Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ABP cảnh báo thoái vốn khỏi các ngân hàng tài trợ nhiên liệu hóa thạch

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – ABP (Hà Lan), quỹ hưu trí lớn nhất châu Âu đang quản lý 600 tỉ đô la Mỹ tài sản, cảnh báo sẽ thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng trừ khi nhìn thấy được bằng chứng hành động về nỗ lực phi carbon hóa của các ngân hàng.

Một nhà máy nhiệt điện than ở Gelsenkirchen, Đức. ABP (Hà Lan), quỹ hưu trí lớn nhất châu Âu, đang gây sức ép để buộc các ngân hàng dừng tài trợ cho các dự án phát thải nhiều carbon. Ảnh: AP

Trong cuộc trò chuyện với Bloomberg, Dominique Dijkhuis, thành viên hội đồng quản trị và giám đốc bộ phận đầu tư tại ABP, nói: “Khu vực tài chính thực sự tụt hậu. Nếu bạn nói rằng bạn đang cam kết tham gia tiến trình bảo vệ khí hậu nhưng sau đó vẫn tích cực cấp các khoản vay cho các sản phẩm hóa thạch mới, thì đó là điều không ngay thẳng”.

Bà cho biết ABP đang thiết lập các chỉ số đánh giá sự minh bạch mà các công ty tài chính phải đáp ứng để tránh bị bán tháo cổ phiếu trong vòng ba năm tới. Bà nhấn mạnh, các ngân hàng cần phải thể hiện trách nhiệm với khí hậu, có nghĩa là họ cần phải xem xét kỹ lưỡng đối với việc tiếp xúc với nhiên liệu hóa thạch.

Phát biểu của bà Dijkhuis phản ánh một bối cảnh đang phát triển nhanh chóng, khi các nhà đầu tư tổ chức, cơ quan quản lý, nhà lập pháp và nhà hoạt động khí hậu tăng cường giám sát vai trò của ngành tài chính trong việc làm tăng lượng khí thải carbon. Điều này xảy ra khi nhiều ngân hàng, dù đã cam kết mục tiêu phát thải zero ròng, vẫn tiếp tục hỗ trợ tài chính đáng kể cho các công ty dầu khí và than đá đang mở rộng kinh doanh.

ABP từng gây chú ý vào cuối năm 2021 khi thông báo thoái vốn khỏi danh mục tài sản nhiên liệu hóa thạch trị giá 15 tỉ  euro (16,3 tỉ đô la Mỹ). Giờ đây, quỹ hưu trí này muốn cắt giảm mức độ tiếp xúc gián tiếp với các tài sản phát thải carbon cao.

Dijkhuis nói: “Chúng tôi lo ngại lĩnh vực tài chính vẫn đang đầu tư ồ ạt vào nhiên liệu hóa thạch”. Các rủi ro về khí hậu đang rình rập trong ngành tài chính và điều này khiến các nhà lập pháp và cơ quan quản lý lo ngại.

Paul Tang, thành viên của Nghị viện châu Âu (EP), cho biết đã đến lúc phải xem xét lại các quy định về vốn của ngân hàng để phản ánh mức độ tiếp xúc của ngành này với phát thải carbon.

Ủy ban về các vấn đề kinh tế và tiền tệ của EP, nơi mà Tang đang làm việc, sẽ bỏ phiếu cho các quy định mới về vốn đối với ngân hàng vào ngày 24-1. Ông nói rằng có sự đồng thuận đang gia tăng về một quy định yêu cầu các ngân hàng bổ sung vùng đệm vốn nếu họ không đạt được các mục tiêu chuyển đổi xanh. “Nếu các ngân hàng có tiếp xúc nhiều với các tài sản nhiên liệu hóa thạch, họ sẽ bị yêu cầu về vốn cao hơn”, ông cho biết.

Các cơ quan quản lý trên toàn cầu đã cảnh báo rằng rủi ro khí hậu không thể được xử lý tách biệt với rủi ro tài chính. Hồi tháng 12 năm ngoái, Ủy ban Basel về Giám sát ngân hàng (BCBS) cho biết rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu có thể ảnh hưởng đến mức độ rủi ro tín dụng của các ngân hàng thông qua các đối tác của họ. Ủy ban này cảnh báo các ngân hàng nên thực hiện “cách tiếp cận thận trọng” để đảm bảo dự trữ vốn đủ để bù đắp những tổn thất tiềm ẩn.

Mối lo ngại chính hiện nay là mức độ tài sản có hàm lượng carbon cao của các ngân hàng có nguy cơ bị “mắc kẹt” hoặc trở nên vô giá trị vì chúng không có chỗ đứng trong nền kinh tế có hàm lượng carbon thấp. Một báo cáo vào tháng 6-2022 của Đơn vị hỗ trợ quản trị kinh tế của EU cho biết nhu cầu cấp bách hiện tại là thiết lập chính sách để giải quyết các tài sản bị “mắc kẹt” như vậy.

Ngành tài chính đang chống trả. Liên đoàn Ngân hàng châu Âu (EBF) cho rằng việc áp đặt yêu cầu vốn cao hơn đối với các khoản vay dành cho nhiên liệu hóa thạch sẽ làm tăng chi phí vốn và giảm khả năng cho vay nói chung của các ngân hàng, đồng thời sẽ không cắt giảm nhu cầu đối với các hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Theo EBF, một vùng đệm vốn liên quan đến khí hậu sẽ thúc đẩy tài chính nhiên liệu hóa thạch chảy sang các thị trường ít bị kiểm soát hơn. Điều này sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các ngân hàng bóng tối và ngân hàng bên ngoài EU.

Nhưng các nhà nghiên cứu khí hậu cảnh báo, nếu không hành động các nhà lập pháp của châu Âu và ngành tài chính sẽ phải đối phó với một vấn đề lớn hơn nhiều trong tương lai.

Finance Watch, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Brussels (Bỉ), đề xuất áp dụng trọng số rủi ro tối thiểu (minimum risk weight) 150% đối với các tài sản nhiên liệu hóa thạch để ứng phó rủi ro liên quan đến khí hậu. Điều này sẽ đòi hỏi 60 ngân hàng lớn nhất thế giới phải bổ sung thêm vốn từ 157-210 tỉ đô la Mỹ. Con số này tương đương 3-5 tháng lợi nhuận ròng của họ trong năm 2021.

Benoît Lallemand, Tổng Thư ký của Finance Watch, cảnh báo: “Vấn đề với rủi ro khí hậu là bạn càng chờ đợi lâu thì vấn đề càng trở nên lớn hơn”.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới