9 năm, tụt 39 bậc về bình đẳng giới
Thùy Dung
![]() |
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày báo cáo trước Quốc hội – Ảnh: chinhphu.vn |
(TBKTSG Online) – Dù đã đạt được nhiều thành tích về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới nhưng nguy cơ tụt hậu về bình đẳng giới của Việt Nam vẫn hiện hữu. Điều này được minh chứng qua việc từ năm 2007 đến năm 2015, Việt Nam đã tụt 39 bậc trong bảng xếp hạng về chỉ số khoảng cách giới.
Đây là thông tin trong Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới được nêu ra trong phiên họp Quốc hội sáng nay, 9-11.
Trình bày báo cáo, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho hay, vị trí về bình đẳng giới của Việt Nam trong bảng xếp hạng thế giới không ổn định và đang có xu hướng tụt giảm. Theo chỉ số khoảng cách giới GGI (Gender Gap Index), năm 2007 Việt Nam xếp thứ 42/128 quốc gia, đến năm 2015 tụt xuống thứ 83/145 quốc gia.
Như vậy, chỉ trong vòng 9 năm, Việt Nam đã tụt 39 bậc trong bảng xếp hạng.
Trong 2 năm tiếp theo, tỷ lệ tăng, giảm bậc xếp hạng không ổn định. Năm 2016, Việt Nam xếp thứ 65/144 nước tham gia xếp hạng (tăng 18 bậc so với năm 2015). Năm 2017, Việt Nam xếp thứ 69/144 nước tham gia xếp hạng (tụt 4 bậc trong bảng xếp hạng so với năm 2016).
Riêng trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, theo Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2016, tỷ lệ lao động nữ giữ ở mức ổn định 48,5% lực lượng lao động. Tuy nhiên, lao động nữ gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận cơ hội việc làm tốt, lựa chọn ngành nghề và vị trí việc làm so với lao động nam.
Đa số lao động nữ làm việc trong những ngành, nghề thâm dụng lao động, trình độ chuyên môn thấp, chất lượng việc làm thiếu bền vững hoặc làm việc trong khu vực phi chính thức, điều kiện vệ sinh, an toàn lao động không đảm bảo, không tham gia hay thụ hưởng các loại bảo hiểm. Một số doanh nghiệp không muốn nhận lao động nữ vì ngại thực hiện chế độ thai sản và các chính sách dành riêng cho lao động nữ.
Vì làm trong lĩnh vực thâm dụng lao động, khu vực phi chính thức và giản đơn nên nữ giới dễ bị ảnh hưởng hơn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Báo cáo của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy, ở khía cạnh giới, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đưa đến sự phổ biến nhiều mô hình việc làm linh hoạt, việc làm di động, giúp phụ nữ thuận lợi hơn trong cân đối việc làm với cuộc sống gia đình; sự gia tăng nhu cầu về lao động sáng tạo sẽ làm tăng cơ hội tham gia thị trường lao động của phụ nữ. Tuy nhiên, khá nhiều dự báo cho thấy, lao động nữ làm những công việc giản đơn, trong những nghề có tiền lương thấp sẽ chịu nhiều tác động bất lợi, dễ bị mất việc làm do sự thay thế công nghệ.
Có hay không việc sa thải phụ nữ ngoài 35?
Theo báo cáo của Ủy ban Các vấn đề xã hội, một số doanh nghiệp tìm cách chấm dứt hợp đồng lao động sau tuổi 35, trong đó, tỷ lệ nữ có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động, có đông nữ làm việc.
Số lượng lao động nữ hưởng bảo hiểm thất nghiệp và hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong hai năm 2016-2017 đều cao hơn so với lao động nam. Trong nhóm lao động nữ, số lao động có tuổi đời từ 35 tuổi trở xuống hưởng bảo hiểm thất nghiệp chiếm tỷ lệ 73,3% và hưởng bảo hiểm xã hội một lần là 70,4%.
Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra như là minh chứng cho tình trạng bất bình đẳng giới. Theo đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) tình trạng hạn chế sử dụng lao động nữ trên 35 tuổi đang là vấn đề nổi lên trong thị trường lao động.
Điều này, theo bà Hạnh có nhiều nguyên nhân từ phía doanh nghiệp, người lao động và quy định pháp luật chưa chặt chẽ. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là từ năng lực của lao động. Doanh nghiệp không muốn sử dụng lao động cao tuổi, lương cao mà năng suất lao động thấp. Đây là quy luật tất yếu trong thị trường lao động. Do đó, cần phải tăng cường đào tạo lao động nữ trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho hay, Luật Bảo hiểm xã hội quy định nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi nghỉ hưu nhưng thang bảng lương giống nhau, thời kỳ nâng lương cũng giống nhau nên tạo sự bất bình đẳng giới. Bên cạnh đó, nữ nghỉ hưu năm tới sẽ thấp hơn khoảng 10% so với nghỉ hưu năm nay và đây là mức giảm “sốc” hơn so với lao động nam trong cùng thời kỳ. Do đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị Chính phủ điều chỉnh quy định này.
Về sa thải lao động nữ trước 35 tuổi, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung cho hay, đây là vấn đề lớn, cần cẩn trọng trong đánh giá. Khu vực FDI không chỉ đóng góp một phần rất quan trọng vào phát triển kinh tế mà còn góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm và an sinh xã hội.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, qua khảo sát cho thấy con số 80% lao động nữ trên 35 tuổi bị buộc phải nghỉ việc ở một số doanh nghiệp FDI là không chính xác. Số liệu thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2017, có khoảng gần 524.000 lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trong đó nữ giới khoảng gần 294.000 người, chiếm khoảng 56%. Trong đó, TPHCM có số lượng lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất thì khu vực FDI cũng chỉ chiếm khoảng 12% tổng số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nếu đánh giá 80% doanh nghiệp FDI sa thải lao động thì cần cẩn trọng đánh giá cho đầy đủ.
Còn về cách tính lương hưu mới kể từ đầu năm 2018, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, bộ đã trình Chính phủ các phương án tính lương hưu mới của lao động nữ theo hướng vừa đảm bảo thực thi pháp luật, vừa đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng và quan tâm tới bình đẳng giới. Những phương án này sẽ thực hiện theo lộ trình không gây sốc cho xã hội.
Mời đọc thêm:
Oxfam: Bất bình đẳng kinh tế ngày càng tăng