Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ACCA: Việt Nam chưa sẵn sàng với điện toán đám mây

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ACCA: Việt Nam chưa sẵn sàng với điện toán đám mây

Hà Vân

ACCA: Việt Nam chưa sẵn sàng với điện toán đám mây
Công ty VinaCis, một nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây đưa ra dịch vụ hồi năm ngoái. Ảnh: Hà Vân.

(TBKTSG Online) – Được đánh giá là nước có hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) phát triển song Việt Nam vẫn là quốc gia có chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng điện toán đám mây thấp.

>>>Điện toán đám mây với bài toán hiệu quả

>>>Điện toán đám mây: Cơ hội mới cho doanh nghiệp nhỏ

Đây là thông tin mà hãng nghiên cứu BMI trích dẫn từ Hiệp hội điện toán đám mây châu Á (ACCA) trong báo cáo của mình về thị trường viễn thông châu Á-Thái Bình Dương quí 3-2013.

ACCA có sự tham gia của nhiều hãng công nghệ và viễn thông lớn như Acatel Lucent, Nokia Siemens Networks, Telenor, Rackspace…

Theo ACCA, Việt Nam đang "đội sổ" – tức chỉ đứng thứ 13 trong khu vực châu Á về độ sẵn sàng ứng dụng điện toán đám mây, sau Thái Lan, Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ… Chỉ số này được đưa ra dựa trên các đánh giá như mức độ bảo mật dữ liệu, sự sẵn sàng kết nối Internet, sở hữu trí tuệ, sự tự do truy cập thông tin…

Một trong những nguyên nhân khiến mức độ sẵn sàng cho điện toán đám mây ở Việt Nam còn thấp là chất lượng băng thông rộng chỉ được đánh giá 2,2 điểm, rất thấp so với điểm trung bình của khu vực là 5 điểm.

Sự sẵn sàng của dịch vụ công trực tuyến chỉ đạt 3,8 điểm so với điểm trung bình của khu vực là 7,4 điểm. Ngoài ra, sở hữu trí tuệ cũng chỉ đạt 3,6 điểm so với mức trung bình của khu vực là 6,3 điểm.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề cuộc hội thảo Toàn cảnh công nghệ thông tin năm 2013, diễn ra tại TPHCM tuần qua, ông Hà Thân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tin học Lạc Việt, cũng cho rằng điện toán đám mây mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và tổ chức như tiết kiệm được chi phí đầu tư bản quyền và hạ tầng phần cứng. Tuy nhiên, doanh nghiệp và tổ chức còn ứng dụng khá chậm. Nguyên nhân là do nền kinh tế khó khăn khiến chi tiêu cho CNTT bị thắt chặt.

Trong khi đó, giám đốc công nghệ (CIO) của một công ty địa ốc (không muốn nêu tên) nói rằng hầu hết doanh nghiệp đều hiểu được lợi ích của điện toán đám mây. Song, hiện nay hành lang pháp lý cho ứng dụng này chưa được quy định rõ ràng khiến doanh nghiệp không dám đi thuê hạ tầng và phần mềm bên ngoài.

“Hoạt động của mỗi doanh nghiệp luôn gắn liền với an ninh thông tin. Vì vậy, khi đi thuê ngoài dịch vụ doanh nghiệp rất lo sợ về nguy cơ rò rỉ thông tin. Hiện, chưa có hành lang pháp lý quy định rõ trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ đám mây khiến doanh nghiệp chưa muốn đầu tư cho điện toán đám mây,” ông nói.

Điện toán đám mây là mô hình mới về phân phối và sử dụng các dịch vụ CNTT dựa trên Internet, đặc trưng bởi việc cung cấp các tài nguyên thường được ảo hóa như một dịch vụ trên Internet. Hầu hết hạ tầng và nền tảng của điện toán đám mây được cấu tạo thành các dịch vụ, được phân phối thông qua các trung tâm dữ liệu và được xây dựng trên các máy chủ.

Với điện toán đám mây, các dịch vụ, sản phẩm phần mềm và ứng dụng sẽ được đưa lên Internet và doanh nghiệp chỉ phải trả chi phí cho nhà cung ứng dịch vụ với mỗi lần họ sử dụng dịch vụ. Điều này giúp tiết kiệm được chi phí khi trước đây phải bỏ tiền mua trọn bộ phần mềm hay ứng dụng mà đôi khi chỉ sử dụng một phần những ứng dụng và phần mềm ấy mà thôi.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới