Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ai đang điều tiết thị trường?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ai đang điều tiết thị trường?

Ngọc Lan

(TBKTSG) – Về chuyện đồng Việt Nam mất giá, đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, ông Benedict Bingham giải thích trên Vietnamnet rằng đầu năm, các chính sách của Chính phủ tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô với mục tiêu giảm lạm phát và giảm áp lực lên tiền đồng.

Do vậy người dân có niềm tin rất lớn vào tiền đồng. Nhưng nửa sau của năm, chính sách chuyển sang tập trung vào tăng trưởng. Người dân thấy lạm phát tăng trở lại mà Chính phủ không có biện pháp điều chỉnh kịp thời nên lo lắng về những khoản tiết kiệm tiền đồng và chuyển sang các kênh đầu tư khác như mua đô la và vàng.

Không khó để đưa ra ví dụ cho thấy những nhận định của ông Benedict Bingham là có cơ sở. Dẫn chứng dễ thấy nhất ở thời điểm đầu năm là việc lãi suất cho vay của các ngân hàng tăng cao đến 17-18%/năm khiến dòng tiền khó lưu chuyển trong nền kinh tế, các doanh nghiệp rất khó tiếp cận được vốn. Nhà nước lại đưa ra những tuyên bố rõ ràng là không tăng giá những mặt hàng đầu vào thiết yếu như giá điện, giá than và giữ ổn định tỷ giá khiến cho tỷ giá đô la trên thị trường chính thức và thị trường tự do sát nhau, kết quả là lạm phát đã hạ nhiệt từ tháng cuối cùng của quí 1.

Nhưng các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng giữa năm như yêu cầu hạ lãi suất cho vay xuống mức 12%, điều chỉnh tỷ giá đô la tăng thêm 2,1% so với tiền đồng trong tháng 8 và những đổ vỡ của một tập đoàn kinh tế lớn như Vinashin đầu tháng 7 gây áp lực lên ngân sách nhà nước về việc trả nợ thay hàng trăm triệu đô la. Trong khi ấy, dư nợ tín dụng ngoại tệ đã tăng lên đến 52% tính đến nửa đầu tháng 10 khiến áp lực mua gom đô la Mỹ trên thị trường để trả nợ cuối năm tăng lên rõ rệt, gây áp lực lên tỷ giá. Tiền đồng “rẻ” thêm vì như vậy.

Trong bối cảnh đó, điều cần thiết là có một thông điệp rõ ràng và nhất quán từ các cơ quan của Chính phủ. Đáng tiếc, thực tế cho thấy giữa các cơ quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dường như chưa có sự phối hợp, ít nhất về mặt thông tin. Nhiều thông tin có tác động lên thị trường vừa được cơ quan này tung ra thì cơ quan kia đính chính.

Ngay chính các ngân hàng, trong vai trò các kênh dẫn vốn ra thị trường, đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh câu chuyện công bố thông tin liên quan đến ngân hàng là chức năng của Ủy ban Giám sát tài chính hay của Ngân hàng Nhà nước?

Chẳng hạn, Chủ tịch Ủy ban giám sát tuyên bố Chính phủ sẽ thả nổi lãi suất nhưng một cuộc họp của nhiều thành viên Hiệp hội các ngân hàng tại Hà Nội do Ngân hàng Nhà nước triệu tập ngay sau đó lại đồng thuận ấn định trần lãi suất huy động tiền đồng không quá 12%/năm? Thỏa thuận này, chưa bàn đến góc độ có thể tiếp tục vi phạm Luật Cạnh tranh như đã từng phải dẹp bỏ năm 2008, đã không thể đứng vững sau vài ngày khi nhiều ngân hàng “xé rào” dưới nhiều hình thức.

Giới ngân hàng đòi hỏi Chính phủ cũng phải lên tiếng chính thức về việc Nghị quyết 18 và Nghị quyết 23 của Chính phủ về hạ lãi suất vay còn có hiệu lực không bởi Ủy ban Giám sát tài chính đã tuyên bố thả nổi lãi suất như một biện pháp hút tiền từ lưu thông về nhưng Ngân hàng Nhà nước lại bắt đầu bơm ra thị trường hàng chục ngàn tỉ đồng (từ ngày 8 đến 12-11 bơm ra thị trường mở 75.000 tỉ đồng) để lãi suất hạ nhiệt.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, khó có thể phân tích đầy đủ lý do vì sao lãi suất huy động của các ngân hàng vừa ấn định, thỏa thuận xong lại “xé rào” tăng lên và sau đó hạ nhiệt trừ lời giải thích rằng chính các ngân hàng cũng làm “phép thử” với thị trường. “Vấn đề chống lạm phát muôn thuở là câu chuyện Nhà nước phát ra tín hiệu điều hành thị trường thế nào và thị trường phản ánh với chính sách ra sao”, chuyên gia Vũ Đình Ánh nói. Nhưng các chính sách điều hành kinh tế suốt thời gian gần đây đã được tung ra mà ngay từ các địa chỉ phát ra cũng còn nhiều tranh cãi thì lạm phát không thể nhờ đó mà có dấu hiệu giảm đi được.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu trái Pháp lệnh

Trong việc bình ổn giá nhằm chống lạm phát, Bộ Tài chính đưa ra sáng kiến thành lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu bằng việc trích lập dự phòng trên mỗi lít xăng khi bán ra. Đến nay, quỹ này còn gần 2.600 tỉ đồng trong tài khoản. Người dân phản ứng vì giá xăng vẫn tăng từng thời điểm bất kể giá thế giới tăng hay giảm và việc quản lý quỹ cũng như lợi ích từ đây là không rõ ràng. Doanh nghiệp trích lập cũng phản ứng vì việc này tạo lợi thế tích tụ về vốn cho các doanh nghiệp có thị phần lớn, giảm giá vốn và làm tăng tích tụ độc quyền. Thường vụ Quốc hội nhận thấy điều này vi phạm quy định Pháp lệnh về giá trong các biện pháp bình ổn giá không có biện pháp lập quỹ bình ổn.

Như vậy, thực tế cho thấy việc bình ổn giá một mặt hàng quan trọng trong việc chống lạm phát như giá xăng dầu không những đã không được thực hiện đúng quy định của pháp luật, không có tác dụng rõ ràng nhưng Bộ Tài chính kiên quyết giữ lại thì sẽ ảnh hưởng thế nào đến mục tiêu kiềm chế lạm phát mà chính bộ này là cơ quan tham mưu, điều tiết?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới