(KTSG Online) - Kinh tế tăng trưởng yếu, sức mua của người tiêu dùng giảm sút, khiến giá trị của 100 thương hiệu hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm một số thương hiệu có tuổi đời hàng trăm năm, sụt giảm.
- Nhà sản xuất rượu Mao Đài có vốn hóa lớn nhất Trung Quốc
- Người tiêu dùng Trung Quốc hết ‘sính’ thương hiệu xe ngoại
Nghiên cứu mới nhất của công ty nghiên cứu Hurun Report, cho thấy, giá trị của 100 thương hiệu hàng đầu Trung Quốc, trải dài từ rượu đến ngân hàng thương mại, giảm 4,5% vào năm 2023, do tâm lý người tiêu dùng yếu và triển vọng kinh tế ảm đạm.
Theo Hurun Report, công ty nổi tiếng với bảng xếp hạng người giàu nhất Trung Quốc hàng năm, tài sản vô hình của 100 thương hiệu bản địa thành công nhất Trung Quốc với ít nhất 60 năm lịch sử, được định giá tổng cộng 9,43 nghìn tỉ nhân dân tệ (1,32 nghìn tỉ đô la Mỹ) vào năm 2023, giảm so với mức định giá 9,87 nghìn tỉ nhân dân tệ vào năm ngoái.
Giá trị thương hiệu được tính toán bằng cách xác đinh mức giá cao hơn của các sản phẩm thuộc thương hiệu đó khi so sánh với một sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự nhưng không có thương hiệu.
Các thương hiệu hàng đầu trong danh sách bao gồm nhà sản xuất rượu Mao Đài, Kwei-chow Moutai, nhà sản xuất thuốc đông y Tong Ren Tang (Đồng Nhân Đường), nhà điều hành chuỗi nhà hàng vịt quay China Quanjude, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc. Thương hiệu Kwei-chow Moutai có giá trị nhất Trung Quốc, được định giá hơn 1.000 tỉ nhân dân tệ (141 tỉ đô la Mỹ)
Eric Han, giám đốc cấp cao của Suolei, một công ty tư vấn ở Thượng Hải, giải thích, sự sụt giảm này là do áp lực giảm phát đối với nền kinh tế Trung Quốc khi nhu cầu nội địa trì trệ, tiếp tục gây khó khăn cho thị trường tiêu dùng.
Theo một báo cáo nghiên cứu chung của hãng tư vấn toàn cầu Bain & Co và hãng nghiên cứu nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, công bố hồi đầu tháng này, trong quí 3, tổng chi tiêu cho hàng tiêu dùng nhanh, những mặt hàng như thực phẩm, đồ uống hoặc quần áo, ở Trung Quốc giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo chỉ ra rằng người tiêu dùng, do lo ngại về triển vọng việc làm trong bối cảnh kinh tế ảm đạm, tiếp tục tích cực săn lùng những sản phẩm giá rẻ hoặc giảm giá khi mua các hàng tiêu dùng như sản phẩm chăm sóc cá nhân.
“Các thương hiệu lâu đời cũng trở thành nạn nhân của nền kinh tế đang chậm lại, nhưng lịch sử vĩ đại có thể giúp họ vượt qua sóng gió kinh tế”, Han nhận định
“Họ (các thương hiệu giá trị nhất Trung Quốc) đã mang lại rất nhiều cảm hứng cho các thương hiệu mới nổi. Điều quan trọng là các thương hiệu phải học cách lưu giữ truyền thống lâu đời và tránh bị thị trường đào thải”, Rupert Hoogewerf, chủ tịch kiêm trưởng nhóm nghiên cứu của Hurun Report, bình luận.
Ông cho biết thêm, sức sống bền bỉ, giá trị của tài sản phi vật thể và di sản văn hóa là những yếu tố then chốt tạo nên sự thành công của thương hiệu.
Yiyuanqing, một thương hiệu giấm có nguồn gốc từ Thái Nguyên, thủ phủ cua tỉnh Sơn Tây, miền trung Trung Quốc, có lịch sử lâu đời nhất trong danh sách 100 thương hiệu giá trị nhất, tới 646 năm.
Một số thương hiệu, chẳng hạn như các ngân hàng lớn, đã giúp định hình nền kinh tế quốc gia của Trung Quốc trong thế kỷ qua, đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ngày nay.
Trong những năm gần đây, xu hướng guochao, hiểu nôm na là “mốt Trung Quốc”, một thuật ngữ ám chỉ sự ủng hộ ngày càng tăng của người tiêu dùng với thời trang nội địa, đã mang lại lợi ích cho hàng trăm công ty Trung Quốc khi 400 triệu người tiêu dùng có thu nhập trung bình của đất nước chi mạnh tay cho các sản phẩm đồ uống và mỹ phẩm thuộc các thương hiệu bản địa
Vào tháng 6-2019, khi chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang, trà sữa của thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng White Rabbit ở Thượng Hải được bán với mức giá cao hơn lên tới khoảng 2.000% so với mức giá bình thường khi người tiêu dùng muốn thể hiện lòng tự hào dân tộc. Một số người tiêu dùng sẵn sàng trả tới 500 nhân dân tệ cho một ly trà sữa của thương hiệu này, thường được bán với giá 19-23 nhân dân tệ khi họ phải xếp hàng hơn hai giờ để mua.
Bánh kẹo hương sữa của White Rabbit trở nên nổi tiếng toàn cầu vào năm 1972, khi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tặng một số bánh kẹo này cho Tổng thống Mỹ Richard Nixon.
Theo SCMP