Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

AERCAP cam kết tiếp tục hoãn, giãn nợ thuê máy bay cho Vietnam Airlines

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Vietnam Airlines vừa phối hợp tập đoàn cho thuê máy bay thương mại lớn nhất thế giới AERCAP tổ chức buổi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Scotland hôm 3-11 để cùng tìm các giải pháp cho Vietnam Airlines nói riêng và ngành hàng không Việt Nam nói chung phục hồi sau dịch bệnh thông qua các hoạt động hoãn, giãn nợ.

Lãnh đạo Tập đoàn cho thuê máy bay AERCAP tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Scotland. Ảnh:VNA

Vietnam Airlines (VNA) hiện đang thực hiện 65 hợp đồng thuê máy bay với 12 đối tác cho thuê và AERCAP là đối tác lớn nhất.

Đàm phán với các bên cho thuê máy bay là quá trình rất khó khăn cho VNA vì đối tác đều cho rằng VNA là hãng hàng không quốc gia với cổ phần chi phối của Nhà nước nên khó có khả năng phá sản. Mặc dù hầu hết các bên cho thuê máy bay đều khẳng định đang chia sẻ, hỗ trợ VNA vượt qua giai đoạn khó khăn, nhưng phần lớn chỉ chào hỗ trợ trong giai đoạn ngắn hạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chủ yếu cho giãn, hoãn thanh toán tiền thuê trong 3-6 tháng.

Song song với việc triển khai đàm phán cấp cao với các bên cho thuê máy bay, cho đến nay VNA mới chỉ thực hiện thanh toán một phần các khoản nợ quá hạn từ 5% đến 30% phụ thuộc vào kết quả đàm phán hỗ trợ với từng đối tác (thông qua khoản vay tái cấp vốn) để mong muốn các bên cho thuê máy bay tiếp tục hỗ trợ cho VNA ở mức tốt hơn và dài hạn hơn.

Do đó, các cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo Tập đoàn AERCAP là điều kiện đầu tiên để các cuộc đàm phán trực tiếp về giãn, hoãn thanh toán tiền thuê đội máy bay được thuận lợi hơn.

Trao đổi với ông Aengus Kelly – Tổng giám đốc AERCAP, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đang từng bước kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và đã có lộ trình mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là mở các đường bay quốc tế. Đây là cơ sở quan trọng để hàng không Việt Nam và Vietnam Airlines phục hồi. Thủ tướng cho rằng khó khăn của ngành hàng không chỉ là tạm thời, đồng thời tin tưởng Vietnam Airlines và AERCAP sẽ có nhiều cơ hội hợp tác trong dài hạn và trở thành đối tác chiến lược của nhau.

Thủ tướng chia sẻ thêm, Chính phủ Việt Nam – với tư cách là chủ sở hữu lớn nhất của Vietnam Airlines – cũng đã có những phương án phục hồi cho Vietnam Airlines và cam kết duy trì, phát triển hãng hàng không quốc gia. Thủ tướng khẳng định, cùng với các giải pháp của Chính phủ, rất cần thiết phải có sự chung tay, chia sẻ của các đối tác, bạn hàng của Vietnam Airlines, đặc biệt là các đối tác cho thuê máy bay như AERCAP.

Về phía AERCAP, ông Aengus Kelly cho biết các kết quả đàm phán tích cực với Vietnam Airlines trong thời gian qua và đưa ra cam kết tiếp tục đồng hành cùng hãng thông qua các giải pháp như giãn, hoãn thanh toán, giảm giá thuê máy bay… AERCAP đánh giá cao Vietnam Airlines về năng lực, chất lượng quản trị và hoàn toàn tin tưởng vào sự phục hồi, phát triển mạnh mẽ của hãng sau đại dịch. Người đứng đầu tập đoàn AERCAP cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam sớm mở lại biên giới, tạo điều kiện để các hãng hàng không khôi phục đường bay và nhanh chóng phục hồi.

Với đội máy bay gồm 107 chiếc, Vietnam Airlines có chi phí máy bay chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu tổng chi phí. Có đội máy bay quy mô lớn trong khi hoạt động vận tải bị ngưng trệ, sụt giảm đã gây ra áp lực chi phí không nhỏ lên hãng. Do đó, việc tái cơ cấu đội tàu bay, cắt giảm chi phí là mục tiêu chiến lược để Vietnam Airlines sớm vượt qua khó khăn trong giai đoạn Covid-19. Đàm phán với các đối tác thuê máy bay để giảm giá tiền thuê, lùi lịch nhận các máy bay mới… là một số giải pháp của Vietnam Airlines đã được thực hiện trong 2 năm quan, nhằm thực hiện mục tiêu này.

Đội bay của Vietnam Airlines phải “nằm sân” trong đợt dịch bùng phát dịch hồi tháng 7 vừa qua.
Ảnh: N.L

Hiện AERCAP là tập đoàn cho thuê máy bay thương mại lớn nhất thế giới với hơn 2.000 máy bay thương mại cho thuê và tổng giá trị tài sản lên tới 75 tỉ đô la Mỹ. Vietnam Airlines là đối tác lớn của AERCAP trong gần 20 năm qua, được đánh giá là đối tác thuê có độ tín nhiệm cao trong cộng đồng hàng không quốc tế.

Trong cơ cấu chi phí của VNA, chi phí thuê máy bay là nhóm chi phí cố định có tỷ trọng lớn, chiếm đến 14-16% tổng chi phí (giai đoạn trước Covid) và lên tới 31-32% giai đoạn 2020-2021 (giai đoạn Covid). Tổng chi phí máy bay (gồm thuê và sở hữu) chiếm khoảng 20-22% (giai đoạn trước Covid) và tăng lên 37-42% giai đoạn 2020-2021 (giai đoạn Covid). Do vậy, kết quả đàm phán tái cơ cấu chi phí đội máy bay với các bên cho thuê đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ giúp VNA giảm lỗ trong giai đoạn Covid mà còn nhằm cấu trúc lại chi phí, giúp VNA vượt qua khó khăn, hồi phục và tiếp tục phát triển trong thời kỳ hậu Covid.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới