Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

 ADB, Úc hỗ trợ ĐBSCL đối phó biến đổi khí hậu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

 ADB, Úc hỗ trợ ĐBSCL đối phó biến đổi khí hậu

Thu Nguyệt

(TBKTSG Online) – Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Úc sẽ hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại 1,3 triệu đô la Mỹ để giúp ĐBSCL đối phó với tác động của biến đổi khí hậu.

Cụ thể, dự án sẽ giúp Việt Nam đánh giá đầy đủ các đe dọa từ biến đổi khí hậu lên ĐBSCL và hành động cần thiết để thích ứng với tình trạng mực nước biển dâng cao cùng lũ lụt thường xuyên hơn.

Hỗ trợ kỹ thuật trên gồm hai phần. Thứ nhất là lập mô hình và đánh giá để xác định các điều kiện khí hậu có thể xảy ra trong tương lai tại khu vực và tác động của nó. Thứ hai là xác định các biện pháp thích ứng cho những khu vực và ngành cụ thể. Mục tiêu của giai đoạn thứ hai là thiết lập các dự án hành động thí điểm để sau đó nhân rộng ra các tỉnh thành và ngành nghề khác.

Kiên Giang và Cà Mau là hai tỉnh ven biển được chọn để tiến hành các phân tích chi tiết và thí điểm. Các ngành được chọn là năng lượng, giao thông và nông nghiệp.

Tổng chi phí cho dự án là 1,63 triệu đô la Mỹ, trong đó 800.000 đô la Mỹ do chính phủ Úc tài trợ sẽ được cơ quan đại diện của ADB ở Manila quản lý. Riêng ADB cung cấp 500.000 đô la Mỹ từ Quỹ Biến đổi khí hậu, còn chính phủ Việt Nam sẽ đóng góp 330.000 đô la Mỹ. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện dự án từ tháng 1-2010 đến tháng 4-2011.

Theo ADB, hiện một số cơ quan phát triển đang hỗ trợ Việt Nam để đối phó với biến đổi khí hậu, nhưng chưa có nghiên cứu toàn diện nào được tiến hành để đánh giá tác động của những rủi ro thời tiết nghiêm trọng lên ĐBSCL.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu nhiều rủi ro nhất thế giới từ biến đổi khí hậu. Trong đó, ĐBSCL là nơi có thể chịu thiệt hại nhiều nhất ở Việt Nam. Đây là nơi cư trú của 1/5 tổng dân số và là vựa lúa của cả nước. Các nghiên cứu ban đầu cho thấy, 31% tổng diện tích đất được sử dụng cho nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL có nguy cơ bị xâm thực nặng khi mực nước biển tăng thêm 1m đến năm 2100.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới