Chủ Nhật, 2/04/2023, 03:50
26 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


ADB công bố dự thảo báo cáo châu Á 2050

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ADB công bố dự thảo báo cáo châu Á 2050

Vân Oanh

(TBKTSG Online) – Trong khuôn khổ hội nghị thường niên ADB đang diễn ra tại Việt Nam, ngày 4-5, ADB đã công bố bản dự thảo báo cáo châu Á đến năm 2050.

Bản dự thảo này đã là đề tài thảo luận trong phiên họp Hội đồng thống đốc, bộ trưởng, thứ trưởng tài chính các nước trong khu vực cùng với Chủ tịch ADB – ông Haruhiko Kuroda. Bản tổng quan dự thảo báo cáo được chuẩn bị cho Hội nghị thường niên năm 2011 của ADB. Với những đóng góp từ các phiên thảo luận, bản dự thảo sẽ được cập nhật thành một tài liệu hoàn chỉnh dự kiến xuất bản vào tháng 8 tới.

Theo bản dự thảo báo cáo, vào giữa thế kỷ này, có thêm ba tỉ người dân châu Á có thể tận hưởng cuộc sống tốt nếu khu vực này vẫn duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay và giải quyết được những thách thức và nguy cơ kéo dài qua nhiều thời kỳ.

Bản dự thảo báo cáo cho biết trọng tâm của nền kinh tế toàn cầu sẽ chuyển sang khu vực châu Á, một khu vực có thể đóng góp khoảng 50% vào kết quả đầu ra, thương mại và đầu tư toàn cầu vào năm 2050. Trong khi mức đóng góp hiện nay là 27%.

Bản dự thảo báo cáo đưa ra dự báo về châu Á năm 2050 với hai kịch bản khác nhau. Theo kịch bản lạc quan mang tên Thế kỷ châu Á, GDP của khu vực sẽ đạt 148 ngàn tỉ đô la Mỹ, chiếm 51% sản lượng toàn cầu. GDP theo đầu người tại châu Á năm 2050 sẽ là 38.600 đô la Mỹ, trong khi mức dự kiến trung bình của thế giới lúc đó là 36.600 đô la Mỹ.

Kịch bản thứ hai giả định rằng những nền kinh tế của châu Á như Trung Quốc, Ấn độ, Indonesia và Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình (bẫy thu nhập trung bình được hiểu là bẫy xảy ra khi một nước bị mắc kẹt tại mức thu nhập đạt được nhờ có nguồn tài nguyên và những lợi thế ban đầu nhất định mà không vượt qua được ngưỡng đó…), mức tăng trưởng chậm lại và sự trì trệ trong thu nhập của 5 hay 10 năm tới. Nếu như điều này xảy ra, châu Á sẽ chỉ chiếm 32% (đạt 61 ngàn tỉ đô la Mỹ) trong sản lượng toàn cầu vào năm 2050. GDP đầu người của khu vực sẽ đạt 20.300 đô la Mỹ, chỉ hơn một nửa so với kịch bản Thế kỷ châu Á ở trên.

Bản dự thảo báo cáo cũng nhấn mạnh những nguy cơ và thách thức vẫn tồn tại trên con đường châu Á tiến tới đạt được thành quả phát triển vào giữa thế kỷ này. Bản dự thảo cũng đề cập tóm tắt những quyết định và chương trình hành động chiến lược tương ứng mà các nhà hoạch định chính sách của châu Á ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu đang phải đối mặt.

Theo bản dự thảo báo cáo thì tính cạnh tranh dài hạn của khu vực châu Á sẽ phụ thuộc phần lớn vào cách mà khu vực này kiểm soát sự đa dạng trong việc sử dụng nguồn lực bao gồm: nguồn nước và lương thực, cũng như quản lý được khí các-bon. Mối quan tâm nhất ở châu Á là khuyến khích và đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ sạch nhằm duy trì đà tăng trưởng ấn tượng của mình.

Do đó, những nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng như Trung Quốc, Ấn độ, Indonesia và Việt Nam không thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình khi chuyển đổi từ tăng trưởng dựa vào nguồn lực nhân công rẻ và vốn đầu tư sang tăng trưởng bắt nguồn từ đổi mới và năng suất cao.

Châu Á sẽ gặp phải nguy cơ về quản trị điều hành và năng lực thể chế – điểm yếu của hầu hết các nền kinh tế châu Á. Khu vực châu Á cần phải hiện đại hóa các hệ thống quản trị điều hành đồng thời tái thiết thể chế của mình nhằm đảm bảo tính minh bạch, tính trách nhiệm giải trình, và nâng cao tính hiệu lực của quy định và luật lệ.

Nhằm giải quyết được những khó khăn trên, các nhà lãnh đạo cần phải đặt ra các chính sách quốc gia mang tính đột phá trong khi vẫn theo đuổi quan hệ hợp tác vùng và hợp tác toàn cầu nhằm kiểm soát thành công những thành quả của khu vực công, an ninh năng lượng, kết nối cơ sở hạ tầng, nguồn nước và lương thực với mục tiêu duy trì sự ổn định và hòa bình lâu dài trong khu vực.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới