Thứ hai, 2/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

ADC (Úc) đề xuất chấm dứt điều tra chống bán phá giá với ống đồng Việt Nam

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hồi đầu tháng 9, ADC (Ủy ban chống bán phá giá Úc) đã ban hành bản dữ kiện trọng yếu và đề xuất chấm dứt cuộc điều tra chống bán phá giá với mặt hàng ống đồng của Việt Nam. 

ADC đề xuất chấm dứt điều tra chống bán phá giá với mặt hàng ống đồng của Việt Nam. Ảnh: website Cục Phòng vệ thương mại

Theo trang web Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trước đó, ngày 22-3-2021, Ủy ban chống bán phá giá Úc (ADC) đã khởi xướng vụ việc sau khi xem xét hồ sơ của Công ty MM Kembla, nhà sản xuất ống đồng duy nhất tại Úc (nguyên đơn).

Ngày 29-10-2021, ADC đã ban hành bản dữ kiện trọng yếu (SEF 580); trong đó kết luận là các nhà xuất khẩu Việt Nam không bán phá giá do có biên độ bán phá giá không đáng kể và đề nghị chấm dứt điều tra đối với Việt Nam.

Ngày 4-3-2022, ADC đã chấm dứt toàn bộ việc điều tra. Tuy nhiên, ngày 7-7-2022, Hội đồng rà soát chống bán bán phá giá Úc (ADRP) đã thu hồi quyết định chấm dứt điều tra này.

Một số lý do được đưa ra như kết luận của ADC không đảm bảo so sánh đúng hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa tương tự bán tại Úc và không cân nhắc tới các tiêu chuẩn quốc tế; những khác biệt vật lý về độ dày và đường kính ngoài để đưa ra điều chỉnh thích hợp nhằm so sánh giá xuất khẩu và giá trị thông thường; các giao dịch giữa công ty bị đơn của Việt Nam (doanh nghiệp duy nhất trả lời bản câu hỏi điều tra) và nhà nhập khẩu liên kết tại Úc, Hailiang Úc không phải là giao dịch độc lập.

Sau khi thu thập thêm thông tin, trên cơ sở xem xét những lý do ADRP đưa ra, ngày 1-9-2023, ADC đã ban hành bản dữ kiện trọng yếu và kiến nghị chấm dứt điều tra bởi công ty bị đơn hợp tác duy nhất của Việt Nam (cũng là doanh nghiệp xuất khẩu ống đồng lớn nhất của Việt Nam sang Úc) không có hành vi bán phá giá với ống đồng Việt Nam xuất khẩu sang Úc. Thêm vào đó, các nhà xuất khẩu khác của Việt Nam có biên độ bán phá giá khoảng 1,3% (dưới 2%) nên ADC không xem xét vấn đề thiệt hại.

Các bên liên quan có thể gửi phản hồi đối với bản dữ kiện trong vòng 20 ngày kể từ ngày ban hành, chậm nhất ngày 21-9-2023.

Một thông tin liên quan khác, theo TTXVN, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Uỷ ban Tự vệ Indonesia (KPPI) vừa gia hạn áp dụng thuế tự vệ đối với thiết bị làm bay hơi hoặc ngưng tụ nhập khẩu vào Indonesia kể từ ngày 5-9-2023. Tuy nhiên, Việt Nam được loại trừ do nằm trong danh sách các quốc gia đang phát triển có lượng nhập khẩu không đáng kể vào Indonesia.

Thiết bị làm bay hơi hoặc ngưng tụ có mã HS 8418.99.10. Đây là một bộ phận của tủ lạnh, tủ đông hoặc các thiết bị làm lạnh, làm đông. Về mức thuế và thời gian áp dụng, năm thứ nhất từ (5-9-2023 đến 4-9-2024) mức thuế tự vệ là 12,5%; năm thứ 2 (5-9-2024 đến 4-9-2025) là 11% và năm thứ 3 (5-9-2025 đến 4-9-2026) là 9,5%.

Ngoài ra, Ủy ban Tự vệ Indonesia cũng đã ban hành thông báo gia hạn áp dụng thuế tự vệ đối với một số sản phẩm giấy cuốn nhập khẩu vào Indonesia kể từ ngày 30-11-2023. Sản phẩm bị áp dụng thuế tự vệ là giấy cuốn thuốc lá, đã hoặc chưa cắt theo cỡ hoặc ở dạng tập nhỏ hoặc cuốn sẵn thành ống có mã HS 4813.20.21, 4813.20.23, 4813.20.31, 4813.20.32, 4813.90.11, 4813.90.19, 4813.90.91 và 4813.90.99.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới