM, có tài sản ròng gần 1.900 tỉ đồng tính đến ngày 9-10-2013.

>>Đầu tư thông qua quỹ mở có gì hấp dẫn?

>>Sắp giải thể, giá chứng chỉ quỹ PRUBF1 vẫn tăng cao

Quỹ mở là hình thức quỹ đầu tư mà nhà đầu tư có quyền mua hoặc bán chứng chỉ quỹ trực tiếp với công ty quản lý quỹ bất cứ khi nào, khác với quỹ đóng trước đây khi nhà đầu tư cần thu hồi vốn chỉ có thể bán lại cho nhà đầu tư khác thông qua sàn giao dịch. Quỹ mở sẽ không niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

Đối với quỹ VF1, trong thời gian đầu việc giao dịch chứng chỉ quỹ chỉ thực hiện hai lần/tháng vào ngày thứ Năm của tuần thứ 2 và tuần thứ tư trong tháng. Bản cáo bạch chuyển đổi sang quỹ mở của VF1 cũng cho biết rằng công ty quản lý quỹ có quyền chỉ đáp ứng một phần lệnh bán, lệnh chuyển đổi của nhà đầu tư khi tổng giá trị các lệnh bán trừ tổng giá trị các lệnh mua tại ngày giao dịch chứng chỉ quỹ lớn hơn 10% giá trị tài sản ròng của quỹ, hoặc việc thực hiện tất cả các lệnh của nhà đầu tư làm tổng giá trị tài sản ròng của quỹ xuống dưới 50 tỉ đồng. Riêng trong hai kỳ giao dịch đầu tiên của quỹ VF1, công ty quản lý quỹ sẽ đáp ứng lệnh bán của nhà đầu tư khi chênh lệch tổng giá trị các lệnh bán và tổng giá trị các lệnh mua lên đến 20% giá trị tài sản ròng của quỹ.

Giao dịch ở đây là nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ mở hoặc bán lại chứng chỉ quỹ cho công ty quản lý quỹ. Việc mua hay bán chứng chỉ quỹ đều bị áp phí. Với nhà đầu tư bán chứng chỉ quỹ để rút vốn, thời gian nắm giữ chứng chỉ quỹ càng lớn thì phí áp dụng sẽ càng thấp.

Cụ thể, theo quy định đối với quỹ mở VF1 thì phí mua lại sẽ là 2%/giá trị bán thực hiện được, nếu thời gian nắm giữ chứng chỉ quỹ trong vòng 12 tháng kể từ ngày mua, 1% nếu nắm giữ từ 12 đến 24 tháng, và 0,5% nếu nắm giữ trên 24 tháng.

Điều này theo giải thích của VFM là khuyến khích nhà đầu tư nắm giữ dài hạn, vì khi nhà đầu tư rút vốn thì công ty quản lý quỹ phải bán bớt tài sản đầu tư để có tiền trả lại cho nhà đầu tư. Do vậy, nếu việc đầu tư sau đó rút tiền diễn ra quá thường xuyên thì dòng tiền của quỹ sẽ liên tục thay đổi và ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư dài hạn của quỹ.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối tháng 4 năm tới, để hỗ trợ nhà đầu tư trong giai đoạn chuyển đổi hình thức hoạt động quỹ, phí áp dụng đối với nhà đầu tư bán chứng chỉ quỹ để rút vốn chỉ là 0,5% của giá trị bán. Nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ trong thời gian này không bị áp phí nhưng sau đó sẽ bị áp phí 1% trên giá trị mua.

Ông Phạm Khánh Lynh, Phó tổng giám đốc của VFM, cho biết với hình thức quỹ đầu tư chuyển từ đóng sang mở, công ty cũng như bản thân ông hy vọng sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân hơn vì thanh khoản của chứng chỉ quỹ sẽ tăng, và đây cũng là mục tiêu dài hạn của công ty.

“Mặc dù chênh lệch 10% tổng giá trị bán và mua được áp dụng cho mỗi lần giao dịch và giao dịch chỉ thực hiện hai lần/tháng, nhưng đây chỉ là bước đầu khi quỹ vừa chuyển đổi mô hình hoạt động, sau này chúng tôi sẽ cân nhắc lại”, ông Lynh nói. Hơn nữa, để đảm bảo mức thanh toán 10%, công ty phải giữ số tài sản này dưới dạng tiền mặt và lợi nhuận từ đây sẽ rất thấp, nếu mức này tăng lên thì nhà đầu tư cũng sẽ thiệt thòi, vị này nói.

Theo nguồn tin của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, dự thảo sửa đổi, bổ sung quyết định 55 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2009 về tỷ lệ tham gia thị trường chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài sẽ xem quỹ đầu tư dạng mở là nhà đầu tư trong nước và sẽ không bị khống chế tỷ lệ sở hữu trong các doanh nghiệp trong nước. Nếu nhà đầu tư nước ngoài mua chứng chỉ quỹ mở thì cũng sẽ không bị hạn chế về tỷ lệ sở hữu. Dự thảo đang được Chính phủ xem xét.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), cho biết nếu quyết định trên được phê duyệt sẽ phần nào tạo cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thêm vào thị trường chứng khoán.

Ông Lynh cũng cho biết điều này sẽ gián tiếp hỗ trợ cho quỹ đầu tư dạng mở, vì khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quỹ để đầu tư vào các cổ phiếu đã đụng trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì sẽ giúp giá các cổ phiếu đó tăng lên, và sẽ giúp tăng giá trị danh mục đầu tư của quỹ. Tuy nhiên, ông Lynh cũng khẳng định rằng chiến lược của VFM là thu hút nhà đầu tư cá nhân trong nước chứ không phải nước ngoài.

VFM quản lý 3 quỹ đầu tư có niêm yết, gồm VF1, VF4 và VFA. Trước đó, Quỹ đầu tư năng động (VFA) do công ty VFM quản lý cũng đã chuyển đổi hình thức từ quỹ đóng sang quỹ mở vào cuối tháng 4 năm nay. Quỹ đầu tư VF4 do VFM quản lý cũng đã được nhà đầu tư thông qua việc chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở vào đầu tháng 9.

Theo đó, ngày 26-11-2013 dự kiến là ngày giao dịch cuối cùng của chứng chỉ quỹ đóng VF4 trên Sở giao dịch chứng khoán TPHCM và ngày giao dịch đầu tiên của chứng chỉ quỹ mở VF4 dự kiến là 22-1-2014.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới