Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ai cũng có thể làm thầy, cô giáo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ai cũng có thể làm thầy, cô giáo

Ngọc Hùng

Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 vừa qua, nhiều bạn bè của tôi dù ra trường đã nhiều năm nhung vẫn viết những dòng cảm nhận, lời chúc về người thầy, người cô trên facebook của họ như một cách để ôn lại những kỷ niệm đáng nhớ trong những ngày tháng còn ngồi trên ghế nhà trường.

Một người bạn của tôi đã thống kê là cậu ấy có hơn 100 thầy cô đã dạy cho cậu ấy từ ngày học vỡ lòng đến đại học. Đó là chưa kể những người đã dạy cho cậu ấy những kinh nghiệm, lối sống, cách đối nhân xử thế và nếu xét theo khía cạnh này thì số thầy cô sẽ nhiều vô kể.

Viết đến đây tôi nhớ lại trong một buổi làm việc giữa lãnh đạo TPHCM với vị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Israel. Câu chuyện xoay quanh trang trại thực nghiệm bò sữa ở Bình Chánh do Israel hỗ trợ đã thu được kết quả nhanh hơn mong đợi của cả hai bên. Lý do, lượng sữa sản xuất mỗi ngày của đàn bò sữa ở đây đã tăng nhanh trong một thời gian ngắn.

Sau đó, ông bộ trưởng tiết lộ rằng, chuyên gia mà chính phủ Israel gửi qua hỗ trợ TPHCM thực chất là một nông dân nuôi bò chứ không phải là một nhà khoa học về dinh dưỡng vật nuôi. Nghe đến đây, có ai đó trong buổi tiếp đã ồ lên một tiếng rõ to.

Ông nói, khi có kế hoạch hỗ trợ ngành chăn nuôi bò sữa TPHCM nên ông đã đến một trang trại chăn nuôi bò sữa và mời ông ấy sang giúp nông dân TPHCM biết cách phối trộn thức ăn, cách chăm sóc làm sao để bò có thể tăng năng suất sữa nhiều nhất có thể.

Theo vị khách đến từ Israel, để dạy nông dân không cách nào hay nhất là chính những người nông dân giỏi trong lĩnh vực đó, chỉ như vậy, họ sẽ dạy những cách làm cụ thể thiên về thực hành hơn là kiến thức khoa học đang giảng dạy ở các khoa chăn nuôi của trường đại học.

Cách đây mấy năm, sau khi đi tìm hiểu thị trường chăn nuôi một số nước trong khu vực, một lãnh đạo doanh nghiệp nhận thấy người tiêu dùng ở những quốc gia này rất ưa chuộng loại gà nuôi bằng thảo mộc. Trở về nhà, vị này cho đầu tư phát triển đàn gà nuôi bằng thảo mộc nhằm cung cấp cho thị trường TPHCM. Song, mọi việc chỉ dừng lại ở mô hình thí điểm mà không thể nuôi đại trà được mặc dù họ có trong tay những kỹ sư chăn nuôi được đào tạo bài bản ở trường đại học.

Tuy nhiên, mới đây, một phụ nữ mới học đến lớp 3 chỉ sau hai năm tự mày mò đã cho ra những lứa gà thảo mộc đạt chất lượng tương tự công nghệ nuôi của các nước trong khu vực. Bằng chứng, sản phẩm của bà đã được Cục Chăn nuôi đánh giá là gà có thịt trắng khi ăn lại dai và có mùi thơm thảo mộc ở trong miệng.

Trước thành công của bà, một công ty đã đặt vấn đề liên kết để có thể nuôi gà thảo mộc trên quy mô lớn. Mục đích của công ty này là sẽ cung cấp cho thị trường khoảng vài ngàn con gà thảo mộc mỗi ngày. Để có một nguồn cung lớn như vậy, công ty sẽ đặt hàng một số trang trại nuôi gà ở Đồng Nai, Bình Dươg nuôi gà thảo mộc. Dĩ nhiên, họ sẽ mời bà làm giáo viên hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà thảo mộc cho các trang trại này.

Nghe đâu, sau thành công của bà đã có một số sinh viên khoa chăn nuôi ở trường Đại học Nông lâm TPHCM đến nhờ bà hướng dẫn để làm luận văn về nuôi gà thảo mộc. Biết chuyện, tôi nói đùa với bà, vậy từ nay gọi “cô” là chuyên gia gà thảo mộc nhé! Bà cười bẽn lẽn.

Có thể, nhiều người trong chúng ta vì nhiều lý do khác nhau nên không thể lấy được tấm bằng cao đẳng, đại học để thực hiện ước mơ làm thầy, cô giáo mà tuổi thơ một lần ấp ủ. Nhưng chẳng sao cả, chỉ cần mỗi chúng ta làm thật tốt công việc hằng ngày của mình thì biết đâu một ngày đẹp trời nào đó, cánh cửa tưởng chừng như đã đóng sẽ mở ra cho mỗi chúng ta. Thì đó, những nông dân chỉ biết nuôi bò, nuôi gà vẫn có thể trở thành thầy, cô giáo để dạy lại kinh nghiệm của mình cho người khác. Vì thế, tôi tin, ai cũng có thể ít nhất một lần đứng trong vị trí cao quý này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới