Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ai là người “cung” trước sẽ thành công trước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ai là người “cung” trước sẽ thành công trước

Lê Minh Hoan

(TBKTSG) – Có cầu ắt hẳn sẽ có cung, vấn đề ai là người “cung” trước sẽ thành công trước. Đơn giản vậy thôi!

Nhiều nghịch lý từ chuyện “giải cứu” nông sản

"Giải cứu" mãi đến bao giờ!

Nông sản Việt sang Trung Quốc “tê liệt” theo virus Corona

Ai là người “cung” trước sẽ thành công trước
Có cầu ắt hẳn sẽ có cung, vấn đề ai là người “cung” trước sẽ thành công trước. Ảnh minh họa Thành Hoa

Bây giờ đi đến các thành phố lớn, thế nào cũng gặp cảnh tắc đường kẹt xe. Đường lớn cũng tắc, đường nhỏ cũng kẹt. Những khi lâm vào tình cảnh tiến không được mà lui cũng không xong, thì chỉ còn tìm cách chui vô cái ngõ, thậm chí là cái ngách nào gần nhất rồi tìm đường thoát thân.

Chui vô ngõ ngách nhỏ hẹp chịu cực một chút, loằng ngoằng một chút, vậy mà có khi về đến đích sớm hơn là chịu cảnh chôn chân ở “đường cái quan” chật ních người và người. Vậy là, đôi khi ngõ ngách cũng có cái hay của ngõ ngách!

Nói chuyện đường sá, ngõ ngách lòng vòng là để bàn đến một câu chuyện khác cũng tương tự, chuyện “thị trường ngách” trong nền kinh tế hiện nay, chuyện đầu ra các loại hàng hóa, nông sản.

Theo các nhà kinh tế học, thị trường ngách được hiểu là một phân đoạn nhỏ của thị trường hay một khoảng trống thị trường với mục tiêu gồm một nhóm khách hàng riêng biệt. Doanh nghiệp lựa chọn thị trường ngách, tức là tập trung nỗ lực cho phần lớn thị trường nhỏ, chứ không cạnh tranh để giành thị phần trong thị trường lớn, đồng thời sẽ đi theo hướng kinh doanh theo nhu cầu của thị trường. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã làm, và có ý tưởng y chang như vậy.

Hôm rồi, có dịp thăm bạn trẻ khởi nghiệp ở Tam Nông, mới thấy sức trẻ trên vùng đất ngập sâu nhất Đồng Tháp Mười này. Bạn ấy đầu tư công nghệ để tách cho hạt gạo bớt đi những tạp chất không có lợi cho sức khỏe. Bạn trồng những giống lúa đặc sản theo hướng hữu cơ phù hợp với những đối tượng tiêu dùng riêng.

Trong khi hầu hết nông dân lẫn doanh nghiệp ùn ùn đua nhau sản xuất, kinh doanh lúa gạo chất lượng thấp, phù hợp thị trường dễ tính thì bạn tìm một hướng đi mới cho riêng mình. Vậy là sản phẩm đó dành cho “thị trường ngách” rồi còn gì?

Trong khi nhiều người vẫn lấy sản lượng làm mục tiêu thì bạn lấy chất lượng làm mục tiêu, lấy sức khỏe người tiêu dùng làm thương hiệu cho sản phẩm của mình. Vậy là tư duy của “người làm kinh tế” chứ không phải của “người sản xuất” rồi chứ gì?

Xu hướng người tiêu dùng đã chuyển từ số lượng sang chất lượng. Ngày xưa, đói thì người ta ăn nhiều cho no bụng, giờ khá giả chút đỉnh thì ăn ít lại mà phải sạch, chất lượng. Rồi giàu sang hơn nữa thì ăn phải ngon và phải lành, thậm chí phải bồi bổ cho sức khỏe nữa chứ! Vậy, mình có tiếp tục bán “cái mình có” hay bán cái “người tiêu dùng cần” đây?

Nói nào ngay, bán cái mình có hình như dễ hơn bán cái thị trường cần. Biết được thị trường cần gì đôi khi khó tương đương với đi tìm “lá diêu bông”. Vậy, để cho an toàn hơn thì mình cứ bán cái mình có, hổng có người này mua thì chắc cũng có người khác mua?! Chợ sáng bán hổng được thì đến chợ chiều chắc cũng có người mua. Bán giá cao hổng được thì giảm xuống thấp một chút, cực chẳng đã thì thế nào cũng có chiến dịch “giải cứu” thôi. Người ta luôn thương nông dân mà!

Vậy là, biết kẹt xe mà vẫn đi, tắc đường mà vẫn rấn tới. Kẹt càng thêm kẹt, tắc càng thêm tắc! Thấy đường đông người đang đi thì mình cũng lũ lượt kéo nhau đi theo. Người ta gọi đó là tâm lý đám đông. Ông bà mình nói “thấy người ta ăn khoai thì vác mai đi đào” là vậy! Thấy chỗ nào người ta họp chợ đông đúc thì mình đem bao gạo, thúng xoài đến bán. Nhưng những lúc tưởng chừng như an toàn nhất lại là chỗ kém an toàn.

Trong khi đó, những đường tưởng chừng như khó đi nhưng lại là chỗ dễ đi nhất. Như vậy, mới có người chấp nhận tìm con đường mới để đi dù đó là ngõ là ngách. Người nào chấp nhận đi trước thì dễ đi hơn và dễ đến đích hơn, nếu đợi khi đông người thì lại chen chúc.

Đã có nhiều người từ bỏ cách làm nông truyền thống – từ làm nông nghiệp lạm dụng phân thuốc sang làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ; từ làm nông nghiệp cần cù, “cuốc bẩm cày sâu” sang làm nông nghiệp “thông minh” với cái điện thoại điều khiển tưới tiêu tự động, máy bay rải phân phun thuốc.

Từ bán cho khách hàng đại trà sang bán hàng có chọn lọc, mà người ta gọi là “phân khúc thị trường”, “phân khúc khách hàng”. Bán cho người khỏe mạnh khác với bán cho người già yếu, bệnh tật. Bán cho người giàu có khác bán cho người thu nhập thấp. Bán cho người lớn khác bán cho trẻ nhỏ. Bán cho khách nội địa khác với bán cho người nước ngoài, mà nước ngoài mỗi nước lại khác nhau. Mỗi phân khúc khách hàng có nhu cầu riêng, sở thích riêng về chất lượng, mẫu mã, bao bì, cách tiếp thị sản phẩm, dịch vụ.

Như vậy, cái người ta cần phong phú vô cùng, khác biệt vô cùng, ai nắm bắt đầy đủ thông tin thì sẽ có chiến lược hợp lý. Nghề buôn nghề bán là vậy, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.

Thị trường mênh mông nhưng vẫn còn đó những khoảng trống cần lấp đầy mà người ta gọi là “Đại dương xanh”, khác biệt với “Đại dương đỏ” là thị trường truyền thống. Vấn đề là ai phát hiện ra những khoảng trống đó, ai là người dũng cảm dấn thân và vươn lên làm giàu nhờ vào những khoảng trống đó, dù cho đôi lần thất bại nếu không nản lòng, sẽ có ngày đạt được thành công.

Có cầu ắt hẳn sẽ có cung, vấn đề ai là người “cung” trước sẽ thành công trước. Đơn giản vậy thôi! 

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới