ADB khuyến nghị VN tăng trưởng chậm lại
![]() |
ADB khuyến nghị Việt Nam nên ưu tiên cho mục tiêu kiềm chế lạm phát hơn là tăng trưởng kinh tế – Ảnh minh họa: Lê Toàn |
(TBKTSG Online) – Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam nên tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ, đồng thời chưa vội thúc đẩy đầu tư công và duy trì tốc độ tăng trưởng quanh mức 6% để ổn định kinh tế vĩ mô, trước khi nghĩ đến việc tăng tốc trở lại.
Đây là thông điệp từ báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế Việt Nam do ADB công bố sáng 16-9 tại Hà Nội. Đặt tình hình kinh tế Việt Nam trong bối cảnh bão giá đang diễn diễn ra trên thị trường toàn cầu và nhiều ngân hàng đầu tư lớn trên thế giới sụp đổ, ADB nhận định, Việt Nam đã xử lý được cơn bão kinh tế một cách hiệu quả. Điều này thể hiện qua các chỉ số kinh tế được cải thiện trong những tháng qua, và được người dân đón nhận tích cực.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Putu M. Kamayana, Phó giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, những thử thách vẫn chưa chấm dứt. Ông nói: “Thời kỳ khó khăn nhất có thể còn ở phía trước”. Trong đó, đáng chú ý hơn cả vẫn là lạm phát và nhập siêu cao và phải mất một thời gian mới bình ổn được.
Chính vì vậy, ADB đưa ra khuyến nghị, Việt Nam tạm thời chưa nên đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế lên hàng đầu, mà nhường chỗ cho bình ổn kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho sự phục hồi mạnh mẽ vào những năm sau.
Ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, cho rằng: “Cần có sự đánh đổi giữa chỉ tiêu tăng trưởng cho năm 2009 và tiềm năng tăng trưởng cho các năm sau. Việt Nam nên kiên nhẫn khi chuyển hướng chính sách sang phục hồi kinh tế”. Theo đó, Việt Nam sẽ giữ mức tăng GDP năm nay ở 6,5% và đề ra chỉ tiêu thấp tăng trưởng hơn cho năm 2009 là 6%.
ADB cũng đưa ra dự báo, lạm phát năm nay sẽ vào khoảng 25% và giảm xuống 17,5% trong năm 2009. Thâm hụt tài khoản vãng lai năm nay cũng có khả năng tăng lên 13,5% GDP, và lùi về 7% trong năm tới.
Vào tháng 4 vừa qua, trong báo cáo của mình, cơ quan này đã đưa ra dự báo ban đầu là CPI sẽ đạt 18,3% và giảm xuống 10,2% trong năm 2009. Từ khi giá tiêu dùng tại Việt Nam bắt đầu gia tăng vào cuối năm 2007 và kinh tế bộc lộ có khó khăn, ADB là tổ chức quốc tế giữ quan điểm nhất quán về việc cần ưu tiên cho mục tiêu bình ổn kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát và nhập siêu, trước khi nghĩ đến việc tiếp tục tăng tốc.
Lý giải cho quan điểm này, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Konishi cho hay, bài học từ các nền kinh tế là không thể cùng lúc vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa giảm lạm phát và kiểm soát nhập siêu. “Việc này là hoàn toàn bất khả thi. Hiện nay Chính phủ có hai lựa chọn, hoặc là đặt ra mục tiêu tăng trưởng thấp hơn cho năm 2009, thì sẽ giúp cả lạm phát và thâm hụt thương mại giảm xuống. Hoặc là tăng trưởng cao, nhưng sẽ làm cho CPI và nhập siêu cùng tăng lên”, ông phân tích.
Hiện các chuyên gia của ADB vẫn nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên chống lạm phát hơn là kích thích tăng trưởng, cho đến khi tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được đưa về một con số. Tuy nhiên, họ lo ngại sau khi có dự báo áp lực tăng giá và nhập siêu đang giảm dần, cùng với việc GDP tăng trưởng chậm lại, Việt Nam có thể sẽ nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ, đồng thời đẩy mạnh đầu tư công để khuyến khích tăng trưởng.
Nếu điều này xảy ra thì tăng trưởng GDP và lạm phát đều tăng, và thâm hụt tài khoản vãng lai năm 2009 cũng sẽ cao hơn. Mặt khác, nếu Việt Nam chấp nhận tăng trưởng chậm lại trong năm nay và 2009, đó cũng là bước đi phù hợp với xu thế toàn cầu.
Theo dự báo của ADB, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đi xuống trong cả năm 2009, và đến 2010 có thể khá dần. Vì thế, với mức tăng trưởng 6% vào năm 2009, Việt Nam sẽ chuẩn bị tốt cho sự hồi phục trong các năm 2010-2011, thời điểm kinh tế thế giới được dự báo khởi sắc.
Trong trường hợp Việt Nam vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong 2 năm tới, thì có thể nền kinh tế sẽ gặp phải rủi ro. Ông Konishi nói: “Nếu Việt Nam kích thích tăng trưởng, sẽ là mở cửa “mời” lạm phát vào, sau đó càng khó khăn trong kiểm soát tình hình. Khi kinh tế thế giới phục hồi vào năm 2010-2011, Việt Nam vẫn phải thắt chặt tiền tệ để giảm lạm phát, và sẽ không tận dụng được các cơ hội để phát triển”.
Mặt khác, theo ADB, sẽ đến thời điểm nào đó Việt Nam phải điều chỉnh tiền lương, giá điện và giá cả các mặt hàng thiết yếu khác. Trong khi đó, vẫn có khả năng còn có một đợt bão giá mới trên thị trường toàn cầu. Vì thế, hiện vẫn là sớm để thúc đẩy tăng trưởng GDP trở lại.
ADB cũng nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục giám sát cẩn trọng đối với các tổ chức tín dụng và hành động nhanh để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng ngân hàng có hệ thống, nếu có ngân hàng nào đó lâm vào tình trạng nguy cấp.
BẢO CHÂU