Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Ai cũng lo lắng về quả bom Formosa”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Ai cũng lo lắng về quả bom Formosa”

Minh Đức

“Ai cũng lo lắng về quả bom Formosa”
Đại biểu Trần Công Thuật, Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình phát biểu tại Quốc hội sáng 29-7. Ảnh: TTXVN

(TBKTSG Online) – “Khi nào bà con yên tâm ăn cá và hải sản, khi nào môi trường biển an toàn? Đúng là chúng ta vừa cần tôm cá, vừa cần thép, nhưng có cần Formosa đến gần 70 năm không?” – đại biểu Trần Công Thuật, Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đặt câu hỏi trước Quốc hội.

Trong phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2016 tại Quốc hội sáng nay (29-7), nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng về “quả bom môi trường Formosa” (từ của đại biểu Trần Công Thuật). Chưa bao giờ, tên của một dự án đầu tư nước ngoài cụ thể lại được nhắc tới nhiều như vậy tại các phiên họp của Quốc hội.

Ông Thuật kiến nghị, trong các báo cáo về sự cố môi trường, cần đề rõ Formosa là ai, là cái gì, Tập đoàn thép Trung Quốc, Đài Loan là ai, cổ đông nào chiếm cổ phần chi phối trong tập đoàn này, cần công khai để bà con, nhân dân và Quốc hội biết.

Ông Thuật thắc mắc: “Phải hiểu thế nào về câu "đánh kẻ chạy đi, chứ không đánh người chạy lại" trong trường hợp Formosa?”. “Đấy là đạo lý của người Việt Nam nhưng không thể lạm dụng lòng tốt. Câu này chưa phù hợp lắm”, đại biểu cho biết.

Theo Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, sự cố môi trường biển vừa qua đã kéo lùi sự phát triển của tỉnh, kể cả về kinh tế, xã hội, an ninh, trật tự mất ổn định và làm giảm lòng tin của nhân dân. “Trong 4 tháng qua kinh tế của Quảng Bình điêu đứng, lòng dân không yên”.

Ông đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan, đồng thời nhanh chóng giải quyết những khó khăn của người dân về việc làm, về thu nhập, ổn định đời sống lâu dài một cách căn cơ để nhân dân yên tâm.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), một trong 4 tỉnh chịu thiệt hại nặng nề từ sự cố môi trường biển tâm tư: “Còn gì buồn hơn, lo lắng hơn khi người dân không ra khơi bám biển, phải đi tìm việc làm khác để mưu sinh, kiếm sống. Không chỉ ngư dân mà hoạt động của các khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành, các điểm kinh doanh ven biển cũng hoàn toàn bị ngưng trệ, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Lượng khách du lịch đến Quảng Trị giảm bằng 1/10 so với cùng kỳ năm 2015”.

Ông đề nghị, Quốc hội nhanh chóng rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật để ngăn chặn ngay từ ban đầu những nhà đầu tư có nguy cơ đe dọa đến đời sống của nhân dân.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho biết, Thủ tướng đã phê duyệt chiến lược phát triển bền vững Việt Nam, trong đó có các mục tiêu về bảo vệ môi trường như là một nguyên tắc khi xem xét cấp phép các dự án đầu tư.

“Chúng ta cũng có các luật về tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Luật bảo vệ môi trường, Luật đầu tư,… Vậy nhưng trên thực tế thảm họa môi trường Vũng Áng làm khốn khổ người dân 4 tỉnh miền Trung, hệ lụy của nó chưa thể chấm dứt”, ông nói.

Đại biểu cảnh báo, các hiện tượng xả thải gây ô nhiễm sông, suối xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước đang dần biến sông, suối thành các dòng sông chết. “Quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân được Hiến pháp ghi nhận đang bị xâm hại”, ông Tám nhấn mạnh.

Đại biểu Kon Tum đặt câu hỏi tại sao các định hướng và chủ trương về chính sách môi trường cũng như các đạo luật, các quy định về môi trường đã được ban hành khá công phu như thế đã không được tôn trọng và thực thi khi triển khai các chương trình đầu tư và cấp phép các dự án đầu tư.

Ông đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổng kiểm tra, rà soát lại tất cả các công trình, dự án đã hoạt động, đang đầu tư và sẽ đầu tư, nhất là những dự án, nhà máy ven sông, ven biển trong vấn đề xử lý chất thải.

“Cần kiên quyết và mạnh tay hơn nữa đối với những dự án, nhà máy không đảm bảo việc xử lý chất thải gây ô nhiễm, kể cả biện pháp dừng đầu tư hoặc chấm dứt hoạt động. Chúng ta không đánh đổi tương lai để lấy hiện tại”, ông Tám nói.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng nhắc lại câu nói của đại biểu Vũ Tiến Lộc tại kỳ họp trước: "Con đường dài nhất của Việt Nam là từ lời nói đến việc làm". Ông mong rằng ở nhiệm kỳ mới này của Quốc hội, con đường đó sẽ được rút ngắn với tốc độ nhanh nhất. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới