Chủ Nhật, 1/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Mở cửa thị trường thẩm định giá: còn nhiều bất cập

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mở cửa thị trường thẩm định giá: còn nhiều bất cập

Quang Minh

Minh họa: Khều.

(TBKTSG) - Ngoài các quy định nhằm kiểm soát giá, quản lý giá của Nhà nước như đã đề cập trong bài “Một bước lùi” đăng trên TBKTSG số 20-2011 ra ngày 12-5-2011, dự thảo Luật Giá đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến còn có nội dung quan trọng về thẩm định giá.

Theo dự thảo, thẩm định giá là lĩnh vực rất rộng, không chỉ thẩm định các tài sản như: bất động sản, động sản, giá trị doanh nghiệp, tài nguyên, khoáng sản (kể cả quyền khai thác tài nguyên, khoáng sản), kết cấu hạ tầng, quyền sở hữu trí tuệ, tài sản tài chính (các giấy tờ có giá), tài sản, hàng hóa, dịch vụ trên thị trường mà còn thẩm định cả tài sản của Nhà nước và tài sản vô hình khác.

Trong khi đó, cả nước mới có 61 doanh nghiệp thẩm định giá và 15 chi nhánh với 265 thẩm định viên đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp được Bộ Tài chính cho phép hoạt động theo cơ sở pháp lý hiện nay (chỉ có Nghị định 101/2005). Do đó, việc tạo điều kiện cho hoạt động thẩm định giá phát triển là rất cần thiết, song việc tạo điều kiện phát triển phải đi đôi với khả năng quản lý và bảo đảm môi trường công bằng cho lĩnh vực này phát triển.

Chưa công bằng và còn sơ sài

Nhu cầu giao dịch về tài sản ngày càng nhiều, như việc mua bán, thế chấp, góp vốn, liên doanh, cổ phần hóa doanh nghiệp, mua sắm tài sản có nguồn gốc ngân sách nhà nước... Các giao dịch tài sản cũng ngày càng phức tạp vì phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của các chủ tài sản, của các nhà đầu tư trong các quan hệ kinh tế, dân sự. Trong khi khả năng của các doanh nghiệp thẩm định giá và các thẩm định viên của Việt Nam còn hạn chế thì dự thảo Luật Giá đang “mở cửa” cho thị trường này với sự tham gia của các tổ chức thẩm định giá thuộc các thành phần kinh tế, kể cả tổ chức thẩm định giá của Nhà nước.

Với sự mở cửa này, doanh nghiệp thẩm định giá được hoạt động dưới tất cả các hình thức theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Dự thảo Luật Giá quy định đối với công ty hợp danh thì tất cả các thành viên hợp danh phải là thẩm định viên về giá, trong đó giám đốc công ty đã có thời gian hành nghề trên ba năm; công ty tư nhân thì chủ doanh nghiệp cũng phải là thẩm định viên về giá có thời gian hành nghề trên ba năm; trong khi doanh nghiệp thẩm định giá hoạt động theo hình thức công ty cổ phần lại chỉ cần có người đại diện theo pháp luật là thẩm định viên về giá có thời gian hành nghề trên ba năm.

Quy định này không bảo đảm chặt chẽ và công bằng vì thẩm định giá là một nghề khó, đòi hỏi tính chuyên sâu và đạo đức nghề nghiệp cao. Kết quả thẩm định giá là một căn cứ quan trọng để các chủ sở hữu tài sản hoặc cơ quan nhà nước quyết định hoặc phê duyệt giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, cần yêu cầu chủ doanh nghiệp thẩm định giá phải có chuyên môn về lĩnh vực này và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định giá, tương tự như yêu cầu đối với doanh nghiệp kiểm toán quy định trong Luật Kiểm toán độc lập mới được Quốc hội thông qua. Nếu cho phép công ty cổ phần cũng được hoạt động thẩm định giá với điều kiện có người đại diện theo pháp luật có thẻ thẩm định viên về giá và thời gian hành nghề trên ba năm thì sẽ không có doanh nghiệp nào muốn hoạt động theo hình thức công ty hợp danh hoặc công ty tư nhân nữa.

Không chỉ mở cửa cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam, dự thảo luật còn cho phép các tổ chức thẩm định giá nước ngoài được hoạt động tại Việt Nam. Quy định này là rất cần thiết để các doanh nghiệp thẩm định giá của Việt Nam có điều kiện học hỏi kinh nghiệm nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời đáp ứng yêu cầu có dịch vụ thẩm định giá chất lượng cao. Thế nhưng luật lại không có một quy định cụ thể nào về hình thức, phạm vi cũng như điều kiện hoạt động của các tổ chức thẩm định giá nước ngoài tại Việt Nam. Với cách soạn thảo luật sơ sài như vậy thì khó có thể có được chính sách và khung pháp lý đầy đủ để phát triển thị trường dịch vụ thẩm định giá theo cơ chế thị trường.

Thẩm định giá là một dịch vụ đòi hỏi chất lượng cao, chủ yếu dựa vào năng lực và đạo đức nghề nghiệp của các thẩm định viên. Song, các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn hành nghề của thẩm định viên về giá cũng chưa chặt chẽ, thậm chí có thể được đặc cách không cần phải qua kỳ thi cấp thẻ thẩm định viên. Nghề thẩm định giá mới phát triển ở Việt Nam trong thời gian gần đây, chất lượng dịch vụ còn hạn chế, kết quả thẩm định giá chưa bảo đảm hoàn toàn tính độc lập, khách quan, trung thực. Trong khi đó, Việt Nam lại chưa ban hành đầy đủ các chuẩn mực trong lĩnh vực thẩm định giá phù hợp với các chuẩn mực quốc tế nên việc sử dụng kết quả thẩm định giá còn nhiều hạn chế, rủi ro.

Luật cũng không quy định rõ số người cần phải có thẻ thẩm định viên về giá trong doanh nghiệp (trong khi Luật Kiểm toán độc lập quy định rõ doanh nghiệp kiểm toán phải có 5 kiểm toán viên hành nghề), như vậy quy định mở của luật cũng có nghĩa là muốn thành lập doanh nghiệp thẩm định giá thì phải chờ hướng dẫn cụ thể của các cơ quan quản lý.

Chưa bảo đảm tính khách quan, độc lập

Dự thảo luật còn cho phép thành lập cả tổ chức thẩm định giá của Nhà nước cũng được tham gia cung cấp dịch vụ này theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước. Trong dự thảo Tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính cho rằng cần phải có tổ chức thẩm định giá của Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ thẩm định giá tài sản được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, các tài sản của Nhà nước cho thuê, đi thuê, chuyển nhượng, bán thanh lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Quy định này lại là một bước lùi so với quy định hiện hành (Nghị định 101/2005), theo đó các trung tâm thẩm định giá trực thuộc Bộ Tài chính, sở tài chính đã được chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp theo xu hướng xã hội hóa.

Hơn nữa, câu hỏi đặt ra là: liệu các tổ chức thẩm định giá của Nhà nước lại thẩm định tài sản của Nhà nước có khách quan, trung thực? Kết quả thẩm định giá tài sản của Nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hóa có vốn nhà nước và trong việc sử dụng tài sản của Nhà nước đang là một dấu hỏi lớn vì thiếu cơ chế kiểm soát hiệu quả, khả năng thất thoát ngân sách nhà nước là rất lớn. Đến nay chưa có tổ chức nào thẩm định, đánh giá lại tính trung thực, chính xác kết quả thẩm định tài sản nhà nước, song điều cần thiết là phải có cơ chế kiểm soát độc lập thì mới có thể đưa ra những kết quả độc lập, chính xác.

Các quy định của dự luật chưa thể hiện sự tách bạch về chức năng quản lý, kiểm soát giá với chức năng cung cấp dịch vụ thẩm định giá, thậm chí còn cho phép cả cán bộ, công chức của các cơ quan tài chính ở trung ương và địa phương cũng được tham gia thẩm định giá.

Với yêu cầu là phải đưa ra các kết quả bảo đảm tính khách quan, trung thực và độc lập, thì việc thực hiện thẩm định giá phải do các tổ chức độc lập thực hiện. Các cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên tham gia vào việc thẩm định lại kết quả thẩm định giá nếu thấy có vấn đề ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Việc thẩm định lại này chỉ trong một số trường hợp cần thiết nên khi nào cần thẩm định thì thành lập hội đồng thẩm định gồm các thành phần liên quan chứ không nhất thiết phải lập ra một tổ chức thẩm định giá của Nhà nước, thêm các thủ tục phiền hà, tốn kém cho ngân sách nhà nước.

Xây dựng một đạo luật cần đạt mục tiêu phát triển thị trường và đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, dự thảo Luật Giá vẫn còn nhiều quy định chung chung, chưa rõ ràng, quan điểm soạn thảo còn chưa thoát ra khỏi tư duy cũ, chưa đủ cơ sở pháp lý để phát triển thị trường này như mong đợi của doanh nghiệp và xã hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới