Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ADB hỗ trợ TPHCM phát triển hạ tầng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ADB hỗ trợ TPHCM phát triển hạ tầng

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân (phải) và Giám đốc thường trú tại Việt Nam của ADB, Ayumi Konishi, sau buổi làm việc -Ảnh: KINH LUÂN

(TBKTSG Online) – Buổi làm việc chiều 20-5 giữa Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân và Giám đốc thường trú tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á, Ayumi Konishi, xoay quanh việc xác định các bước hợp tác về hạ tầng trong thời gian tới.

Ông Konishi đã đề nghị thành phố cung cấp những thông tin liên quan đến bốn lãnh vực mà ADB có thể tham gia. Đó là: hệ thống giao thông đô thị (cụ thể là các tuyến metro 2 và 3), hệ thống giao thông đường bộ (với ba dự án là đường cao tốc Long Thành- Dầu Giây, đường vành đai số 2 và đường vành đai ngoài), hệ thống cấp nước và hỗ trợ phát triển tư nhân (cụ thể là sự tham gia của các doanh nghiệp tư trong lĩnh vực hạ tầng, chẳng hạn như quản lý điều hành xe buýt…)

Về dự án metro, ông Quân cho biết chi phí đầu tư cho tuyến số 1 Bến Thành- Suối Tiên lên đến 1,2 tỉ đô la Mỹ và tuyến số 2 cũng xấp xỉ 1,1 tỉ đô la Mỹ. “Rõ ràng là khoản hỗ trợ 250 triệu euro của Chính phủ Đức không đủ cho một, chứ đừng nói cả hai tuyến số 2 và 3. Còn phương án vay thêm vốn từ các ngân hàng thương mại Đức thì thành phố không thể kham nổi”, ông Quân giải thích.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, ông đã trao đổi việc này với Tổng lãnh sự quán Đức, đề nghị họ dùng số tiền này để làm tuyến số 6 có mức đầu tư thấp hơn, trong khi tuyến số 2 và 3 sẽ làm bằng vốn ODA Nhật Bản.

Ông Konishi nhấn mạnh: “Cho dù là Nhật Bản hay Đức thì ADB vẫn sẵn sàng tham gia phần xây lắp, trước đây phía Đức đã liên hệ với ADB để mời tham gia khâu này”.

Về hệ thống giao thông đường bộ và khả năng phát triển sự tham gia của tư nhân, ông Quân cho biết: “Từ nay đến 2010, thành phố sẽ tập trung vào một số công trình giao thông trọng điểm, sau đó từ 2010 đến 2015 sẽ tập trung vào những công trình gối đầu nhau. Tổng số vốn cần thiết cho hai giai đoạn này khoảng 20 tỉ đô la Mỹ”. Theo ông, số tiền này sẽ được huy động từ nhiều nguồn, bao gồm cả vốn ngân sách, vốn vay và vốn tư nhân.

“Sáu tuyến metro, cần khoảng 6 tỉ đô la Mỹ, sẽ làm bằng nguồn vốn ODA, trong đó vốn đối ứng là 1 tỉ đô la Mỹ. Các cầu vượt sông Sài Gòn và hệ thống đường dẫn sẽ sử dụng hình thức BOT hoặc BT, chẳng hạn như cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn 2 hay Thủ Thiêm 2… Đó là chưa kể các dự án hạ tầng khác như mở rộng xa lộ Hà Nội, hai tuyến monorail và một tuyến xe lửa bánh hơi… cũng là BOT,” ông Quân nói.

Giám đốc Sở Giao thông Công chánh TPHCM, Trần Quang Phượng, đề nghị ADB nghiên cứu khả năng nối tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên vào đường cao tốc Long Thành- Dầu Giây nhằm phục vụ lượng khách rất lớn của sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai. Ông Konishi cho biết ADB vừa thẩm định tuyến đường cao tốc Long Thành- Dầu Giây, và sẽ hoàn tất sớm bản thiết kế chi tiết để khởi công cuối năm nay hay đầu năm sau.

Riêng về dự án đường vành đai số 2, giúp kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với Cát Lái và đường cao tốc Long Thành- Dầu Giây, ông Quân khẳng định thành phố quyết tâm đưa tuyến đường này vào hoạt động năm 2009. Tuy nhiên, vấn đề là khoản vốn 300 triệu đô la Mỹ cho đoạn đường 10 cây số còn lại. Ông Konishi đồng ý tăng khoản hỗ trợ này từ 200 lên 270 triệu đô la Mỹ “do yếu tố trượt giá”. Hai bên đồng ý là thành phố sẽ sớm phê duyệt luận chứng kinh tế- kỹ thuật để Ngân hàng Nhà nước có thể ký hiệp định cho vay ngay trong tháng 6, sau đó sẽ triển khai ngay.

Về dự án cung cấp nước sạch, theo ông Trần Đình Phú, Tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), hiện nay SAWACO đang triển khai thủ tục tiếp nhận viện trợ không hoàn lại của ADB nhằm lập báo cáo khả thi (FS) cho hai dự án hỗ trợ kỹ thuật là “chống thất thoát nước” và “nâng cấp, mở rộng mạng chuyển tải cấp 1”.

Ông Phú cho biết 2/6 vùng thủy lực của thành phố đang thực hiện chương trình chống thất thoát nước bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới và đề nghị ADB giúp thực hiện ở bốn vùng còn lại, với tổng vốn ước tính khoảng 60 triệu đô la Mỹ cho giai đoạn từ nay đến 2014.

Với dự án “mạng chuyển tải cấp 1”, ông Phú đề nghị đăng ký vay vốn cho giai đoạn 2010- 2020 nhằm hoàn thiện, phát triển mạng đường ống trên chiều dài 89,9km. Cùng với các trạm bơm tăng áp công suất 800.000 m3/ngày và bể chứa 200.000m3, tổng kinh phí cho dự án này là khoảng 240,5 triệu đô la Mỹ.       

 KINH LUÂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới