"Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã khơi lên thương hiệu hàng Việt"
Huỳnh Kim thực hiện
(TBKTSG) - GS.TS. VÕ TÒNG XUÂN, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, cựu đại biểu Quốc hội, là người gắn bó với TBKTSG từ ngày đầu thành lập đến nay. Ông vừa trải lòng nhân kỷ niệm 30 năm TBKTSG. Ông nói:
- TBKTSG là tờ báo chuyên về kinh tế của Việt Nam. Các vị lãnh đạo Thành ủy và UBND TPHCM lúc bấy giờ, trong đó có anh Năm Nghị (ông Phạm Chánh Trực, Phó chủ tịch UBND TPHCM) đã rất mạnh dạn trong việc tạo điều kiện và tập hợp các chuyên gia trong các ngành kinh tế của miền Nam để góp phần xây dựng tờ báo kinh tế đầu tiên này của đất nước sau năm 1975.
Theo GS.TS. Võ Tòng Xuân, sắp tới các tờ báo cũng nên kêu gọi độc giả đóng góp, mua thông thông tin để đọc trên Internet như bỏ tiền mua báo giấy. |
TBKTSG: Và lúc đó, không phải mọi chuyện đều dễ dàng?
- GS.TS. VÕ TÒNG XUÂN: Trong thời gian đầu, có thể nói gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vì có những vấn đề rất mới đối với Đảng và Nhà nước. Ngay cả vấn đề khoán sản phẩm, cũng rất mới nhưng đã được lãnh đạo thành phố đồng tình với sự đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế. Rồi những ý kiến mới về kỹ thuật canh tác, những vấn đề mới về phát triển nông nghiệp như tìm thị trường, tạo ra những chuỗi “liên kết bốn nhà”... Lúc đó TBKTSG luôn đi đầu trong việc phản ảnh những vấn đề mới này.
GS.TS. Võ Tòng Xuân. |
TBKTSG: Không chỉ viết bài, ông còn tham gia phụ trách một câu lạc bộ của nhóm báo. Ông đánh giá việc này ra sao?
- Lúc đó TBKTSG cũng thành lập những câu lạc bộ chuyên môn để hỗ trợ cho công tác truyền thông của tờ báo. Thí dụ như Câu lạc bộ Xây dựng Thương hiệu nông thủy sản Việt Nam, do tôi làm chủ nhiệm. Lúc đó chính TBKTSG đã khơi lên khái niệm thương hiệu của hàng Việt Nam. Và chính câu lạc bộ này là mô hình góp phần giúp nhiều cơ sở tư nhân khác đứng ra thành lập thương hiệu.
TBKTSG: Dạo đó, việc mời các chuyên gia ở ngoài nước cộng tác cũng vất vả lắm.
- Tôi thấy TBKTSG là nơi thu hút được nhiều chuyên gia người Việt ở nước ngoài tham gia cộng tác, làm cho nội dung kinh tế của tờ báo phong phú hơn. Nhiều chuyên gia như anh Trần Văn Thọ ở Nhật, anh Vũ Quang Việt ở Mỹ... đã rất nhiệt tình, thẳng thắn khi viết cho TBKTSG. Những ý kiến đó đã được TBKTSG phản ánh trung thực và cũng nhờ đó, tôi nghĩ TBKTSG đã đóng góp nhiều vào sự đổi mới trong các chính sách về kinh tế và nhiều mặt khác của đời sống xã hội.
TBKTSG: Theo ông, thời buổi kinh tế số hiện nay, TBKTSG đang đối mặt với những thách thức nào?
- Trong thời đại kinh tế số, phải nói rằng không có gì có thể cản được Internet. Người đọc được truy cập, được xem tin tức miễn phí mà lại nhanh hơn.
Nhưng muốn tờ báo tồn tại thì phải có nguồn thu nhập.
Tôi thấy ở nước ngoài, những tờ báo nổi tiếng như New York Times cũng kêu gọi độc giả đóng góp. Anh muốn xem nguyên trang thì anh phải có password riêng để mở xem, tức là anh phải mua thông tin.
Tới đây, tôi nghĩ mình phải kêu gọi độc giả, nếu thích tờ báo này, chọn tờ báo này thì nên có nhiệm vụ đóng góp, mua thông tin để đọc trên Internet, cũng như phải bỏ tiền ra mua tờ báo giấy vậy. Có vậy mới giúp cho tờ báo sống được và ngày càng khởi sắc lên.
TBKTSG: Về thông tin kinh tế, theo ông bây giờ nên theo xu hướng nào?
- Chúng ta phải mạnh dạn đi theo xu hướng của thế giới. Hiện nay, ngoài vấn đề lớn là đại dịch Covid-19 còn đang hoành hành thì phải thấy rõ vấn đề dân số đang tăng lên, nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp sẽ tăng lên. Lương thực, thực phẩm... tất cả phải được nuôi trồng, xử lý hiệu quả hơn. Thời gian vừa qua, rất nhiều nơi chưa thực hiện hiệu quả việc này nên đã làm cho đất đai bị xói mòn, thoái hóa, núi lở, lũ lụt nhiều hơn; rồi ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, ô nhiễm không khí. Thậm chí những nơi sản xuất ra nhiều, người ta còn hoang phí nguồn thực phẩm, lương thực khá nhiều.
Thành ra hướng tới, phải sản xuất ra nhiều hơn nhưng phải bền vững hơn. Bền vững đây tức là thực phẩm phải ngon, phải sạch mà không gây tác hại đến môi trường đất, nước, không khí.
TBKTSG: Cụ thể hơn, nên làm kinh tế ra sao?
- Thì chỉ có những cách làm mới nhất theo công nghệ 4.0. Thậm chí bên Nhật Bản họ còn có cách mạng kinh tế 5.0. Trong đó phải kích cầu nền kinh tế, kích cầu người tiêu dùng để họ có điều kiện và cơ hội tiêu dùng nhiều hơn thì sản phẩm mới bán được. Và doanh nghiệp mới có doanh thu để đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Mà muốn người ta tiêu dùng nhiều thì phải làm sao cho có công ăn việc làm nhiều hơn bằng những mô hình làm ăn mới, không bảo thủ. Vì thực tế là nước ta còn nhiều người bảo thủ. Thí dụ trong nông nghiệp, có nhiều nông dân bảo thủ; thì phải đánh mạnh vào chỗ này để có được một tầng lớp nông dân mới có thể bắt kịp được tiến bộ khoa học, làm ra sản phẩm được người tiêu dùng tiêu thụ.
Ở Hà Lan, nơi chỉ có 2,9% dân số là nông dân nhưng họ đã đem lại sản lượng và giá trị nông nghiệp đứng hàng thứ hai trên thế giới sau Mỹ, nhờ xuất khẩu hoa, thịt, sữa. Chúng ta giờ cũng phải biết nghĩ như Hà Lan. Hà Lan đã nghĩ tới chuyện làm cho đất phèn, nước phèn là những cái bệ phóng để trồng hoa xuất khẩu, tạo ra hằng triệu công ăn việc làm. Hay như Nhật Bản, họ đánh mạnh vào công nghiệp; phải làm ra ti vi, máy cày, ô tô thật tốt để bán ra khắp thế giới.
Điều đó có nghĩa là Hà Lan, Nhật Bản biết khai thác thế mạnh của riêng mình để giúp người dân giàu có lên và nuôi được cả xã hội.
Việt Nam, tôi nghĩ mình phải đánh mạnh về thủy sản vì thủy sản là thế mạnh số 1, chứ không phải cây lúa.
TBKTSG: Như vậy, theo ông, cần có cái nhìn mới hơn về truyền thông của báo chí theo xu hướng này?
- Phải có những cái nhìn chính xác, trung thực, mặc dầu đó có thể là những thông tin mới quá nhưng phải thấy đây là hướng phải tham khảo, áp dụng. Chúng ta phải tham khảo các thông tin này. Vì đây là những nguồn có thể đưa ra những thông tin mới nhất làm cho nhiều chính sách ngày càng đổi mới thêm.