Agro-Park đặt cược vào phát triển bền vững
![]() |
Một heo nái đẻ khoảng 15 con/lứa. Trang trại này ở Pontivy nuôi 600 heo nái để đảm bảo kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường. Ảnh: Q.T |
(TBKTSG Online) – Một thỏa thuận được ký kết, các chuyến tham quan tìm hiểu lẫn nhau, và mới đây là một cam kết từ phía lãnh đạo vùng. Tất cả đang đặt nền móng cho một dự án hợp tác lâu dài giữa các doanh nghiệp vùng Bretagne (Pháp) và tỉnh Đồng Nai trong lĩnh vực chăn nuôi heo và chế biến thực phẩm.
Là một nhà máy thuộc tập đoàn Glon, RVE (Rohan Viandes Elaboration) cung cấp thịt heo và thịt gà đã chế biến sẵn cho các nhà hàng, căng tin, siêu thị. Mỗi ngày, thường vào lúc 4g30 sáng, RVE nhận thịt heo đã lọc sẵn từ lò giết mổ gần đó, chủ yếu là thịt vai, lưng và sườn nguyên miếng tươi, để xử lý hết trong ngày.
Sản phẩm được chế biến trong điều kiện đảm bảo vệ sinh nghiêm ngặt, đóng gói bao bì chân không hoặc bơm thêm khí trước khi đến tay khách hàng theo đúng yêu cầu. Chẳng hạn những miếng sườn cốt lết có trọng lượng khoảng 160g, được cho vào thiết bị ướp gia vị rồi đóng bao 4 miếng thịt/hộp để chuyển đến hệ thống siêu thị chuyên bán hàng lạnh Picard ở Pháp.
Có thể xem RVE là mắt xích cuối cùng của quy trình “từ trang trại đến bàn ăn” mà tập đoàn Glon và đối tác Donataba (Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai) đang muốn triển khai tại Đồng Nai thông qua dự án Agro-Park.
Vùng Bretagne đứng sau dự án của Glon
Đó là khẳng định của ông chủ tịch Jean-Yves Le Drian khi tiếp chúng tôi tại Rennes, thủ phủ của vùng Bretagne ngày 12-2-2009. “Vùng Bretagne có truyền thống chế biến thực phẩm và luôn ở nhóm hàng đầu của châu Âu về truy nguyên nguồn gốc và an toàn thực phẩm”, ông nói. “Chúng tôi đã có 40 năm cách mạng trong cách thức sản xuất, cải tiến kinh doanh và hướng đến thực phẩm tương lai. Vì vậy, chúng tôi rất ủng hộ việc Glon đầu tư ở Đồng Nai, bởi vùng Bretagne chúng tôi chủ trương tìm kiếm những hình thức hợp tác cân bằng và lâu dài, được đeo đuổi liên tục đều đặn”.
Trên diện tích 55 triệu ha lãnh thổ ở Pháp, có đến 32 triệu ha dành cho canh tác nông nghiệp. Pháp có 2,6 triệu lao động liên quan đến nông nghiệp. Cứ một nhà nông ở Pháp nuôi được 60 người. Theo định hướng phát triển nông nghiệp từ nay đến 2013 được Tổng thống Nicolas Sarkozy công bố, Pháp phấn đấu trở thành nhà sản xuất sản phẩm nông nghiệp chế biến hàng đầu thế giới và cường quốc nông nghiệp thứ ba thế giới. Thu nhập trung bình hàng năm của nhà chăn nuôi heo sẽ phải đạt 16.000 euro, bò là 16.100 euro, trồng nho làm vang là 35.000 euro, sản xuất ngũ cốc là 44.700 euro. |
Trong chuyến thăm Việt Nam vừa rồi (từ 16 đến 18-3), ông Le Drian đã cụ thể hóa sự ủng hộ của vùng Bretagne theo hướng “đôi bên cùng có lợi” bằng một cam kết ký với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, trong đó ông nhấn mạnh đến hỗ trợ hoạt động đào tạo nhân lực cho dự án. Riêng về chuyện kêu gọi những doanh nghiệp của vùng Bretagne tham gia đầu tư vào khu Agro-Park có tổng diện tích 1.700 ha, phần việc này được giao cho Bretagne International, một tổ chức xúc tiến đầu tư cho vùng thông qua nhu cầu của các doanh nghiệp. Trước mắt, ông Marc Gillaux, chủ tịch Bretagne International cho biết có đến 4.000 doanh nghiệp vùng Bretagne có khả năng trong hợp tác quốc tế. Về lâu dài, hẳn cả hai phía – Glon và Donataba – còn phải nỗ lực rất nhiều để mô hình Agro-Park thành công, như phát biểu của phó chủ tịch tỉnh Đồng Nai, ông Đinh Quốc Thái tại cuộc họp báo tổ chức ở TPHCM ngày 18-3.
Tại Pontivy (Morbihan), thủ phủ của Glon, tập đoàn này kết nối một mạng lưới gồm 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Riêng trong lĩnh vực chế biến thịt heo, nhà máy Sanders cung cấp thức ăn dinh dưỡng cho các chủ trang trại nuôi heo là thành viên các hợp tác xã, chẳng hạn L’Armorique, để các đơn vị này cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thực phẩm mà RVE là một trong số đó. Trong đoàn Bretagne đến Việt Nam vừa rồi, anh Jean-Marc Nicolas là một chủ trại heo. Trại của anh có 200 con heo nái và khoảng 4.500 heo thịt. Bí quyết của chăn nuôi heo ở Bretagne là ở giống heo và thức ăn nuôi heo. France Hydride (có mặt ở Việt Nam từ 10 năm nay) và France Genes cung cấp tinh hoặc heo nọc cho các trại heo, trong đó có áp dụng những thành tựu của nghiên cứu di truyền. Thức ăn nuôi heo được Sanders sản xuất cho từng độ tuổi phát triển để sau 24 tuần, heo con từ 8 kg đạt trọng lượng 120 kg lúc vào lò mổ.
Những mắt xích còn thiếu
Để có được một dây chuyền liên kết đầy đủ các mắt xích trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm như hiện nay ở tập đoàn Glon, ông chủ tịch Alain Glon cho rằng “chúng tôi cần nông dân hơn nông dân cần chúng tôi”, bởi toàn bộ hệ thống phải dựa vào sản xuất nông nghiệp và đặc biệt quan tâm đến lợi ích của người nông dân. Lịch sử phát triển nông nghiệp của vùng Bretagne vẫn có những xung đột lợi ích, chẳng hạn năm 1960 là cuộc chiến artichaut, năm 1961 các nhà trồng rau biểu tình, năm 1962 là khủng hoảng của nghề nuôi gia cầm… Phải từ những năm 1970, Bretagne mới chuyển từ kỷ nguyên sản xuất nông nghiệp sang kỷ nguyên chế biến thực phẩm.
Bí quyết công nghệ mà vùng Bretagne tích lũy được từ mấy chục năm qua rất hữu ích cho Đồng Nai trong việc phát triển chăn nuôi và chế biến thực phẩm từ heo. Tuy nhiên, nếu như tiến bộ công nghệ và máy móc có thể giúp lấp được cách biệt trong vận hành dây chuyền, vấn đề quan trọng còn lại nằm ở cách suy nghĩ trong quản lý.
Cùng đi trong đoàn Bretagne, Hénaff là doanh nghiệp sản xuất pâté từ heo nguyên con được mua ở các hợp tác xã, chở về giết mổ ngay tại nhà máy để làm ra sản phẩm cuối cùng là hộp pâté phục vụ thị trường nội địa và xuất sang nhiều quốc gia khác, “trong đó có Việt Nam từ gần 20 năm nay”, theo lời của bà Ginette Hénaff. Có thể thoáng nhìn thấy một mô hình tương tự cần được triển khai ở Agro-Park. Tuy nhiên, qua những chuyến đi thực tế, ông tổng giám đốc Jean-Jacques Hénaff vẫn nhấn mạnh đến một mắt xích quan trọng chưa được đáp ứng đầy đủ: hệ thống trữ lạnh.
![]() |
Nhà máy RVE chế biến sản phẩm từ thịt heo pha lọc sẵn có nguồn gốc truy nguyên rõ ràng. Ảnh: Q.T |
Theo ông Jean-Jacques, thịt heo cần phải được trữ lạnh trước khi chuyển sang bộ phận chế biến, như những gì chúng tôi đã quan sát được tại nhà máy Hénaff ở ở Pouldreuzic (Finistère) và nhà máy RVE. Trong khi ở Việt Nam, ông nhận thấy rằng thịt heo tươi và ngon là còn nóng khi vừa giết mổ. Khác biệt về quan niệm này có lẽ xuất phát từ đặc điểm sản xuất công nghiệp hiện đại, khi khâu giết mổ khó có thể đưa thịt heo vừa pha lọc xong vào phục vụ ngay dây chuyền sản xuất.
Hơn nữa, việc trữ lạnh còn là yêu cầu bắt buộc giúp chống nhiễm khuẩn, góp phần vào tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, thị trường thịt heo pha lọc sẵn cũng là một mắt xích giúp vận hành tốt công nghiệp chế biến thực phẩm, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng đầu tư lò giết mổ và pha lọc thịt, như trường hợp nhà máy RVE. Một trại heo nuôi đến trên 10.000 con ở Đồng Nai, so với trại heo chỉ vài trăm hoặc vài ngàn con như ở Pontivy, cũng đặc ra thách thức rất lớn trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Sau lần trở lại thăm dây chuyền nhà máy giết mổ heo của Donataba mới đây, ông Jean-Jacques nhận xét: “Cần chú ý những cải tiến để vận hành tốt hơn, tức yếu tố con người. Việc phát hiện những sai sót trong dây chuyền phải từ chính con người nhằm nâng chất lượng công việc, hiểu được sai sót từ đâu ra”. Cũng dễ hiểu khi ông đánh giá khắt khe yếu tố quản lý trong dây chuyền, bởi Hénaff là nhà máy sản xuất pâté duy nhất ở Pháp được các thanh tra Mỹ chấp nhận cho xuất hàng vào thị trường Mỹ. Tại nhà máy, kiểm tra thú y được thực hiện trên từng con heo vừa cắt mổ, các thông số lưu ngay vào máy tính để phục vụ cho việc truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, một yêu cầu bắt buộc trong thời kỳ người tiêu dùng rất nhạy cảm với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. “Tôi nhận thấy Thái Lan chưa đạt chuẩn, nhưng họ vẫn xuất được thịt heo sang Nhật”, ông lưu ý. Điều này cho thấy những chuẩn đặt ra đôi khi cũng phải tính đến thực tế địa phương.
Đối với Agro-Park, phải mất rất nhiều năm, thậm chí cả chục năm, để mô hình đạt được hiệu quả mong muốn. Đó cũng là thời gian thử thách quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và doanh nghiệp trong sự lựa chọn phát triển bền vững. Tăng thêm giá trị cho sản phẩm nông nghiệp rõ ràng là hướng đi đúng trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế đang làm điêu đứng các ngành sản xuất công nghiệp và nhu cầu nuôi sống con người vẫn chưa được đáp ứng và cải thiện. FAO, Tổ chức lương nông thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc thống kê năm 2007, cả thế giới có đến 923 triệu người thiếu ăn. Cuộc khủng hoảng tài chính trong năm 2008 chỉ càng làm tình hình tồi tệ hơn.
Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, tổng giám đốc Donataba cho biết Agro-Park cần đầu tư 200 triệu đô la Mỹ để triển khai cơ sở hạ tầng phục vụ cho công nghiệp chế biến thực phẩm, trong đó có hệ thống xử lý nước thải đang là điều kiện tiên quyết để bảo đảm phát triển bền vững (nhà máy Hénaff sản suất 150.000 hộp pâté/ngày đã phải đầu tư hơn 1 triệu euro cho hệ thống xử lý nước thải). Trong khi chờ đợi sớm thành lập một ban quản lý dự án (Benoit Glon, con trai ông Alain sẽ đến Đồng Nai vào mùa hè này cùng gia đình), bà Hồng cho biết Donataba còn phải nghĩ đến một yếu tố không kém phần quan trọng: nguồn nhân lực cho nông nghiệp và cho chế biến. Đây cũng là một “mắt xích” mà dự án phải gắn kết trước khi mời gọi các doanh nghiệp đặt chân vào Agro-Park.
“Tôi quan tâm đến dự án này, có thể là đầu tư dưới hình thức liên doanh với một đối tác nào đó. Tất nhiên tôi còn phải chờ thêm thời gian để đánh giá mọi việc cụ thể hơn”, ông Jean-Jacques kết luận. Ông chủ thế hệ thứ ba của nhà máy pâté Hénaff thành lập cách nay 102 năm không thể quyết định kinh doanh chỉ dựa vào tình cảm đối với những bạn học phổ thông là người Việt tại Pháp, trong đó có người trở thành giáo sư dạy toán ở đại học Sorbonne.
QUANG THÁI