Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ADB cảnh báo rủi ro vĩ mô do kích thích tiền tệ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ADB cảnh báo rủi ro vĩ mô do kích thích tiền tệ

Tư Hoàng

ADB cảnh báo rủi ro vĩ mô do kích thích tiền tệ
ADB là tổ chức đầu tiên cảnh báo về rủi ro vĩ mô do nới lỏng tài khóa và tiền tệ. Ảnh: TH

(TBKTSG Online) – Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo cập nhật, đã cảnh báo rủi ro vĩ mô trong nước do khả năng chính phủ quyết định kích thích tăng trưởng bằng việc nới lỏng quá mức chính sách tiền tệ và tài khóa.

Báo cáo Cập nhật triển vọng phát triển châu Á (ADOU) 2017 do ADB công bố sáng 26-9 cho biết, nợ công hiện nay đã chạm trần Quốc hội cho phép là 65% GDP, nên kỷ luật ngân sách yếu đi sẽ đe dọa quá trình củng cố tài khóa và bền vững nợ.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho biết, bất kỳ động thái nới lỏng chính sách tiền tệ nào cũng sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề nợ xấu vốn đã và đang là vấn đề nghiêm trọng của hệ thống ngân hàng.

Theo báo cáo, lạm phát dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng đã xuất hiện trong những tháng gần đây, được tiếp nhiệt bởi động thái giảm lãi suất, cầu trong nước mạnh và tăng trưởng GDP tốt.

Kế hoạch tăng giá và phí dịch vụ giáo dục và y tế sẽ gia tăng áp lực lạm phát, bên cạnh thông báo mới đây về việc tăng lương tối thiểu 6,5% sẽ có hiệu lực vào năm 2018, sau khi đã tăng 7% trong năm 2017. Trong cả năm 2017, lạm phát trung bình dự kiến đạt 4,5%, tiếp tục tăng lên 5,5% trong năm 2018, đều cao hơn một điểm phần trăm so với dự báo do tổ chức này đưa ra vào tháng 4.

Trong báo cáo mới công bố, ADB giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống còn 6,3% cho năm 2017, và 6,5% trong năm 2018, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đây.

Bên cạnh đó, lạm phát được dự báo tăng chút ít so với đánh giá vào tháng 4, và thặng dư cán cân vãng lai cũng sẽ giảm nhanh hơn dự báo trước đây.

Ông Eric Sidgwick nói: “Bất chấp sự sụt giảm sản lượng khai khoáng và dầu thô, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả khả quan, được thúc đẩy bởi hai động lực là sản xuất định hướng xuất khẩu và tăng tiêu dùng nội địa.

Theo ADB, cải cách cơ cấu tiếp tục có tiến triển, tuy rằng với tốc độ chậm hơn. Trong số 45 doanh nghiệp nhà nước nằm trong kế hoạch cổ phần hóa trong năm 2017, tính đến cuối tháng 8 mới chỉ 22 doanh nghiệp bắt đầu bán cổ phần và chỉ có 6 doanh nghiệp đạt được chỉ tiêu cho cả năm. Tuy vậy, nguồn thu từ việc bán cổ phần các doanh nghiệp này nhìn chung vẫn đạt kế hoạch, cho phép chính phủ thu được 510 triệu đô la Mỹ trong sáu tháng đầu năm từ việc thoái vốn, tương đương 0,5% GDP. Chỉ tiêu cho cả năm 2017 là 1% GDP.

Bên cạnh đó, tiến độ đạt được trong tái cơ cấu ngân hàng và giải quyết nợ xấu (NPL) rất hạn chế. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu được xác định là 2,6% tổng dư nợ tại thời điểm cuối tháng 3-2017, song tổng nợ xấu – bao gồm cả nợ xấu được báo cáo, nợ xấu chưa xử lý đang được quản lý bởi Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC), và nợ được phân loại là có rủi ro trở thành nợ xấu – ước tính lên đến 10,1% tổng dư nợ trong toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, mặc dù chính phủ có kế hoạch tiếp tục củng cố hệ thống ngân hàng, song trong sáu tháng đầu năm 2017 không có một trường hợp sáp nhập hay mua lại ngân hàng nào được thực hiện.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới