Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ADB: Kinh tế Việt Nam tăng thêm 2% GDP do thương chiến Trung – Mỹ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ADB: Kinh tế Việt Nam tăng thêm 2% GDP do thương chiến Trung – Mỹ

Vũ Dung

(TBKTSG Online) – Việt Nam đang được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ trong bất cứ hoàn cảnh nào. Theo nghiên cứu của ADB thực hiện cuối năm 2018, kinh tế Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 2% GDP nhờ cuộc chiến này.

ADB: Kinh tế Việt Nam tăng thêm 2% GDP do thương chiến Trung - Mỹ

Tăng giá mặt hàng thiết yếu chắc chắn tác động lớn tới CPI trong dài hạn. Ảnh: TD

Dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại buổi công bố báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam ngày 3-4, cho thấy, lạm phát trong nước có thể tăng nhẹ năm 2019, tương đương khoảng 3,5% và tiếp tục tăng nhẹ năm 2020, 3,8%. Điều này là do sự điều chỉnh của một số mặt hàng thiết yếu.

Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick cho hay, dưới áp lực ngân sách, chính phủ đã liên tục tăng giá xăng, điện trong thời gian qua.

“Đương nhiên, điều chỉnh này sẽ tác động tới giá của các mặt hàng khác cũng như chi phí hoạt động của doanh nghiệp”, vị giám đốc ADB tại Việt Nam nhận xét.

Trong ngắn hạn, tác động của lần điều chỉnh này khá khiêm tốn nhưng về dài hạn, sẽ tác động rất lớn tới giá cả hàng hoá và dịch vụ do xăng, điện chiếm tỉ trọng “cực kỳ lớn" trong chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

“Lạm phát trong năm nay khá ổn định nhưng sẽ tăng lên trong năm sau 2020”, lãnh đạo ADB Việt Nam nói.

Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế ADB cho hay, hai yếu tố gây tác động lớn tới lạm phát của Việt Nam là tỉ giá và giá dầu thế giới.

Năm ngoái, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất liên tục đã ngay lập tức gây ra hiện tượng đảo chiều nguồn vốn (nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu để chuyển tiền về Mỹ – PV). Hiện tượng này đã gây áp lực lớn lên đồng nội tệ cũng như tác động tới lạm phát.

“Hai yếu tố này đang có xu hướng giảm nhẹ”, ông Cường nói và cho biết thêm: FED đã quyết định tạm thời không tăng lãi suất; giá dầu dù có biến động nhưng cũng đang chững lại. Hai yếu tố này không còn là nhân tố có thể tác động mạnh tới lạm phát của Việt Nam.

Việc điều chỉnh tăng giá điện, xăng vừa qua của chính phủ sẽ tác động tới lạm phát, theo vị chuyên gia ADB, nhưng nó có thể trở thành xu hướng tăng lạm phát từ nay tới cuối năm hoặc cho năm 2020 hay không, cần phải được theo dõi thêm.

Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ diễn ra ngày 2-4 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,21% so với tháng trước nhưng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Điều này khiến CPI bình quân quý 1 tăng 2,63% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

GDP giảm tốc

ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020. Dù giảm tốc, nhưng trong khu vực Đông Nam Á, Việt nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhất.

Nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2018, do xuất khẩu và nhu cầu nội địa gia tăng mạnh mẽ. Tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng được giữ vững trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, và cầu nội địa được duy trì, ông Sidgwick nhận định. “Động lực tăng trưởng dự kiến sẽ được tiếp tục nhờ những cải cách đang diễn ra liên quan tới môi trường kinh doanh và khuyến khích đầu tư tư nhân”.

Hơn nữa, Việt Nam đang được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nghiên cứu của ADB thực hiện cuối năm 2018 cho thấy, kinh tế Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 2% GDP nhờ cuộc chiến này.

Xét yếu tố xuất khẩu, nghiên cứu ADB đưa ra ba trường hợp diễn biến của cuộc thương chiến Mỹ – Trung và cả ba trường hợp đều có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam theo hướng càng căng thẳng, xuất khẩu càng hưởng lợi. Theo đó, nếu căng thẳng dừng lại như hiện nay, xuất khẩu trong nước tăng 0,8%. Con số này tăng lên 7,3% nếu Mỹ áp thuế lên 200 tỉ đô hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong trường hợp chiến tranh leo thang sang các nước khác, Việt Nam sẽ tăng khoảng 7% xuất khẩu.

“Song, được hưởng lợi hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như năng suất lao động, cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Cường nói.

Bên cạnh cơ hội, báo cáo của ADB cũng chỉ ra những rủi ro rủi ro nền kinh tế trong nước.

Những nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu– vốn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam – đang suy giảm. Việt Nam là một trong những quốc gia phụ thuộc vào thương mại nhiều nhất trong khu vực, với tổng kim ngạch thương mại đạt gấp đôi quy mô GDP. Cạnh đó, ở trong nước, chậm trễ trong tiến trình cải cách các doanh nghiệp nhà nước có thể là lực cản tiềm năng tăng trưởng.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng dài hạn, doanh nghiệp tư nhân phải tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, song theo ADB, đây là một trong những thách thức lớn trong chính sách của Việt Nam thời gian tới.

Ngân hàng Phát triển Châu Á khuyến nghị, nhà nước cần có chính sách tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như nâng cao năng lực của họ – gồm cả kỹ năng của người lao động và quản trị doanh nghiệp – giúp khối này áp dụng tốt hơn các công nghệ mới và đạt được giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Mời đọc thêm:

Chính phủ “khởi tạo” – động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới