Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ách tắc còn do con người và cơ chế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ách tắc còn do con người và cơ chế

(TBKTSG) – Chương trình cải cách hành chính đang tiếp tục được triển khai sâu rộng xuống tới cơ quan hành chính cấp sở và quận, huyện. Đây cũng là những cơ quan trực tiếp tiếp nhận và giải quyết nhiều thủ tục hành chính cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Mục đích trước mắt là cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính theo yêu cầu của Chính phủ. Tuy nhiên, vấn đề được người dân và doanh nghiệp quan tâm hơn cả là thời gian giải quyết, thì chưa hẳn đã giảm tương ứng, vì còn phụ thuộc vào tinh thần và thái độ làm việc của cán bộ công chức và hiệu quả của cơ quan nhà nước.

Sự chậm trễ trong giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân và doanh nghiệp chủ yếu xuất phát từ hai nguyên nhân: Sự quá tải cũng như kém hiệu quả của cơ quan hành chính và cung cách làm việc quan liêu, cố tình gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp của một số cán bộ cơ quan hành chính và cả những công ty dịch vụ mang tính độc quyền.

Công bằng mà nói, thủ tục phức tạp cũng làm cho cơ quan hành chính mất nhiều thời gian và nhân lực hơn để giải quyết, góp phần gây ra tình trạng quá tải ở những đơn vị này. Nhưng đó chưa phải là nguyên nhân quan trọng. Tồn tại căn bản ở đây chính là do cơ chế “hành chính hóa” nhiều loại thủ tục mang tính chất kỹ thuật, mà lẽ ra nó phải được chuyển cho những tổ chức và doanh nghiệp dịch vụ chuyên ngành giải quyết. Đồng thời, cách quản lý nặng kiểu xin – cho, vốn chỉ thích hợp trong thời bao cấp, cũng góp phần không nhỏ gây nên ùn tắc công việc ở cơ quan hành chính.

Để chương trình cải cách hành chính đạt được kết quả như người dân và cộng đồng doanh nghiệp mong đợi, ngoài việc rà soát để giảm những quy định, giấy tờ không cần thiết, cần phải mạnh dạn chuyển một số dịch vụ nặng về kỹ thuật cho các tổ chức, doanh nghiệp đảm nhận.

Chẳng hạn như thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế tòa nhà, cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu dân cư mới, thiết kế phòng cháy chữa cháy, thẩm định đánh giá tác động môi trường của một dự án đầu tư…

Lẽ đương nhiên, các tổ chức, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm với Nhà nước về chất lượng dịch vụ của mình cung cấp. Song hành với nó là chuyển mạnh từ cơ chế xin – cho sang quản lý theo quy hoạch, quy chuẩn và hậu kiểm.

Làm như vậy, chẳng những có thể giải tỏa tình trạng quá tải, nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước, mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật.

Quan trọng hơn, việc chuyển đổi này còn góp phần không nhỏ vào sự thành công của chủ trương phòng chống tham nhũng của Đảng và Chính phủ. Vì nó triệt tiêu những cơ hội, những khe hở vốn tồn tại trong chính cơ chế xin – cho, mà một số cán bộ biến chất lợi dụng để gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp nhằm trục lợi cho cá nhân.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới