(KTSG Online) - Hôm nay (19-10), Sở Công Thương TPHCM đã có văn bản gửi UBND thành phố xin ý kiến và đề xuất về việc cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ, không chỉ là bán mang đi như hiện tại.
Theo đó, nhà hàng chỉ được phục vụ 50% công suất. Khách ăn uống phải tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19.
- Mất hơn 1/5 số doanh nghiệp lữ hành quốc tế, thí điểm mở cửa thị trường
- Bàn việc nối tour TPHCM với Nam Trung bộ, ĐBSCL từ tháng 11
Theo văn bản về việc tổ chức hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống của Sở Công Thương TPHCM, sau 15 ngày thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, các cơ sở kinh doanh ăn uống đã hoạt động trở lại nhưng tỷ lệ mở cửa còn chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.
Để từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế, đáp ứng nhu cầu của người dân và từng bước khôi phục các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, Sở Công Thương đề nghị UBND TPHCM cho phép các cơ sở này được phục vụ tại chỗ cũng như bán mang đi, trừ các loại hình kinh doanh bán bia, rượu.
Điều kiện để hoạt động là đáp ứng các yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch của cơ quan quản lý y tế và theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa hàng ăn uống, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TPHCM.
Trong đó, khách hàng sử dụng dịch vụ ăn uống tại chỗ phải tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19. Thời gian hoạt động phải kết thúc trước 21 giờ hàng ngày. Công suất hoạt động là tối đa 50% năng lực phục vụ.
Mật độ phục vụ tại chỗ phải đảm bảo không quá 2 người/bàn, khoảng cách các bàn ăn tối thiểu 2m.
Vào hôm qua (18-10), Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cũng đã có văn bản kiến nghị về việc cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được mở cửa bình thường trở lại.
Trong văn bản này, hiệp hội dẫn số liệu từ Sở Công Thương TPHCM, cho thấy thành phố có khoảng 7.500 doanh nghiệp và hàng chục ngàn hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống.
Do nhiều tháng phải tạm dừng hoạt động hoặc chỉ được bán mang về nên doanh thu sụt giảm trầm trọng, hàng loạt doanh nghiệp trong ngành này phải đóng cửa, trả mặt bằng hoặc thu hẹp kinh doanh.
Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam nhận định, ẩm thực nằm trong nhóm ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là phân khúc nhà hàng.
Vì thế, hiệp hội đề nghị thành phố cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn TPHCM được mở cửa hoạt động bình thường trở lại trong giai đoạn "bình thường mới".