Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ai là chủ sở hữu tài sản trí tuệ do người lao động tạo ra?

TS. Bùi Đức Giang (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Người lao động có thể tạo ra sản phẩm, quy trình mới hay các loại tài sản trí tuệ khác trong quá trình làm việc cho người sử dụng lao động (công ty). Các tài sản này có thể là các tài sản rất có giá trị. Nhiều người nghĩ rằng các tài sản này đương nhiên sẽ thuộc về công ty. Tuy nhiên dưới góc độ pháp lý, câu trả lời không phải hiển nhiên như vậy.

Góc nhìn từ pháp luật lao động

Pháp luật lao động không đề cập một cách rõ ràng trong trường hợp này công ty hay người lao động sẽ là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với tài sản trí tuệ (TSTT) được tạo ra. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động có một số quy định có vẻ có thể áp dụng để tìm câu trả lời trong trường hợp này.

Điều 3 của luật này quy định người lao động là “người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động” và người sử dụng lao động là công ty “có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận”.

Về mặt nguyên tắc có thể lập luận từ các quy định này rằng khi người lao động làm việc cho công ty và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của công ty thì sản phẩm của quá trình lao động như các TSTT sẽ thuộc về công ty. Tuy nhiên, lập luận này rõ ràng không đủ mạnh để khẳng định chắc chắn quyền sở hữu TSTT của công ty.

Giải pháp từ pháp luật dân sự và sở hữu trí tuệ

Theo quy định tại điều 221 Bộ luật Dân sự, một trong các căn cứ xác lập quyền SHTT đối với tài sản là do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền SHTT. Điều 222 của bộ luật này nêu rõ “người tiến hành hoạt động sáng tạo có quyền sở hữu đối với tài sản có được từ hoạt động sáng tạo theo quy định của Luật SHTT”. Như vậy, theo bộ luật này, việc xác định ai có quyền sở hữu tài sản SHTT sẽ được thực hiện theo quy định của Luật SHTT.

Luật SHTT 50/2005/QH11 ngày 29-11-2005 được bổ sung, sửa đổi năm 2009, 2019 và 2022 (Luật SHTT) có các quy định riêng điều chỉnh trực tiếp vấn đề này.

Liên quan đến quyền tác giả, điều 39 Luật SHTT quy định rằng tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho tác giả là người thuộc tổ chức mình là chủ sở hữu của tất cả các quyền tài sản (quyền thu các lợi ích tài chính từ tác phẩm) và quyền công bố tác phẩm hoặc cho người khác công bố tác phẩm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Đối với quyền sở hữu công nghiệp, theo điều 86 Luật SHTT, công ty đầu tư kinh phí ngoài nguồn ngân sách nhà nước, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Trong trường hợp đăng ký thành công và được cấp văn bằng bảo hộ thì công ty sẽ trở thành chủ sở hữu của các TSTT này (điều 121 Luật SHTT).

Bên cạnh quyền nhân thân, người lao động là tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí có thêm quyền tài sản là quyền nhận thù lao trong suốt thời hạn bảo hộ của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí. Người lao động là tác giả giống cây trồng cũng được nhận mức thù lao mặc định.

Thêm vào đó, đối với bí mật kinh doanh, khoản 3 điều 121 Luật SHTT đặt ra nguyên tắc theo đó bí mật kinh doanh mà bên thực hiện nhiệm vụ được giao có được trong khi thực hiện công việc được giao thuộc quyền sở hữu của bên giao việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trong trường hợp TSTT là giống cây trồng, theo điều 164 Luật SHTT, công ty đầu tư kinh phí ngoài nguồn ngân sách nhà nước cho tác giả chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng dưới hình thức giao việc có quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Có thể hiểu triết lý đằng sau nguyên tắc xác định quyền sở hữu TSTT này nằm ở chỗ mặc dù người lao động là người đã có ý tưởng sáng tạo và ý tưởng sáng tạo đó đã được người lao động hiện thực hóa thành tài sản bằng trí tuệ và sức lao động của mình, song (i) việc tạo ra các TSTT bởi người lao động trong khi thực hiện công việc rõ ràng đã được hỗ trợ bởi các nguồn lực mà công ty dành cho người lao động (cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, thông tin,…); (ii) các tài sản này là kết quả của việc thực hiện công việc đã được trả công hay tiền lương; và (iii) người lao động chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của công ty trong quá trình sáng tạo đó.

Vấn đề đặt ra ở đây là cần hiểu “giao việc” và “giao nhiệm vụ” như thế nào cho phù hợp? Liệu có cần tài liệu hay bằng chứng khác về việc giao một công việc sáng tạo cụ thể cho người lao động hay một điều khoản chung chung trong hợp đồng lao động về phạm vi công việc có thể đáp ứng yêu cầu này? Rõ ràng là nếu hiểu theo hướng thứ nhất thì sẽ rất bất lợi cho công ty.

Về điểm này có thể tham khảo kinh nghiệm pháp luật nước ngoài. Theo pháp luật về quyền tác giả (copyright) của Mỹ, nếu người sáng tạo là người lao động và tác phẩm đã được tạo ra trong khuôn khổ quan hệ lao động, công ty sẽ là chủ sở hữu quyền tác giả.

Tương tự, theo quy định của pháp luật Anh, sáng chế được tạo ra bởi người lao động sẽ thuộc về công ty trong trường hợp sáng chế đó đã được tạo ra trong quá trình lao động bình thường và liên quan đến các nhiệm vụ của người lao động trong công việc (và sáng chế đó có thể được xem một cách hợp lý là kết quả của việc thực hiện các nhiệm vụ đó).

Trong thực tiễn xét xử, các tòa án tại Anh thường xem xét các nhiệm vụ hay công việc được người lao động thực hiện trong quá trình duy trì quan hệ lao động để xác định các nghĩa vụ của người lao động, chứ không chỉ đơn thuần rà soát hợp đồng lao động và sử dụng các điều khoản của hợp đồng lao động đó để xác định ai sẽ là chủ sở hữu quyền SHTT.

Một câu hỏi khác được đặt ra là nếu người lao động tạo ra tài sản SHTT ngoài giờ lao động thì quyền sở hữu tài sản này sẽ thuộc về ai? Có vẻ theo các quy định nêu trên của Luật SHTT, nếu việc sáng tạo đó thuộc phạm vi công việc hay nhiệm vụ được giao (đối với tất cả các loại TSTT nêu trên) và có sử dụng kinh phí hay phương tiện vật chất của công ty (đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hay thiết kế bố trí) hay có sử dụng kinh phí của công ty (đối với giống cây trồng) thì quyền sở hữu vẫn thuộc về công ty trong trường hợp này.

Quyền của người lao động

Trong trường hợp người lao động tạo ra TSTT trong quá trình lao động, Luật SHTT trao cho người lao động một số quyền nhất định.

Theo quy định tại điều 122 của Luật SHTT, người lao động là tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí có các quyền nhân thân sau đây:

– Được ghi tên là tác giả trong bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích, bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;

– Được nêu tên là tác giả trong các tài liệu công bố, giới thiệu về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.

Cần lưu ý mặc dù các quy định của Luật SHTT về việc hạn chế chuyển nhượng quyền SHTT không nêu rõ nhưng có vẻ cần hiểu các quyền nhân thân trên không thể được chuyển nhượng cho công ty hay người khác.

Đối với tác phẩm, người lao động bảo lưu các quyền: (i) quyền đặt tên cho tác phẩm; (ii) quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm và được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng cũng như (iii) quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc và không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả (điều 39 Luật SHTT). Các bên không thể thỏa thuận về việc người lao động chuyển nhượng cho công ty hay người khác quyền thứ hai và quyền thứ ba nêu trên (điều 47 Luật SHTT).

Hơn nữa, theo quy định tại điều 122 và điều 135 Luật SHTT, người lao động là tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí có thêm quyền tài sản là quyền nhận thù lao trong suốt thời hạn bảo hộ của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.

Theo các điều luật này, công ty có nghĩa vụ trả thù lao cho người lao động theo thỏa thuận và trong trường hợp không có thỏa thuận (được hiểu là bao gồm cả trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận) thì mức thù lao phải trả cho người lao động như sau:

– 10% lợi nhuận trước thuế mà công ty thu được do sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;

– 15% tổng số tiền mà công ty nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí trước khi nộp thuế theo quy định.

Điều 191 Luật SHTT cũng quy định mức thù lao mặc định cho người lao động là tác giả giống cây trồng trong trường hợp công ty và người lao động không có thỏa thuận.

Các khoản thù lao này thể hiện việc chia sẻ với người lao động lợi ích mà công ty thu được từ TSTT.

Cũng cần lưu ý có vẻ như các điều luật trên cho phép công ty thỏa thuận trong hợp đồng lao động với người lao động về việc tiền lương đã bao gồm cả thù lao đối với tất cả các TSTT mà người lao động có thể tạo ra trong quá trình hai bên duy trì quan hệ lao động.

(*) Giảng viên trường Quản trị và Kinh doanh – Đại học Quốc gia Hà Nội

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới