Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ADB: châu Á cần “tái cân bằng” kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ADB: châu Á cần “tái cân bằng” kinh tế

Thái Bình

Các nhà lãnh đạo các nền kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương tại hội nghị ADB lần thứ 42.

(TBKTSG) – Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đầu tuần này khuyến cáo các nền kinh tế trong khu vực cần “tái cân bằng” (rebalancing) một cách căn bản để đối phó với cuộc khủng hoảng.

Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda nhận định, tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm nay sẽ chỉ còn 3,4% song hy vọng có thể “hồi phục nhẹ” lên mức 6% trong năm tới.

“Nhờ những nỗ lực mạnh mẽ ở tầm quốc gia và khu vực, cùng với kỳ vọng vào sự hồi phục nhẹ của kinh tế toàn cầu trong năm tới, các nền kinh tế đang phát triển khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể tăng trưởng bình quân 6% trong năm 2010. Đã có những dấu hiệu tích cực và lúc này không phải là thời điểm tuyệt vọng”, ông Kuroda nói tại hội nghị thường niên hội đồng thống đốc của ADB lần thứ 42 diễn ra trong hai ngày đầu tuần này tại Bali, Indonesia.

Những nỗ lực tài chính lớn lao

Những nỗ lực đối phó với khủng hoảng mà ADB nói tới bao gồm những biện pháp kích cầu đang được thực hiện ở từng quốc gia, cũng như sự hợp tác khu vực để bảo đảm nguồn cung cấp tài chính.

Tại hội nghị này, ADB công bố các kế hoạch tăng gấp ba lần nguồn vốn của ADB, từ 55 tỉ đô la lên 165 tỉ đô la Mỹ, đồng thời tăng hạn mức tín dụng cho các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực trong hai năm 2009-2010 lên 32,9 tỉ đô la Mỹ, gấp rưỡi so với hạn mức 22,4 tỉ đô la của thời kỳ 2007-2008.

Trong 10 tỉ đô la Mỹ tăng thêm này, ADB sẽ dành ra 1 tỉ đô la để tài trợ tín dụng thương mại và 3 tỉ đô la tài trợ “nhu cầu khẩn cấp do khủng hoảng gây ra” ở các nước nghèo nhất.

Trong một động thái tương tự, các nước ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã thỏa thuận xong những vấn đề cơ bản của Sáng kiến Chiang Mai (Chiang Mai Initiative – CMI), theo đó một quỹ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp sẽ được thành lập với tổng giá trị 120 tỉ đô la Mỹ, trong đó Nhật Bản và Trung Quốc đóng góp mỗi nước 32% (38,4 tỉ đô la), Hàn Quốc góp 16% và các nước ASEAN đóng góp 20% còn lại.

Quỹ CMI có nhiệm vụ hỗ trợ tài chính để cân bằng cán cân thanh toán cho nước thành viên nào bị lâm vào tình trạng khủng hoảng thanh khoản, không để tái diễn tình trạng một nước bị “thiếu tiền” kéo theo các nước khác sụp đổ dây chuyền như vụ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1999.  

Ngoài ra, tại hội nghị này Chính phủ Nhật Bản công bố một chương trình dành ra 6.000 tỉ yen Nhật (61,54 tỉ đô la Mỹ) để hỗ trợ trực tiếp cho các nước bị tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng. “Như vậy đóng góp của chúng tôi vào việc hỗ trợ tài chính cho khu vực đã lên đến gần 100 tỉ đô la Mỹ”, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Kaoru Yosano nói.

Hướng tới tiêu dùng nội địa

Nguồn tài chính dồi dào này có thể giúp khắc phục những tác động của cuộc khủng hoảng nhưng  không bảo đảm để kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng trưởng bền vững trong tương lai. “Việc chuyển tiền tiết kiệm từ khu vực này sang khu vực khác của thế giới chỉ hoạt động tốt khi các nền kinh tế đã phát triển tiêu thụ hết hàng hóa sản xuất từ các nước đang phát triển, nhưng tình trạng hiện nay của nền kinh tế toàn cầu cho thấy thời kỳ đó đã trôi qua”, Chủ tịch ADB Kuroda nhận định.

Theo ADB, khu vực châu Á-Thái Bình Dương không có con đường nào khác hơn là “tái cân bằng sự tăng trưởng dựa trên xuất khẩu với việc dựa nhiều hơn vào nhu cầu tiêu dùng nội địa, mở ra con đường phát triển mới, có lợi ích toàn cầu”.

Trong thực tế, khuyến nghị của ADB đang được thực hiện và mang lại kết quả ở những mức độ khác nhau. Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF nhận định chính sách giảm lãi suất và tăng chi tiêu công đang giúp khôi phục hoạt động kinh tế ở châu Á, nơi hệ thống ngân hàng không vướng phải những vấn đề mang tính cơ cấu như ở phương Tây. Những số liệu công bố mới đây cho thấy kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản đã bắt đầu ra khỏi khủng hoảng nhờ sự gia tăng tiêu dùng của thị trường nội địa.

Chưa tính tới đồng tiền chung

Nhân hội nghị này ADB cũng kêu gọi thay đổi cơ cấu tài chính toàn cầu để gia tăng tiếng nói của các nền kinh tế châu Á, tương ứng với vai trò và phần đóng góp của châu Á vào nền kinh tế thế giới nói chung. Tuy nhiên, ADB không hoàn toàn tán thành quan điểm của một số quốc gia khi cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính hiện thời có phần do châu Á phụ thuộc quá nhiều vào sự bấp bênh của đồng đô la Mỹ và đề xuất thay thế điều đó bằng một đồng tiền chung của khu vực châu Á. Tổng giám đốc điều hành của ADB Rajat Nag cho rằng đồng tiền khu vực không phải là giải pháp ngắn hạn cho cuộc khủng hoảng hiện nay mà chỉ là một mục tiêu dài hạn sẽ được xem xét trong tương lai.

Ngược với ADB, các quan chức Trung Quốc tận dụng hội nghị này để thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ làm đồng tiền thanh toán và dự trữ của khu vực châu Á. “Châu Á phụ thuộc nặng nề vào thị trường Mỹ một phần vì vai trò của đồng đô la Mỹ như là một đồng tiền quốc tế. Giờ đây châu Á đang ở vị trí có thể đưa ra yêu cầu và chọn lựa đồng tiền cho quỹ dự trữ ngoại tệ của mình”, Fan Gang, nhà kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, nhận định. Cho đến nay, tại châu Á, Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc và khuyến khích việc định giá, thanh toán các hợp đồng thương mại với các quốc gia láng giềng cũng như các khoản đầu tư và viện trợ song phương bằng đồng nhân dân tệ.

(Tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới