Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ADB tăng cường hỗ trợ các nước nghèo châu Á

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ADB tăng cường hỗ trợ các nước nghèo châu Á

Thái Bình – Thu Hằng

Chũ tịch ADB, Haruhiko Kuroda, công bố những biện pháp hỗ trợ nước nghèo vượt qua khủng hoảng và đối phó với dịch cúm. Ảnh AFP

(TBKTSG Online) – Ngân hàng Phát triển châu Á hôm nay tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ các nước trong vùng đương đầu với sự lây lan của vi rút H1N1 giống như ADB đã làm trong thời kỳ bùng nổ dịch SARS.

Chủ tịch ADB, ông Haruhiko Kuroda nói rằng thật khó đánh giá tác động kinh tế của dịch cúm đối với châu Á bởi vì cho đến nay khu vực này chưa bị ảnh hưởng nặng lắm, nhưng quan ngại rằng du lịch, hàng không và các ngành liên quan sẽ bị thiệt hại.

“Dịch cúm heo sẽ trở nên nghiêm trọng nhưng vẫn chưa có gì chắc chắn. Vào lúc này châu Á chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch cúm nhưng chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho những hành động cần thiết”, Chủ tịch ADB Kuroda nói tại cuộc họp báo khai mạc hội nghị thường niên của ADB trên đảo du lịch Bali của Indonesia hôm nay, thứ Bảy 2-5. Các nhà tài trợ và các nước thành viên của định chế tài chính khu vực sẽ bắt đầu họp chính thức vào thứ Hai tuần tới.

“Chúng ta đã trải qua dịch SARS (hội chứng suy hô hấp cấp) và dịch cúm gà mấy năm gần đây. Thông qua kinh nghiệm, chúng ta đã chuẩn bị tốt cho loại bệnh truyền nhiễm này, và ADB sẵn sàng cung cấp mọi sự hỗ trợ tài chính cần thiết”, ông Kuroda nói.

Tăng vốn vay, lập quỹ CSF

Để đối phó với cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, ông Kuroda thông báo ADB sẽ nâng tổng số vốn cho vay trong hai năm 2009-2010 lên 32,9 tỉ đô la Mỹ, tăng gấp rưỡi so với mức 22,4 tỉ đô la Mỹ đã cho vay trong 2 năm 2007-2008. Trong 10 tỉ đô la tăng thêm sẽ có 1 tỉ đô la dành riêng cho tài trợ thương mại và 3 tỉ đô la lập một quỹ hỗ trợ chống suy thoái theo chu kỳ (CSF – counter-cyclical support facility), để thúc đẩy khả năng chi tiêu tài chính của các thành viên đang phát triển trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

“Quỹ CSF cung cấp tín dụng nhanh hơn và rẻ hơn so với chương trình cho vay đặc biệt hiện hành của ADB. Tôi tin đây sẽ là một sáng kiến rất được hoan nghênh nhằm hỗ trợ các nền kinh tế đang chao đảo và quan trọng nhất là bảo vệ người nghèo khỏi tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng”, ông Kuroda nói.

Hai ngày trước, hôm thứ Năm 30-4, Ngân hàng ADB cũng thông báo tăng gấp ba nguồn vốn của ADB từ 55 tỉ đô la Mỹ lên 165 tỉ đô la Mỹ, cho phép ngân hàng này tăng hoạt động cho vay tới các nước đang phát triển ở châu Á mà hầu hết đều bị tác động của đợt tăng giá đầu năm ngoái và suy giảm xuất khẩu, cạn kiệt tín dụng hiện nay.

Những chính sách hỗ trợ mới

ADB cho biết, “việc hỗ trợ sẽ bao gồm các khoản đầu tư dự án, các khoản vay dựa trên chính sách giải ngân nhanh, bảo lãnh, và những sáng kiến mới được thiết kế nhằm vào những nhu cầu cụ thể. ADB cũng sẽ mở rộng sự hỗ trợ của mình thông qua những khoản trợ cấp cho phân tích chính sách và xây dựng năng lực”. Theo ADB, GDP của các nước châu Á đang phát triển được dự tính là giảm 3,4% trong năm nay từ con số 9,5% trong năm 2007.

Các chính phủ trong khu vực cũng đã thúc đẩy chi tiêu và hạ lãi suất để kích thích nhu cầu trong nước nhằm bù đắp nhu cầu đang sụt giảm đối với hàng xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ. Nhưng ADB cũng lo sợ rằng giải pháp đặt ra có thể vượt quá khả năng của một số nước và muốn đưa ra một kế hoạch giúp những nước thành viên nghèo hơn đối phó với khủng hoảng. “Nhiều chính phủ trong khu vực đã thúc đẩy chi tiêu để khuyến khích tiêu dùng trong nước, bù lại sự sụt giảm nhu cầu ở nước ngoài, nhưng không phải chính phủ nào cũng có thể làm được điều đó”, ADB nhận định.

Gia tăng giám sát

Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng sự gia tăng cơ sở vốn của ngân hàng này phải đi cùng với sự giám sát chặt chẽ hơn những tác động môi trường và xã hội của các dự án vay tiền của ADB. Bà Joanna Levitt của Dự án Trách nhiệm Giải trình Quốc tế (International Accountability Project) nhận định, “ADB sẽ đi ngược lại với thực tế hiện tại nếu họ không tăng cường những chính sách bảo vệ môi trường và xã hội. Không có những sự cải thiện thực sự, chúng ta có thể thấy được việc sử dụng thiếu thận trọng những khoản vốn trợ cấp của ngân hàng, do những dự án không có hiệu quả”.

Phản ứng lại với những lo lắng này, ADB đã công bố những kế hoạch tăng cường quy trình giám sát nội bộ để bảo vệ những người kiểm soát, những người thông báo sự quản lý yếu kém trong các dự án liên kết với ADB. Trưởng ban kiểm soát của ADB, Philip Daltrop, cho biết, “ADB không tha thứ cho bất cứ sự tham nhũng nào. Điều cần thiết là chúng ta phải bảo vệ những người cung cấp thông tin”.

(tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới