Ai Cập: sự thay đổi muộn màng
Ngô Minh Trí
![]() |
Bất ổn chính trị tại Ai Cập mới đây có thể là kết quả của sự tích tụ lâu dài những bất ổn của nền kinh tế. Ảnh: The Australian |
(TBKTSG Online) – Những bất ổn chính trị thường luôn đồng hành cùng bất ổn kinh tế. Thế nên, sự thoái vị của ông Hosni Mubarak cũng là kết quả của sự tích tụ lâu dài những bất ổn của nền kinh tế Ai Cập. Đó còn là bài học về những thay đổi muộn màng.
Ngay sau khi ông Ben Ali phải tháo chạy khỏi Tunisia, người ta bắt đầu nhắc đến những ảnh hưởng có thể lan rộng của sự kiện đó. Nhiều nước lân cận ở Trung Đông lẫn châu Phi được xem là khu vực có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất. Khi đó, đài BBC có nói đến danh sách một số quốc gia có các lãnh đạo “cao niên” đã và đang cầm quyền nhiều năm nay; trong số đó ông Hosni Mubarak trở thành “ứng viên sáng giá” cho khả năng phải rời khỏi đỉnh cao quyền lực, bởi vấn đề kinh tế đang trở thành thử thách to lớn mà bản thân ông khó có thể vượt qua được.
Thực ra, bản thân cựu tổng thống Hosni Mubarak đã nhìn thấy được những bất ổn kinh tế đang ngày càng thể hiện rõ hơn trong nền kinh tế AI Cập. Tháng 12-2010, sau khi đảng NDP của ông Mubarak chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội, ông Mubarak đã đăng đàn hứa hẹn sẽ giúp cho kinh tế Ai Cập đạt mức tăng trưởng 8% trong 5 năm tới, mức tăng trưởng mà Ai Cập từng đạt được trước cơn khủng hoảng toàn cầu. Có thể, mức tăng trưởng mà ông Mubarak hứa hẹn không quá xa so với con số 4,7% của năm 2009 và 5% của năm 2010 hay mức tăng trưởng năm nay được dự báo là 6%, nhưng bất ổn của nền kinh tế Ai Cập không chỉ đơn giản là con số tăng trưởng.
Cuối tháng 1-2011, hãng Moody’s đã chính thức hạ bậc tín nhiệm nợ của Ai Cập từ mức BA1 xuống thành BA2, và đánh giá tình trạng của Ai Cập từ mức “ổn định” xuống còn “tiêu cực”. Đó không chỉ là kết quả của việc người dân Ai Cập bắt đầu xuống đường phản đối chính phủ của ông Mubarak mà vì nhiều nguyên nhân khác. Cho đến tháng 6-2010, tổng số nợ công của Ai Cập đã lên mức 1.080 tỉ bảng Ai Cập (khoảng 183,7 tỉ đô la Mỹ), tương đương 89,5% GDP. Không chỉ thế, đến cuối năm 2010, Ai Cập bị thâm hụt ngân sách lên đến 8% GDP. Lạm phát ngày càng tăng nhanh với mức 10%, đặc biệt là giá thực phẩm tăng đến 17%. Tỷ lệ thất nghiệp 10% được chính quyền Mubarak công bố cũng bị nhiều người nghi ngờ, một số kinh tế gia cho rằng tỷ lệ thất nghiệp thực tế có thể lên đến 25%.
![]() |
Có đến 40% dân số Ai Cập đang sống dưới mức nghèo khó, theo WB. Ảnh: The Australian |
Lạm phát tăng nhanh làm tăng gánh nặng cho dân chúng Ai Cập với số lượng người nghèo đang ở mức cao. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, có đến 40% dân số Ai Cập đang sống dưới mức nghèo, tức có mức sống dưới 2 đô la Mỹ mỗi ngày và thu nhập trung bình hàng năm của người dân chỉ hơn 2.000 đô la Mỹ. Người nghèo của Ai Cập vốn phụ thuộc vào trợ cấp lương thực, nhiên liệu và các mặt hàng khác, có thể phải cần khoản trợ cấp lên đến 17,4 tỉ đô la Mỹ – một con số khổng lồ mà trong bối cảnh hiện tại của Ai Cập, chính quyền khó có thể đảm đương.
Rõ ràng, khi tình hình kinh tế ngày càng khó khăn, những kiềm hãm về chính trị với mức độ dân chủ thấp, thì những thay đổi nếu có sẽ là rất giới hạn. Chính vì thế, những hứa hẹn của ông Mubarak về con số 8% tăng trưởng đã không đủ sức thuyết phục người dân. Cuộc xuống đường của hàng trăm nghìn người đã trở thành một hệ quả tất yếu, nhất là khi nó được tiếp sức bởi những thay đổi mới vừa diễn ra ở Tunisia.
Không chỉ thế, cái giá của cuộc xuống đường phản đối cũng đã khiến cho người dân Ai Cập không còn được phép rút lui, bởi nền kinh tế đã bị tác động nghiêm trọng. Phí tổn mà nền kinh tế Ai Cập phải gánh chịu từ cuộc biểu tình, do Ngân hàng đầu tư Credit Agricole tính toán, lên đến 310 triệu đô la Mỹ mỗi ngày. Thị trường chứng khoán Ai Cập mất 20% giá trị chỉ sau hai ngày đầu của cuộc biểu tình. Mức tăng trưởng 6% dự báo trong năm nay cũng bị hạ xuống chỉ còn 3,7%, đồng bảng Ai Cập dự báo sẽ mất giả đến khoảng 20%. Ngành du lịch Ai Cập bị tê liệt trong nhiều ngày và có thể sẽ còn tiếp tục ngưng trệ, trong khi ngành du lịch của nước này đạt doanh thu đến 11,6 tỉ đô la Mỹ trong năm 2009 và sử dụng 12% lực lượng lao động. Các hoạt động vận chuyển qua kênh đào Suez, vốn đem lại giá trị không nhỏ, cũng rơi vào tình trạng tê liệt, nhiều hãng vận chuyển đã tạm ngưng hoạt động tại Ai Cập. Nhiều chuyên gia kinh tế còn nhận định nền kinh tế Ai Cập đang đi vào tình trạng tê liệt hoàn toàn.
Cho nên, quyết tâm đạt được mục đích của những người biểu tình càng cao hơn khi cái giá mà họ phải trả đã quá lớn. Khi người dân xuống đường không còn đường lui thì ông Mubarak phải ra đi trở thành điều tất yếu kế tiếp, những cam kết thay đổi mà ông Mubarak đề ra đã trở nên quá muộn màng.
Những gì vừa diễn ra tại Ai Cập là một bài học cho mọi chính phủ. Đó là chính quyền cần phải có những thay đổi kịp thời để đảm bảo cho sự phát triển cũng như cuộc sống của người dân. Khi người dân không còn tin tưởng thì những thay đổi nếu có cũng trở nên quá muộn màng và chính quyền dù mạnh đến đâu, như đảng NDP của ông Mubarak chiếm đến 90% quốc hội, cũng sẽ phải sụp đổ.