Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ADB: kinh tế tăng trưởng song có nguy cơ thiếu hụt NSNN

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ADB: kinh tế tăng trưởng song có nguy cơ thiếu hụt NSNN

Tư Hoàng

ADB: kinh tế tăng trưởng song có nguy cơ thiếu hụt NSNN
ADB dự báo Việt Nam  tăng trưởng 6,7% năm 2016. Ảnh TH

(TBKTSG Online) – “ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2016 với mức tăng trưởng 6,7%, sau đó sẽ tăng trưởng chậm hơn ở mức 6,5% trong năm 2017”, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam khẳng định tại lễ công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2016 tổ chức sáng 30-3 tại Hà Nội.

Ông Sidgwick cho biết, trong giai đoạn này, tăng trưởng tiếp tục được dẫn dắt bởi đầu tư trực tiếp nước ngoài cao, tiêu dùng và cầu trong nước gia tăng, cùng với các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.

Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ việc gia nhập một loạt hiệp định thương mại tự do mới; khi đi vào thực hiện các hiệp định này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh và thương mại mới cho Việt Nam.

Mặc dù triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn tích cực, báo cáo ADO 2016 cũng chỉ ra một số thách thức trong những năm tới.

Trong nước, theo ông Sidgwick, ADB quan sát thấy có một nhu cầu ngày càng tăng là phải xây dựng lại vùng đệm kinh tế vĩ mô để đảm bảo cho nền kinh tế có sức chống chịu mạnh mẽ hơn trước bất kỳ cú sốc kinh tế nào trong tương lai. Điều này đòi hỏi phải đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường tính bền vững tài khóa và củng cố cơ sở dự trữ ngoại hối.

Theo báo cáo ADO, lạm phát tăng lên trung bình 1,3% trong ba tháng đầu năm 2016 và dự báo đạt trung bình 3,0% trong năm nay và 4,0% trong năm 2017. Chính phủ dự kiến sẽ nâng giá dịch vụ giáo dục và y tế, tăng tiền lương tối thiểu khu vực công. Giá nhập khẩu năm nay sẽ tăng khi tiền đồng mất giá, giá lương thực và nhiên liệu thế giới tăng trong năm 2017 sẽ làm cho lạm phát năm sau cao hơn.

Ngân hàng Nhà nước đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2016 là 18%-20% để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh hơn. Lãi suất cho vay có thể chịu áp lực tăng lên trong giai đoạn dự báo khi lạm phát tăng dần và cầu tín dụng cũng tăng trong khi thanh khoản của ngân hàng eo hẹp hơn.

Chính sách tài khóa sẽ dần dần thắt chặt, song vẫn theo hướng hỗ trợ tăng trưởng. Chính phủ đặt mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống 4,9% GDP trong năm 2016 và 4,0% trong năm 2017. Tiếp tục bước chuyển đã khởi động trong năm 2015, ngân sách 2016 sẽ nhấn mạnh nhiều hơn đến chi đầu tư xây dựng cơ bản, dự kiến sẽ tăng 25,5%. Chi tiêu vãng lai dự kiến tăng ít hơn ở mức 6,5%.

Tuy nhiên, kế hoạch củng cố ngân sách đứng trước một nguy cơ là thất thu. Trong 5 năm qua, thuế suất thu nhập doanh nghiệp giảm, cắt giảm thuế quan và miễn thuế cho các doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên đã làm cho cơ sở thuế yếu đi. Giá dầu giảm cũng làm cho số thu sụt giảm, khi chiếm đến 10% tổng thu ngân sách.

Chính phủ có thể dùng nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và phát hành thêm trái phiếu ngắn hạn để bù đắp cho ngân sách trong ngắn hạn, song ADB cho rằng để đạt được vị thế tài khóa bền vững hơn sẽ cần phải cải cách chính sách thuế để đảo ngược tình thế sụt giảm tỉ lệ thuế so với GDP.

Xuất khẩu hàng hóa trong năm nay tăng 10%, và tăng 14% trong năm 2017 khi có thêm nhiều nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài đi vào sản xuất và các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Giá trị nhập khẩu cũng sẽ tiếp tục tăng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và hàng hóa vốn đều tăng, cũng như để cung cấp đầu vào cho sản xuất. Cán cân vãng lai dự báo sẽ chuyển sang thâm hụt trong năm 2016 và phục hồi trạng thái cân bằng trong năm 2017.

Tiến bộ chậm chạp trong kế hoạch cải cách ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước là những nguy cơ đe dọa triển vọng tích cực của nền kinh tế.

Các ngân hàng thiếu vốn và thiếu minh bạch tài chính sẽ tiếp tục dễ bị tổn thương trước các cú sốc. Tăng trưởng tín dụng phục hồi có thể dẫn đến một làn sóng đầu cơ mới đối với các dự án bất động sản rủi ro cao. Để giảm thiểu những rủi ro này, ngân hàng trung ương đã có bước đi trong đầu năm 2016 nhằm thắt chặt các yêu cầu cho vay vốn đối với bất động sản, và hạn chế tiềm năng mất đối xứng kỳ hạn trong hoạt động cho vay của ngân hàng.

Theo ADB, tăng cường hơn nữa kế hoạch củng cố hệ thống ngân hàng, tăng cường tính minh bạch, phân loại tài sản, giải quyết nợ xấu và các yêu cầu công khai thông tin sẽ là những yêu cầu sống còn để tăng cường được sức mạnh của khu vực ngân hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới