Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ả Rập Saudi và Nga thương lượng cắt giảm sản lượng dầu thêm 1-3 tháng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ả Rập Saudi và Nga thương lượng cắt giảm sản lượng dầu thêm 1-3 tháng

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả Rập Saudi dẫn đầu và các đồng minh ngoài OPEC do Nga đứng đầu (OPEC+) đang tiến gần đến một thỏa hiệp, cho phép cắt giảm sản lượng gần 10 triệu thùng/ngày hiện nay thêm từ một đến ba tháng.

OPEC và Mỹ bất ngờ thảo luận hợp tác giảm sản lượng dầu

Saudi Arabia phát động cuộc chiến giá dầu bằng chiến lược 'gây sốc và kinh hoàng'

Ả Rập Saudi và Nga thương lượng cắt giảm sản lượng dầu thêm 1-3 tháng
Trong cuộc điện đàm hồi tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thái tử Mohammed Bin Salman (trái), Phó Thủ tướng Ả Rập Saudi, nhất trí phối hợp chặt chẽ để thực thi thỏa thuận giảm sản lượng dầu của OPEC+. Ảnh: Getty

Vào tháng 4, để ứng phó với cú sụp đổ nhu cầu dầu do tác động của đại dịch Covid-19, nhóm OPEC+ đồng ý cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 5 và tháng 6. Con số này tương đương 10% nguồn cung dầu toàn cầu mỗi ngày. Tiếp đó, từ tháng 7 đến cuối năm nay, OPEC+ sẽ thu hẹp mức giảm sản lượng về 7,7 triệu thùng/ngày và con số này sẽ còn 6 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 1-2021 đến tháng 4-2022.

Cuộc khảo sát hằng tháng do Reuters tiến hành cho thấy trong tháng 5, sản lượng dầu của OPEC rơi xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ qua khi Ả Rập Saudi và các thành viên khác của OPEC cắt giảm sản lượng đến mức kỷ lục. Theo cuộc khảo sát, mức độ tuân thủ cắt giảm tổng thể chỉ đạt 75% vì Nigeria và Iraq không tuân thủ đầy đủ phần cắt giảm của họ.

Ả Rập Saudi đang kêu gọi kéo dài thỏa thuận cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày đến hết năm nay. Trong khi đó, Nga muốn hạ sản lượng cắt giảm bắt đầu từ tháng 7.

Giờ đây, các quan chức OPEC cho hay, nhóm OPEC+ đã đồng ý tổ chức một cuộc hội nghị từ xa vào ngày 9-6 tới đây để dung hòa quan điểm của Ả Rập Saudi và Nga. Họ cho biết hai bên đang thảo luận một thỏa hiệp có thể giúp duy trì cam kết cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày đến tháng 9, tức kéo dài thêm ba tháng so với thỏa thuận ban đầu.

Algeria, nước đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên của OPEC, đề xuất OPEC+ họp sớm hơn vào ngày 4-6 tới. Nga không phản đối đề xuất này và điều đó cho thấy Nga có thể sắp đạt được thỏa thuận với Ả Rập Saudi.

Ả Rập Saudi cần giá dầu ở mức 84 đô la/thùng để bảo đảm nguồn thu trang trải cho ngân sách chi tiêu. Trái lại, Nga sẽ hài lòng nếu giá dầu duy trì quanh mức 40 đô la/thùng.

Các đại biểu OPEC tin rằng nhu cầu dầu sẽ hồi phục nhanh hơn dự kiến ở Trung Quốc, châu Âu và cả Mỹ, nơi đang nới lỏng các biện pháp phong tỏa gây tổn thương nhu cầu trong những tháng trước.

Hồi tháng 5, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nâng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu thêm 3,2 triệu thùng/ngày trong quí 2 sau khi nhận thấy lượng xe cộ lưu thông trở lại lớn hơn dự kiến ở một số nước châu Âu và Mỹ.

Dù vẫn còn bất đồng, Nga và Ả Rập Saudi ít có khả năng sẽ tái khởi động cuộc chiến giá dầu khiến thị trường dầu sụp đổ trong tháng 3. Lãnh đạo của hai nước bắt đầu nói chuyện lại với nhau.

Trong cuộc điện đàm hồi tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Mohammed Bin Salman, Phó thủ tướng kiêm Chủ tịch Hội đồng Các vấn đề Kinh tế và Phát triển Ả Rập Saudi, đã nhất trí phối hợp chặt chẽ để thực thi thỏa thuận giảm sản lượng dầu của OPEC+.

Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin của Nga cho hay hai nước có thể kéo dài thỏa thuận giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày thêm 1-2 tháng, chứ không kéo dài đến hết năm.

Một nguồn tin của OPEC+ nói rằng đề xuất kéo dài thỏa thuận thêm một tháng của Nga đang nhận được sự ủng hộ nhưng vẫn chưa đạt được sự nhất trí cuối cùng.

Trong khi đó, Edward Morse, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa của Ngân hàng Citi, nhận định: “Nhiều khả năng, OPEC+ sẽ kéo dài thỏa thuận cắt giảm hiện tại đến ngày 1-9, rồi tổ chức một cuộc họp để quyết định các bước đi tiếp theo”.

Howie Lee, nhà kinh tế ở Ngân hàng OCBC (Singapore) nhận định: “Nếu OPEC+ có thể nhất trí kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu hiện tại thêm ba tháng, có khả năng thị trường dầu sẽ chuyển từ trạng thái dư thừa nghiêm trọng trong quí này sang trạng thái thiếu hụt nguồn cung trong quí 3”.

Dù vậy, thị trường dầu vẫn đối mặt với nhiều rủi ro khác. Hôm qua, các quan chức chính phủ Trung Quốc yêu cầu các công ty nhà nước dừng mua nông sản của Mỹ để đáp trả phản ứng của Mỹ về vấn đề Hồng Kông.

Động thái này là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ Mỹ-Trung đang xấu thêm, có thể đe dọa thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai nước, trong đó bao gồm cam kết của Trung Quốc về việc tăng mua hàng hóa năng lượng Mỹ. Dù lượng xe cộ lưu thông trên toàn cầu đang phục hồi nhanh, giúp nhu cầu nhiên liệu tăng mạnh trở lại nhưng sự phục hồi của đi lại hàng không có thể mất nhiều thời gian.

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ cùng với mức suy giảm sản lượng dầu kỷ lục của Mỹ và Canada đã giúp giá dầu Tây Texas (WTI) của Mỹ phục hồi mạnh mẽ trong những tuần gần đây nhưng vẫn đang giảm 50% so với hồi đầu năm.

Vào lúc 5 chiều giờ ngày 2-6 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent ở London tăng 1,13% lên mức 39,45 đô la/thùng, trong khi đó, giá dầu WTI ở New York cũng nhích nhẹ lên mức 36,30 đô la/thùng, tăng 0,86% so với mức giá đóng cửa của ngày hôm trước.

Theo Reuters, WSJ, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới