Chủ Nhật, 15/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chủ tịch TPHCM: Việc đẩy mạnh liên kết với các vùng ĐBSCL là cấp thiết

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - TPHCM là nơi tiếp nhận sản phẩm nguyên liệu từ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đồng thời cũng là nơi đưa sản phẩm chế biến về vùng này. Đây là quan hệ hai chiều để khôi phục kinh tế, phát triển sản xuất sau dịch mà cần thiết phải đẩy mạnh liên kết để cùng phát triển.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, với việc thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu, Diễn đàn Mekong Connect 2021 diễn ra ở TPHCM vào ngày 17-12 tập hợp được nhiều tiếng nói và sáng kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước. Đây sẽ là những khuyến nghị giúp TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL trong hợp tác liên kết để thúc đẩy kinh tế vùng phát triển.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu tại Mekong Connect 2021, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL vừa trải qua những giai đoạn khó khăn nhất, chống chọi với dịch bệnh Covid-19. Nhiều tổn thương, hy sinh, mất mát và cả những ảnh hưởng nặng nề trên các mặt kinh tế – xã hội. "Đến nay, khi dịch bệnh được cơ bản kiểm soát, chúng ta vẫn cùng làm một công việc quan trọng – vừa cố gắng duy trì kiểm soát dịch, vừa lo phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội bền vững", ông Mãi nói.

Lãnh đạo TPHCM và các tỉnh thành ĐBSCL có mặt tại Diễn đàn Mekong Connect 2021 để cùng trao đổi tìm giải pháp phục hồi kinh tế cho năm 2022 và liên kết phát triển trong điều kiện bình thường mới.

Theo ông Mãi, trong quá trình phát triển kinh tế, TPHCM luôn đánh giá cao mối liên kết với các tỉnh, thành ĐBSCL. Với "địa kinh tế" của khu vực Mekong, dồi dào nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo, có lợi thế phát triển kinh tế biển, có hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh, còn TPHCM là trung tâm thương mại lớn của cả vùng với 80% nguồn cung cho thị trường đến từ ĐBSCL.

"Chúng ta đã có mối liên kết phát triển về hạ tầng giao thông, về nguồn nhân lực, về chuỗi sản xuất kinh doanh, về kinh tế biển, về kết nối năng lượng-du lịch-hàng không, về hệ sinh thái khởi nghiệp, và liên kết công nghiệp hỗ trợ, về bình ổn và phát triển thị trường,...", ông nhấn mạnh.

Các địa phương ĐBSCL giới thiệu, quảng bá sản phẩm ở bên lề diễn đàn. Ảnh: Hùng Lê

Đúc kết từ thực tế khách quan và nhu cầu của mỗi địa phương, ông Mãi cho rằng liên kết cùng phát triển giữa TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL là nhu cầu cấp thiết. Vì vậy khi thiết kế nội dung của Mekong Connect năm nay, TPHCM chọn chủ đề chính là phục hồi kinh tế và liên kết phát triển cùng với 2 chuyên đề nữa là chăm lo cho nguồn nhân lực và cùng xây dựng hệ thống y tế cơ sở trong phòng, chống dịch là 4 trụ cột chính của các phiên thảo luận tại diễn đàn chung; với kỳ vọng diễn đàn lần này không chỉ tạo được động lực lớn, mang lại hiệu quả phục hồi phát triển kinh tế xã hội của cả vùng nói chung, từng địa phương nói riêng; mà còn mở ra một bước phát triển mới, mở rộng hơn trong liên kết giữa TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL.

Tại diễn đàn lần này, ông Mãi đề nghị các địa phương cùng rà soát lại những vấn đề quan tâm đến lợi ích và tác động đến mối liên kết phát triển giữa các địa phương để cùng kiến nghị trung ương có chính sách phù hợp, đảm bảo sát với thực tiễn triển khai.

Đồng thời, TPHCM và các địa phương cùng đánh giá lại các hoạt động liên kết trong thời gian qua; cùng tháo gỡ những nút thắt trong các điểm yếu về thể chế, chính sách trong liên kết vùng để từ đó cùng xác định tầm nhìn chung cho phát triển kinh tế vùng cũng như chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong giai đoạn phục hồi phát triển kinh tế.

Sau kết quả của các phiên thảo luận và tổng kết diễn đàn, TPHCM và vùng ĐBSCL sẽ cùng đưa ra những cam kết, tuyên bố chung bằng những sản phẩm, hoạt động cụ thể để cùng thống nhất hành động.

Diễn đàn MeKong Connect 2021 với chủ đề “Phục hồi kinh tế và liên kết phát triển trong bình thường mới” diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM với sự hiện diện của lãnh đạo nhiều bộ ngành, lãnh đạo và các sở, ngành TPHCM và 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.Diễn đàn cũng thu hút sự quan tâm và tham dự của hơn 200 chuyên gia, diễn giả, nhà khoa học và doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia tại sự kiện. Đồng chủ trì Diễn đàn năm nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND TPHCM, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN). Phối hợp thực hiện là Sở Công Thương TPHCM, Hội Doanh nghiệp HVNCLC, VCCI Cần Thơ. Đồng hành là các tỉnh An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp với mong muốn đẩy mạnh liên kết với các tỉnh miền Tây được đặt ra sau khi TPHCM chứng kiến sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trong khu vực thời gian qua. Ngoài vai trò trò kết nối, hợp tác giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, diễn đàn năm nay còn là cơ hội để các tổ chức, cá nhân học hỏi, tìm ra giải pháp để thúc đẩy liên kết, hội nhập. Tại diễn đàn, Hội Doanh nghiệp HVNCLC ký kết thỏa thuận với Bộ KHCN: Thỏa thuận chương trình hợp tác hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) ký kết với 4 tỉnh ABCD Mekong biên bản ghi nhớ về phối hợp về xúc tiến thương mại “Kết nối thị trường và triển lãm các sản phẩm đặc trưng của An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp.”.Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) ký với Trường Cán bộ QLNN và PTNN 2 (CMARD2) về “Hỗ trợ đào tạo và xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế; Hỗ trợ các doanh nghiệp và đơn vị được công nhận OCOP về năng lực thị trường”. Hội DNHVNCLC cũng trao 10 giấy chứng nhận “HVNCLC – Chuẩn hội nhập” cho doanh nghiệp và HTX tại sự kiện này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới